Đà Nẵng có 56 xã, phường, với 56 trạm y tế xã, phường (gọi tắt là TYTX). Đến nay, sau tròn 2 năm thực hiện xây dựng Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020, toàn thành phố chưa có TYTX nào được công nhận đạt đủ các tiêu chí đề ra.
Theo báo cáo của Sở Y tế, cuối năm 2013, thành phố sẽ có 26 TYTX thuộc 7 quận, huyện đăng ký hoàn thành và được công nhận đạt chuẩn theo Bộ Tiêu chí do Bộ Y tế quy định. Tuy nhiên, với những tồn tại được đoàn kiểm tra của Sở Y tế thống kê thì sẽ còn rất nhiều việc phải làm đối với các TYTX…
Trạm y tế xã Hòa Khương xuống cấp. |
Thành tựu
Quyết định 3447/QĐ-BYT ngày 22-9-2011 ban hành Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020 nêu rõ: Các TYTX phải đạt 10 tiêu chí (chỉ đạo, điều hành công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; nhân lực y tế; cơ sở hạ tầng TYTX; trang thiết bị, thuốc và phương tiện khác; kế hoạch - tài chính; y tế dự phòng; vệ sinh môi trường và các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế; khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng và y học cổ truyền; chăm sóc sức khỏe bà mẹ-trẻ em; dân số-kế hoạch hóa gia đình; truyền thông-giáo dục sức khỏe) mới có thể đạt chuẩn quốc gia về y tế xã.
Huyện Hòa Vang có 11 xã, thời điểm kiểm tra các tiêu chí theo chuẩn mới (chuẩn cũ giai đoạn 2001-2010) vào tháng 6-2013, có 6 TYTX đăng ký đạt Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế. Đến tháng 9-2013, Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang cho biết có 7 TYTX đăng ký đạt chuẩn. Tiếp đến là Sơn Trà 7/7 TYTX đăng ký, Cẩm Lệ 4/6, Hải Châu 4/13, Thanh Khê 3/10, Liên Chiểu 2/5 và Ngũ Hành Sơn 1/4.
Bác sĩ Trần Sỹ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, cho biết huyện này có nhiều thuận lợi hơn so với các địa phương khác, y tế nông thôn được lồng ghép trong chương trình xây dựng nông thôn mới; cơ sở vật chất, trang thiết bị được chú trọng đầu tư. Đây cũng là địa phương duy nhất có 11/11 xã có máy điện tim. Hòa Vang cũng có số bác sĩ cố định thường xuyên nhiều nhất với 8 bác sĩ ở TYTX (so với 21 TYTX có bác sĩ toàn thành phố). Các xã còn lại có bác sĩ tuyến huyện luân phiên xuống làm việc tại TYTX 3 ngày/tuần. Hòa Vang phát huy tối đa việc khám chữa bệnh cho người dân tại các TYTX. Ở TYTX Hòa Khương, bình quân có 1.500 lượt khám/tháng.
Quận Cẩm Lệ, năm 2013 có 4/6 TYTX đăng ký công nhận đạt chuẩn. Theo bác sĩ Trần Ngọc Duật, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ, đa số các TYTX đều có nền tảng từ việc thực hiện bộ tiêu chí theo nghị định trước đây của Bộ Y tế. Việc xây dựng Bộ Tiêu chí mới dựa trên nền tảng đó nên tương đối thuận lợi. Điều này lý giải vì sao ở khu vực Hòa Vang, trong lần kiểm tra đợt 1 vào tháng 5-2013, tất cả các xã đều chưa đạt tiêu chí nào, đến cuối tháng 8 vừa qua thì có 7/11 xã đạt (từ 93 điểm trở lên, điểm chuẩn là 100) nhưng chưa được công nhận.
Tồn tại
Mặc dù các địa phương nói trên đều khẳng định sẽ hoàn thành Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã chậm nhất vào cuối năm 2014, nhưng thực tế, việc hoàn thành và duy trì mức điểm đạt được không đơn giản. Có nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhất là một số chỉ tiêu nằm ngoài sự kiểm soát của ngành y tế, như tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế phải đạt trên 80%, tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ 3 dưới 5% (thành thị) và dưới 10% (ở nông thôn), cơ sở hạ tầng xuống cấp...
Lý giải điều này, đại diện Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ đều thừa nhận, đến nay tình trạng xuống cấp của các TYTX rất rõ. Trong khi đó, hằng năm các TYTX không được đầu tư kinh phí để duy tu, bảo dưỡng, dẫn đến xuống cấp. Tại TYTX Hòa Khương, đường dẫn vào TYTX sau đợt mưa vừa qua còn ngập nước. Không có cổng, không bảng chữ, nhiều người lần đầu đến rất khó nhận ra đây là TYTX. Bà Trần Thị Thủy, phụ trách trạm, đưa phóng viên đi tham quan, cho biết trong số 14 phòng của TYTX được xây dựng từ năm 2002, đến nay hầu hết xuống cấp, chỉ còn sử dụng được 6 phòng. Các phòng đều rơi vào tình trạng mưa dột, nước ngấm tường, cửa sổ rét gỉ, bể hết kính, hệ thống điện chiếu sáng hư hỏng nhiều, trần, la-phông bị hư hỏng...
Khảo sát thực tế tình trạng xuống cấp ở các TYTX huyện Hòa Vang của Sở Y tế cho thấy, trong 11 xã, 10 xã có nhu cầu được đầu tư nâng cấp và 1 xã cần xây mới (xã Hòa Khương) với tổng kinh phí đầu tư trên 14 tỷ đồng. Tuy nhiên, UBND thành phố đến nay chưa đồng ý cấp kinh phí đầu tư. Còn bác sĩ Trần Ngọc Duật cho biết nguyên nhân các phường ở Cẩm Lệ chưa đăng ký đạt các tiêu chí trong năm nay, thậm chí năm tới, do tình trạng xuống cấp cơ sở hạ tầng. Đơn cử, TYTX Hòa An và Hòa Thọ Tây mặc dù mới được xây dựng, nhưng đến nay nhà chính bị dột (bị điểm liệt), hiện có phương án xin UBND quận và thành phố cấp vốn để nâng cấp, cải tạo mới, nhưng chưa nhận được phản hồi từ các cơ quan trên. Vì vậy, việc hoàn thành bộ tiêu chí vào cuối 2014 đối với các phường này không hề dễ dàng.
Báo cáo của Sở Y tế chỉ rõ, tuyến y tế xã, phường hiện nay còn nhiều tồn tại rất đáng quan tâm, đặc biệt là nguồn nhân lực như thiếu bác sĩ, điều dưỡng trung cấp, dược sĩ trung cấp. Đa số các địa phương không có kế hoạch đào tạo hằng năm. Hầu hết các TYTX thiếu máy siêu âm, điện tim, đo huyết áp và cán bộ chưa được đào tạo, tập huấn sử dụng trang thiết bị (trong 11 máy điện tim ở Hòa Vang, đến nay 3 trong số các xã máy đã hỏng); tỷ lệ sinh con thứ 3 còn cao; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh thấp hơn 60%...
Thực hiện Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã, phường nhằm hoàn thiện chương trình quốc gia về y tế cộng đồng, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Đà Nẵng là thành phố lớn, các trung tâm y tế tuyến quận trở lên không còn quá xa xôi với người dân, nên việc đầu tư trang thiết bị cho tuyến y tế xã cần phải đúng mức, tránh để rơi vào cảnh vừa thừa vừa thiếu.
Bài và ảnh: TRỌNG HUY