Sau những sự việc gây bức xúc trong nhân dân về phạm vi hoạt động, đạo đức nghề nghiệp của một số cơ sở y tế ngoài công lập trong thời gian qua, sáng 4-11, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tăng cường quản lý Nhà nước về hành nghề y dược ngoài công lập. Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đồng chủ trì hội nghị.
Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng là một trong những bệnh viện ngoài công lập có đủ điều kiện khám chữa bệnh. TRONG ẢNH: Bác sĩ Bệnh viện Hoàn Mỹ khám bệnh cho bệnh nhân. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ |
Tại điểm cầu Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Xuân Anh chủ trì cùng với sự tham dự của lãnh đạo Sở Y tế và đại diện các cơ sở y, dược ngoài công lập đang hoạt động trên địa bàn thành phố.
Chấn chỉnh toàn diện
Điểm lại một số sai phạm trong phạm vi hành nghề của các cơ sở y dược ngoài công lập, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, nhiều vụ việc cố tình làm sai vì quá coi trọng lợi nhuận, gây hậu quả nghiêm trọng không chỉ trong ngành y tế mà còn đi ngược với đạo đức xã hội, điển hình như vụ thẩm mỹ viện Cát Tường ném xác nạn nhân. Từ những sự vụ nêu trên, ngành y tế cần chấn chỉnh toàn diện về văn bản pháp luật, bộ máy tổ chức và đạo đức để từng bước tăng mức độ hài lòng của người dân đối với bác sĩ nói riêng và toàn ngành y tế nói chung.
Các nội dung chính được tập trung thảo luận trong hội nghị gồm rà soát lại hành lang pháp lý về hành nghề y dược tư nhân; tăng cường quản lý thời gian và phạm vi hoạt động của các bác sĩ làm việc trong bệnh viện công nhưng có tham gia làm việc ngoài giờ tại phòng khám tư nhân; kiểm soát chặt chẽ nội dung và cách quảng cáo; giải quyết khó khăn của đội ngũ thanh tra y tế địa phương; nêu rõ vai trò của chính quyền địa phương về quản lý y tế; chấn chỉnh đạo đức, quy tắc ứng xử nghề nghiệp.
Hiện cả nước có 157 bệnh viện tư nhân (trong đó 151 bệnh viện vốn đầu tư trong nước, 6 bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài), hơn 3.000 phòng khám tư nhân và cơ sở dịch vụ y tế. Tổng số người hành nghề trong các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân trên toàn quốc là 249.852 người, trong đó 64.422 bác sĩ, 54.478 y sĩ, 88.019 điều dưỡng, 15.185 kỹ thuật viên, 27.529 nữ hộ sinh và 219 lương y.
Cả nước chỉ có 290 thanh tra y tế
Kết quả thanh, kiểm tra các cơ sở trong 10 tháng đầu năm cho thấy, bên cạnh những bệnh viện, phòng khám có đủ hồ sơ pháp lý, thực hiện đúng phạm vi hoạt động chuyên môn, có thiết bị và nhân lực thực hiện nhiều kỹ thuật cao như phẫu thuật tim hở, thụ tinh trong ống nghiệm…, vẫn có một số cơ sở khám chữa bệnh lạm dụng cận lâm sàng xét nghiệm, X-quang để thu lợi hoặc quá coi thường pháp luật, lợi dụng lòng tin nhân dân đã hoạt động quá phạm vi chuyên môn, quảng cáo không đúng khả năng, không thực hiện niêm yếu giá hoặc thu tiền cao hơn giá niêm yết...
Điểm cầu Đà Nẵng do Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Xuân Anh chủ trì. |
Điều đáng quan tâm là dù số lượng cơ sở và bác sĩ tham gia khám chữa bệnh ngoài công lập trên cả nước rất nhiều, nhưng lực lượng thanh tra y tế lại quá mỏng. Toàn quốc có 290 thanh tra, trong đó Bộ Y tế có 33 người. Tại các địa phương, riêng thanh tra Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh có 45 người và Hà Nội có 14 người, còn lại mỗi tỉnh, thành phố chỉ có từ 2-4 thanh tra. Bên cạnh đó, hầu hết các tỉnh, thành phố đều chưa có cán bộ thanh tra chuyên sâu về y và dược.
Theo ý kiến chung của các điểm cầu, ngoài yếu tố lực lượng quá mỏng không bảo đảm hết khối lượng công việc thực tế, công tác thanh tra hiện nay còn gặp một số khó khăn như trình độ cán bộ thanh tra chưa đồng đều, một số thanh tra còn cố tình lách luật vì mục đích thu lợi, việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho cán bộ thanh tra chưa được chú trọng. Theo đó, Bộ Y tế kiến nghị với Chính phủ cho phép thành lập, tổ chức hệ thống thanh tra, kiểm tra y tế tới tuyến quận, huyện. Riêng đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm và hành nghề y dược ngoài công lập đề nghị có hệ thống kiểm tra, quản lý chuyên ngành tới tuyến xã; tăng biên chế cho thanh tra tỉnh ít nhất từ 7 - 10 người/địa phương.
Xếp hạng các cơ sở y tế ngoài công lập
Tại điểm cầu Đà Nẵng, Bệnh viện Hoàn Mỹ là đơn vị duy nhất phát biểu tham luận. Đại diện đơn vị này nêu khó khăn lớn hiện nay của cơ sở y tế ngoài công lập là việc chưa được phân hạng bệnh viện gây trở ngại trong thu hút bệnh nhân và ảnh hưởng đến tiền thanh toán bảo hiểm y tế của người bệnh. Đây cũng là ý kiến được Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân lưu ý trong kết luận hội nghị. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế chậm nhất đến quý 1-2014 sẽ thực hiện xếp hạng các cơ sở y tế ngoài công lập.
Tiếp thu chỉ đạo này, Bộ trưởng Bộ Y tế hứa sớm hoàn thiện Bộ tiêu chí đánh giá bệnh viện để trên cơ sở đó phân hạng tất cả các bệnh viện công và tư. Theo Bộ trưởng, căn cứ theo Bộ tiêu chí này thì nếu bệnh viện ngoài công lập đáp ứng tốt các điều kiện có thể sẽ được xếp hạng cao hơn bệnh viện công.
Kết luận hội nghị, bên cạnh thống nhất tập trung giải quyết các vấn đề nổi cộm của lĩnh vực y, dược ngoài công lập như đã nêu, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân còn bày tỏ sự đau xót trước những sai phạm trong ngành y tế thời gian vừa qua và đề nghị toàn ngành quyết tâm khắc phục những thiếu sót để tạo dựng niềm tin trong nhân dân.
Thành lập đường dây nóng phản ánh bất cập về y tế Ngày 4-11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, ngành y tế thiết lập đường dây nóng công khai số điện thoại và địa chỉ email để tiếp nhận những phản ánh của người dân về những bất cập còn tồn tại của ngành. Nhân dân và cán bộ trong và ngoài ngành có thể gọi điện, gửi email để phản ánh những bức xúc, những bất cập, những vụ việc tiêu cực trong công tác khám chữa bệnh, dược phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm... những vi phạm về đạo đức ngành y cũng như các sự kiện, thành tựu nổi bật của ngành. Địa chỉ email tiếp nhận các vấn đề của ngành và của xã hội quan tâm phản ánh đến gồm: Duongdaynongyte@gmail.com, thoisuchinhtri@gmail.com, bandocskds@gmail.com, bandientuskds@gmail.com. Số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận những phản ánh của người dân là: 0973.306.306. TTXVN |
Bài và ảnh: THU HOA