.

Mang "ánh sáng" tới đất nước Triệu Voi

.

(ĐNĐT) - Đoàn tình nguyện gồm các bác sĩ của Bệnh viện Mắt Đà Nẵng cùng những tình nguyện viên thuộc Đoàn khối Các cơ quan thành phố Đà Nẵng đã vượt hàng trăm cây số đến với người dân của tỉnh Attapeu (CHDCND Lào) để khám và phẫu thuật mắt đục thủy tinh thể miễn phí.

Chờ đợi phép màu

Sau gần 1 ngày xuất phát từ Đà Nẵng, đoàn tình nguyện đã đặt chân tới tỉnh Attapeu (CHDCND Lào) với bao niềm háo hức, vui mừng. Niềm háo hức đó càng nhân lên gấp bội khi chúng tôi chứng kiến cảnh hàng trăm người dân khi nghe thông tin đã cố gắng thu xếp công việc, thời gian, có mặt tại Bệnh viện Attapeu thật sớm để được khám bệnh, phẫu thuật.

Bác sĩ bệnh viện Mắt Đà Nẵng khám tiền phẫu thuật cho bệnh nhân của tỉnh Attapeu (Lào.
Bác sĩ Bệnh viện Mắt Đà Nẵng khám tiền phẫu thuật cho bệnh nhân của tỉnh Attapeu (Lào).

Điều ấn tượng đầu tiên là việc mọi người tới khám đều ngồi ghế chờ một cách trật tự. Sau khi tiến hành khám sàng lọc, các bệnh nhân được bác sĩ thăm khám tiền phẫu, đo công suất kính trước khi mổ. Những bệnh nhân bị bệnh nhẹ nhận thuốc và được các bác sĩ tận tình hướng dẫn cách sử dụng. Những bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật sẽ chuyển qua phòng siêu âm toàn thân trước mổ. Trong tất cả những công đoạn này, các tình nguyện viên là y tá, điều dưỡng của Bệnh viện Attapeu phiên dịch và hướng dẫn cặn kẽ cho từng người bệnh.

“Tôi chờ từ sớm nhưng không có mệt đâu. Chờ để được làm cho cái mắt nó sáng ra mới thấy được, mới làm được nhiều thứ”, cụ bà tên Păn (74 tuổi), nhà cách Bệnh viện Attapue khoảng 1km chia sẻ.

Từ ngày 5 đến ngày 9-11, tại tỉnh Attapeu (nước CHDCND Lào), Đoàn khối Các cơ quan thành phố Đà Nẵng đã phối hợp với Bệnh viện Mắt Đà Nẵng tổ chức chương trình khám, cấp thuốc và mổ mắt đục thủy tinh thể miễn phí cho người dân của tỉnh này.

Toàn bộ chi phí của chương trình do tổ chức Medical Aid for Vietnam (Hỗ trợ Y tế cho Việt Nam) đài thọ. Sau 5 ngày làm việc, đoàn đã tiến hành phẫu thuật mắt cho 24 bệnh nhân và khám sàng lọc, phát thuốc miễn phí cho hơn 200 bệnh nhân.

Bà Păn cho biết, vì bố mẹ mất sớm nên giờ bà không nhớ họ gì. Hiện nay, bà ở cùng với người con gái và 3 đứa cháu ngoại. Bà bảo cả hai mắt đều bị mờ từ cách đây 5 năm, nhìn mọi thứ đều không thấy gì. Giờ mắt bên trái bị nặng hơn nên làm mọi việc đều rất khó khăn, nhất là đi lại. Trước kia còn khỏe, bà cũng chỉ làm ruộng, gia đình rất nghèo nên chưa khi nào đến bệnh viện khám mắt. Nghe thông tin có bác sĩ khám mắt miễn phí nên bà dậy từ sớm rồi một mình tự đi bộ đến bệnh viện để chờ được khám và mổ mắt.

Ông Thavon (huyện Xay Xẹt Tha, tỉnh Attapeu), nhà ở cách Bệnh viện Attapeu hơn 30km, cho biết, cách đây 3 năm, ông đã đi khám ở Hà Nội (Việt Nam), được các bác sĩ cho thuốc về uống và tra mắt. Nhưng 2 năm gần đây, mắt bị mờ nên gặp nhiều khó khăn trong đi lại và sinh hoạt cá nhân. “Nhà nghèo, không có tiền làm mắt sáng được. Nay nghe tin có mổ miễn phí nên tôi nói con trai chở lên để các bác sĩ làm cho mắt sáng lại. Tôi vui lắm. Ngồi chờ mấy cũng được”.

Những điều kỳ diệu nhất đã đến, không chỉ riêng bà Păn, ông Thavon mà với hơn hai chục bệnh nhân khác sau khi được thay thủy tinh thể thành công. Khi bác sĩ vừa mở băng cho đôi mắt được mổ của mình, mọi người ôm chầm lấy nhau cùng thốt lên: “Mừng quá, mắt tôi nhìn thấy rõ rồi”; “tôi cũng thấy rồi”… Giọng nói, tiếng cười vang khắp dãy hành lang bệnh viện. Nhìn người thân vui khi được sáng mắt, nhiều người đã không nén xúc động và cho biết, rất biết ơn những người đã cứu chữa đôi mắt cho người thân của họ.

Đong đầy tính nhân văn

Bác sĩ Trần Nghị, Giám đốc Bệnh viện Mắt Đà Nẵng, người trực tiếp phẫu thuật cho hàng chục bệnh nhân này không giấu nổi niềm vui khi chứng kiến giây phút mở băng cho các bệnh nhân sau mổ. Nghe các bệnh nhân thốt lên những câu ngắn gọn: “nhìn thấy rồi!”, không chỉ riêng ông mà các thành viên trong đoàn tình nguyện đều lặng lẽ quay mặt đi và lén lau những giọt nước mắt vui mừng.

“Qua chuyến đi này tôi mới thấy, việc tiếp cận với dịch vụ y tế của người dân ở tỉnh Attapeu còn rất thấp. Riêng về chuyên khoa mắt thì cả tỉnh không có một bác sĩ nào. Đó là sự thiệt thòi rất lớn. Người dân muốn phẫu thuật cũng hết sức khó khăn nên chuyến đi này cho tôi thấy công việc của mình có ý nghĩa biết bao”, bác sĩ Nghị xúc động chia sẻ.

Mo-mat15.jpg
Bác sĩ Trần Nghị, Giám đốc Bệnh viện Mắt Đà Nẵng đang phẫu thuật cho bệnh nhân của Lào.

Một trường hợp đặc biệt sẽ được khám và mổ mắt tại Đà Nẵng

Đó là trường hợp của bé trai 2 tuổi, tên là Kanxay nhaxon (con trai thứ 2 của anh Uđum Sắc - 31 tuổi, ở huyện La Nhao, tỉnh Attapeu, CHDCND Lào). Cậu bé được các bác sĩ Bệnh viện Mắt Đà Nẵng chẩn đoán: nghi ung thư nguyên bào võng mạc mắt phải, cần mổ gấp để tránh di căn, nguy hiểm tính mạng.

Bác sĩ Trần Nghị cho biết, đây mới chỉ là nghi bị ung thư nguyên bào võng mạc thông qua khám sàng lọc, nên cần phải có thêm những bước xét nghiệm, chụp CT cắt lớp… để có kết quả chính xác. Song do ở Bệnh viện Attapeu chưa làm được nên trường hợp này sẽ đưa qua Đà Nẵng chữa trị. Mọi chi phí từ việc làm hộ chiếu, chi phí đi lại, ăn ở, mổ mắt, chi phí hậu phẫu… của bé sẽ được tổ chức Medical Aid For Vietnam hỗ trợ toàn bộ.

Đoàn khối Các cơ quan thành phố sẽ là đơn vị tổ chức và tiếp nhận, giúp đỡ trường hợp này trong suốt quá trình bé và gia đình sang Đà Nẵng phẫu thuật.

Nhờ những phương tiện phẫu thuật mắt hiện đại nhất được đưa từ Đà Nẵng sang, các bác sĩ đã đem lại nhiều niềm vui cho bệnh nhân. Bác sĩ Nguyễn Thị Ái Nghĩa, phụ trách siêu âm nhãn khoa của Bệnh viện Mắt Đà Nẵng giải thích, với máy siêu âm hiện đại, bác sĩ có thể tính được chính xác công suất thủy tinh thể của từng người bệnh. Do đó, khi mổ và đặt thủy tinh thể mới thì bệnh nhân sẽ được khôi phục tối đa thị lực và không phải đeo kính sau mổ. Bên cạnh đó, phẫu thuật với máy phacô hiện đại nên sẽ không gây đau, không cần khâu sau mổ và thời gian phục hồi thị lực sau mổ cũng rất nhanh.

Bác sĩ Boun Thavy, Giám đốc Bệnh viện tỉnh Attapeu không giấu nổi niềm vui và trong suốt cuộc phỏng vấn của chúng tôi (ngay cả khi tiễn đoàn ra về), ông nhắc đi nhắc lại nhiều lần hai từ “hạnh phúc” khi nói về chuyến tình nguyện đầy ý nghĩa của đoàn. “Không chỉ chúng tôi hạnh phúc khi được học hỏi thêm một số kinh nghiệm trong chuyên khoa về mắt, mà người dân của tỉnh chúng tôi, nhất là những người được mổ mắt thành công, là những người hạnh phúc nhất. Chúng tôi biết ơn các bạn nhiều lắm”, vị giám đốc nói rất thành thạo bằng tiếng Việt.

Ông cho biết thêm, hiện nay, toàn tỉnh Attapue chưa có bác sĩ chuyên khoa về mắt nên người dân khi không may mắn mắc các chứng bệnh liên quan đều chỉ có thể dùng thuốc nhỏ mắt và thuốc uống, hoặc cố gắng chấp nhận việc suy giảm thị lực. Còn nếu muốn được chữa trị thì phải tới bệnh viện ở thủ đô Viêng Chăn, cách 1.000km, hoặc gần nhất thì đến bệnh viện tỉnh Champasak - cách hơn 200km. Người dân ở đây, đa số rất nghèo nên họ ít có khả năng đi khám chữa bệnh mà chủ yếu về tự điều trị tại nhà. Hiện Bệnh viện tỉnh Attapeu cũng vừa cử một bác sĩ đi học chuyên khoa mắt tại Viêng Chăn để thời gian tới phát triển được chuyên khoa này.

“Chúng tôi muốn các bạn tới không phải lần đầu tiên mà cũng không phải lần cuối cùng để làm công việc tốt đẹp này. Và rất tuyệt nếu được các bạn hỗ trợ chúng tôi trong việc cử bác sĩ qua Đà Nẵng để học hỏi kinh nghiệm về chuyên khoa mắt”, bác sĩ Boun Thavy bày tỏ.

Trong ngày chia tay, những cái ôm, những cái bắt tay thật chặt cùng những ánh mắt rạng ngời của các bệnh nhân khiến ai nấy đều xúc động, nghẹn ngào; họ bày tỏ sự biết ơn với mọi người trong đoàn tình nguyện của Đà Nẵng như sợi dây thắt chặt tình người, tình hữu nghị keo sơn, thắm thiết giữa nhân dân Việt Nam và nước CHDCND Lào anh em.

Ông PaulDinh, Trưởng đại diện Medical Aid For Vietnam (Hỗ trợ Y tế cho Việt Nam), thuộc tổ chức Medical Aid Project (Hỗ trợ Y tế), cho biết Medical Aid For Vietnam là Chương trình Y tế cho Việt Nam được thành lập năm 1994, khởi đầu cho những chuyến hành trình y tế từ thiện tại Việt Nam với số tiền, dụng cụ y tế và thuốc men quyên góp từ chính bàn tay và tâm huyết của những bác sĩ và thiện nguyện viên tham gia trong chương trình.

Trong những năm đầu, đoàn chỉ tổ chức về Việt Nam mỗi năm một lần, nhưng từ năm 2000, với số thiện nguyện viên ngày càng gia tăng thì cứ mỗi 8 tháng là đoàn lại quy tụ các thiện nguyện viên khắp nơi trên thế giới cùng nhau về Việt Nam để khám chữa bệnh, phát thuốc, phát mắt kính, khám răng và phát quà cho những người dân nghèo tại các vùng sâu, vùng xa.

Ngoài việc khám chữa bệnh, đoàn còn có chương trình mổ tim cho các em từ 16 tuổi trở xuống, mổ mắt cườm cho người già, hỗ trợ cho các phòng phát thuốc từ thiện tại các làng xã nghèo, và trợ giúp việc chữa trị cho những bệnh nhân nghèo.

Để tham gia chương trình, mỗi thiện nguyên viên đều tự mua vé máy bay từ nơi họ ở về Việt Nam và mỗi người cũng đóng góp 1.000-1.200USD để lo phương tiện đi lại và ăn ở trong suốt thời gian làm việc khoảng gần 2 tuần tại Việt Nam. Riêng số tiền Medical Aid For Vietnam quyên góp từ những tấm lòng hảo tâm đều được dành trong công tác y tế và chữa trị cho người nghèo. Đây là lần đầu tiên Medical Aid For Vietnam tổ chức chương trình này tại Lào.

Bài và ảnh: Đắc Mạnh

 

 

;
.
.
.
.
.