Hàng trăm trường hợp bị quấy nhiễu, trẻ bị bỏ rơi hay bị bạo hành, ngược đãi hay bị bệnh về tâm lý... đã được Trung tâm Dịch vụ công tác xã hội Đà Nẵng (Trung tâm) giúp đỡ trong thời gian qua.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ công tác xã hội Đà Nẵng tư vấn cho trẻ về phòng chống bạo lực học đường. |
Trẻ cần được hỗ trợ
“Bố mẹ đi đi! Đừng đến gần tui”, “Nàng tiên cá xuất hiện kìa. Đó! Thấy chưa”… N.H (14 tuổi), học sinh lớp 11, ở phường Thạch Thang, quận Hải Châu, ngày nào cũng la hét những câu từ khó hiểu như thế. Luôn có cái nhìn tiêu cực về cuộc sống và những người xung quanh, H. chỉ mơ tưởng và thần tượng những điều không có thật, thường xuyên có mâu thuẫn với bố mẹ, không xây dựng được các mối quan hệ với bạn bè. Vì H. quậy phá nên cha mẹ nhiều khi cũng nổi giận, quát mắng em.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, cán bộ Trung tâm gặp gỡ gia đình H. “Chúng tôi đã tiến hành tham vấn tâm lý cho gia đình, bởi trong những trường hợp như thế trẻ cần được cảm thông, giúp đỡ hơn là la mắng, đồng thời xây dựng kế hoạch để chuyên gia tâm lý hỗ trợ em. Cha mẹ của H. đã chấp nhận những khó khăn mà con đang gặp phải, thay đổi cách ứng xử với con, phối hợp với cán bộ trung tâm để hỗ trợ em”, bà Trương Thị Như Hoa - Giám đốc Trung tâm cho biết. Hiện H. đã có sự thay đổi về nhận thức theo hướng tích cực, có những hành vi ứng xử phù hợp với cha mẹ và mọi người xung quanh.
Chỉ riêng trong 9 tháng, thông qua đường dây điện thoại nóng và trực tiếp tại văn phòng, Trung tâm đã tiếp nhận 141 thông tin của phụ huynh, trẻ em và người khuyết tật, trong đó có 41 trường hợp được mở hồ sơ quản lý, tư vấn và kết nối dịch vụ, có cả những em bị bạo hành, ngược đãi, có khó khăn về giao tiếp, trí tuệ…
Đối với những trường hợp trẻ có khó khăn về hành vi, giao tiếp, cán bộ Trung tâm tiếp cận, cùng gia đình lên kế hoạch hỗ trợ trẻ, trực tiếp can thiệp hành vi cho trẻ. Bên cạnh đó, cán bộ Trung tâm hỗ trợ tâm lý cho cha mẹ trẻ giúp các bậc phụ huynh giải tỏa tâm lý, yên tâm hơn với sự phát triển của con mình. Qua quá trình can thiệp, các em có sự thay đổi tích cực, gia đình quan tâm, hỗ trợ con trẻ nhiều hơn. “Với những trường hợp trẻ có biểu hiện khó khăn về tâm lý, chúng tôi sử dụng các thủ thuật chuyên môn, hỗ trợ tâm lý giúp trẻ phát triển cân bằng về mặt cảm xúc, nâng cao nhận thức để các em có hành vi ứng xử phù hợp, đồng thời tăng sức đề kháng cho trẻ vượt qua khủng hoảng trong cuộc sống”, anh Mai Đức Vũ - cán bộ Trung tâm cho biết.
Phụ huynh cũng cần được giúp đỡ
Theo bà Trương Thị Như Hoa, không chỉ các em mà chính phụ huynh cũng là những đối tượng cần sự giúp đỡ. Do vậy, Trung tâm đã triển khai thực hiện thí điểm mô hình “Hỗ trợ tâm lý xã hội cho phụ huynh và trẻ khuyết tật” từ đầu năm nay.
Để thực hiện mô hình này, tại phòng tham vấn, chuyên gia tâm lý sẽ trực tiếp nói chuyện chuyên đề “Làm bạn với con” cho cả nhóm phụ huynh. Thông qua hoạt động này, phụ huynh được bày tỏ suy nghĩ, cảm nhận của cá nhân mình, các phụ huynh được chia sẻ kinh nghiệm trong việc hỗ trợ cho trẻ, giải tỏa được tâm lý; đồng thời chuyên gia giúp phụ huynh phát hiện những điểm mạnh của con trẻ để phụ huynh có thêm niềm tin và nghị lực trong cách dạy con.
Tại một phòng riêng, trẻ khuyết tật được sinh hoạt nhóm cùng các anh chị sinh viên. Tại đây, trẻ được đánh giá việc hòa nhập và phát triển về vận động. Các chuyên viên tâm lý và sinh viên cùng trẻ tương tác, giao lưu, rèn luyện một số kỹ năng giao tiếp, kỹ năng vận động. Qua các hoạt động này, chuyên viên nhận biết thêm về đặc điểm tâm sinh lý của trẻ, phối hợp với chuyên gia đánh giá và gia đình xây dựng kế hoạch can thiệp phù hợp hơn. Sau đó, từng trẻ và phụ huynh sẽ được chuyên gia giáo dục đặc biệt đánh giá chi tiết, cùng với gia đình xây dựng kế hoạch can thiệp cho từng trẻ theo phương pháp quản lý ca.
Qua thời gian thực hiện, Trung tâm đã hỗ trợ tâm lý cho phụ huynh và đánh giá, xây dựng kế hoạch trị liệu cho 29 trẻ em có khó khăn về trí tuệ, hành vi, giao tiếp. “Hoạt động trên nhằm nâng cao nhận thức, thái độ của gia đình đối với việc hỗ trợ cho trẻ phục hồi và hòa nhập ngay từ phía gia đình, một điều mà lâu nay chúng ta chưa chú ý đúng mức”, bà Hoa nói. Với mô hình này, Trung tâm thực hiện thí điểm ở 6 phường trọng điểm để rút kinh nghiệm và nhân rộng trên toàn thành phố trong thời gian đến.
Bài và ảnh: KIM NGÂN