.

Ứng xử với trẻ thừa cân, béo phì

.

Đà Nẵng là một trong 5 thành phố lớn trên cả nước được cảnh báo có nhiều trẻ em thừa cân, béo phì. Cả nước có 300.000 trẻ dưới 5 tuổi thừa cân, béo phì, thì 86.000 trẻ trong số này đang sống ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ và Đà Nẵng.

Tuy nhiên, theo bác sĩ dinh dưỡng, số phụ huynh đi tư vấn thừa cân rất ít so với số người quan tâm đến tình trạng thiếu cân ở trẻ. Bởi lẽ, nhiều ông bà, cha mẹ vẫn thích con, cháu mình mập mạp, bụ bẫm.

Người thích béo thêm, người mạnh tay cấm đoán

Trước tình trạng con thừa cân, béo phì, nhiều bậc cha mẹ cảm thấy tự hào vì mình nuôi con “mát tay”. Ngược lại, nhiều người sử dụng biện pháp cứng rắn, cấm đoán việc ăn uống của trẻ với mong muốn con giảm cân. Theo chuyên gia dinh dưỡng, cả hai cách ứng xử này đều không phù hợp.

Một bé trai 22 tháng, nặng 20kg, cao 90cm, khi bắt đầu đi trẻ, do nhiều thay đổi trong môi trường sinh hoạt, ăn uống, vui chơi nên bé sụt 4gram, tức chỉ còn nặng 19,5kg. Điều này làm ông bà, bố mẹ bé vô cùng lo lắng, dẫn đến tranh cãi có nên chuyển trường cho con hay không. Dù theo tiêu chuẩn chỉ số chiều cao, cân nặng, bé thuộc dạng thừa cân, béo phì, nhưng trong mắt gia đình, bé phải mập mạp như thế hoặc nhiều hơn mới gọi là khỏe mạnh.

Các thành phần của một chương trình điều trị béo phì Thành phần
Các thành phần của một chương trình điều trị béo phì Thành phần

Ngược với bé trai trên, bố của một cháu trai béo phì, hiện là học sinh lớp 3 Trường tiểu học T.C.V lại dùng biện pháp cứng rắn cấm đoán việc ăn uống của con. Ở nhà, bé tỏ ra rất tuân thủ sự kiểm soát của bố, nhưng bù lại bé thường qua nhà hàng xóm xin ăn vụng và ăn rất nhiều. Biết chuyện, bố cháu cấm luôn việc xin người khác đồ ăn, thức uống. Tuy nhiên, bé vẫn lén ăn tất cả những gì người khác cho một cách ngon lành.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hoàng Hà, Phó Trưởng khoa Tiêu hóa - Dinh dưỡng, khoa Nhi, Bệnh viện Phụ Sản - Nhi Đà Nẵng, phần nhiều cha mẹ vẫn thích con mình béo lên nên trẻ thừa cân là tín hiệu vui hơn là điều đáng lo. Chỉ có một số ít người thực sự hiểu biết về thừa cân, béo phì mới tìm đến bác sĩ nhờ tư vấn. Khi trẻ thừa cân, gia đình không nên tìm mọi cách ép cân, giảm cân, bởi trẻ đang trong tuổi tăng trưởng nên cần duy trì cân nặng, chiều cao. Khi trẻ lớn, chiều cao tăng lên thì cân nặng theo đó sẽ tương thích. Trừ trường hợp béo phì nặng dẫn đến các biến chứng mới cần phải can thiệp giảm cân.

Tác hại đối với sức khỏe

Bác sĩ Hoàng Hà cho hay, trên 90% trẻ bị béo phì nguyên phát, tức không do bệnh lý mà do dinh dưỡng nạp vào không phù hợp như quá nhiều tinh bột, chất béo, thức ăn nhanh, v.v… Bên cạnh đó, việc tiêu hao năng lượng lại hạn chế vì trẻ ít vận động, ngồi nhiều, dẫn đến thừa cân, béo phì.

Ứng xử với trẻ béo phì là một vấn đề lớn mà phụ huynh cần phải quan tâm. Trẻ thừa cân thường thích ăn nhiều, việc cấm ăn dễ khiến trẻ cảm thấy bị phân biệt đối xử; đồng thời cái gì càng cấm thì trẻ càng muốn ăn và ăn nhiều. Thế nên, với trẻ ở ngưỡng tuổi đã nhận thức vấn đề, cha mẹ cần chia sẻ tình trạng thừa cân, béo phì để bé hợp tác, hiệu quả đạt được sẽ tích cực hơn. Bên cạnh đó, trẻ béo phì thường có tâm lý mặc cảm vì bị bạn bè trêu chọc. Càng mặc cảm, trẻ càng giảm tiếp xúc với mọi người hoặc ít ra ngoài vui chơi, vận động. Theo đó, tình trạng béo phì nặng hơn. Đây là vòng luẩn quẩn mà phụ huynh cần hết sức quan tâm.

Điều khiến nhiều phụ huynh vẫn thích con béo hơn là đạt cân nặng chuẩn xuất phát từ chỗ chưa nhận thức hết tác hại của thừa cân, béo phì. Trẻ béo phì cũng có thể dẫn đến các biến chứng như người lớn béo phì, chẳng hạn bệnh tim mạch, hô hấp (ngưng thở lúc ngủ…), thần kinh (giả u não), tiêu hóa (sỏi mật, gan nhiễm mỡ) và các bệnh liên quan hệ cơ xương, miễn dịch, v.v… Ở trẻ béo phì nặng, việc đánh giá tình trạng một số bệnh gặp khó khăn hơn so với trẻ bình thường, ví dụ như tình trạng mất nước do tiêu chảy.

THU HOA

;
.
.
.
.
.