.

Khẩn trương phòng chống dịch bệnh sau lũ

.

Ô nhiễm môi trường sau lũ là yếu tố thuận lợi làm một số dịch bệnh dễ bùng phát và lan rộng, nhất là trong thời điểm dịch bệnh sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, tay - chân - miệng đang diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố.
 
Chiều 18-11, Bác sĩ Nguyễn Tam Lãm, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vaccine sinh phẩm thuộc Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) thành phố Đà Nẵng cho hay, qua báo cáo từ các địa phương và Đội YTDP các quận, huyện, trong đợt lũ vừa qua trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Liên Chiểu và huyện Hòa Vang có 20.570 nhà dân, 713 tổ dân phố, 197 trường học và nhà trẻ bị ngập nước. Đáng lưu ý là có hơn 22.500 giếng khơi, giếng khoan và gần 20.000 nhà vệ sinh cũng bị ngập. Đây là những công trình phục vụ sinh hoạt thiết yếu cho người dân và nhạy cảm phát sinh các dịch bệnh sau lũ.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh sau lũ, Trung tâm YTDP Đà Nẵng đã chỉ đạo và phối hợp với các cơ sở y tế tiến hành kiểm tra, giám sát, xử lý hóa chất khử khuẩn sát trùng, tẩy uế môi trường cho tất cả các khu dân cư, trường học, chợ, công sở, giếng nước trên địa bàn thành phố bị ngập và ô nhiễm.

Ngay trong ngày 18-11, Trung tâm cũng đề xuất Sở Y tế khoản kinh phí 292,4 triệu đồng để thực hiện kịp thời việc tiêu độc, khử trùng, phun hóa chất xử lý ô nhiễm môi trường cùng các hoạt động phòng chống dịch bệnh nhằm không để dịch bùng phát trên địa bàn thành phố. Trước mắt, xử lý ô nhiễm 22.500 giếng nước, phun hóa chất 713 tổ dân phố và 225 chợ, cơ quan, trường học, nhà trẻ bị ngập.

Còn theo Th.S Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm YTDP thành phố Đà Nẵng, nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường, nguồn nước tại các điểm bị ngập và không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng, ngay trong ngày 18-11, Trung tâm đã triển khai kế hoạch xử lý môi trường tại các điểm ngập với các hoạt động chính: kiểm tra, giám sát môi trường, thống kê các điểm bị ngập và ô nhiễm cần xử lý; phun hóa chất sát trùng, khử khuẩn tại các trường học, công sở, nơi công cộng; xử lý nguồn nước, bảo đảm có đủ nguồn nước sạch cho nhân dân sử dụng. Thời gian triển khai công tác kiểm tra, giám sát và xử lý cũng bắt đầu từ ngày 18-11 và kéo dài trong 5 ngày.

Trung tâm YTDP thành phố cử cán bộ phối hợp với các địa phương kiểm tra, giám sát và triển khai các hoạt động bảo đảm hoàn thành kế hoạch đề ra. Sử dụng 15 máy phun hóa chất đeo vai của các đội YTDP quận, huyện để xử lý hóa chất tại các điểm tập trung dân tránh lũ lụt. Nguồn hóa chất phục vụ xử lý môi trường, tiêu độc, khử trùng gồm: 50.000 viên Chloramin B và 3 tạ Chloramin B dạng bột (25%), 30.000 viên Aquatab, 50 lít dung dịch Agrodelta và 50 lít dung dịch Permethrin 50EC.

Đáng chú ý là tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, dịch đau mắt đỏ và tay -  chân - miệng đang tiếp tục diễn biến phức tạp, đáng lo ngại nhất là dịch bệnh sốt xuất huyết. Theo thống kê, từ ngày 21-10-2013 đến nay, trên địa bàn thành phố có 294 ca mắc sốt xuất huyết với tần suất từ 68-83 ca/tuần. Số người mắc sốt xuất huyết nhiều nhất ở quận Hải Châu với 69 ca, Liên Chiểu 64 ca, Thanh Khê 44 ca, Cẩm Lệ 40 ca…

Trước đó, ngay sau bão số 11, UBND thành phố đã ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh đau mắt đỏ, sốt xuất huyết, quyết tâm khống chế dịch, không để lây lan trên diện rộng, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong.

HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.