.

Tăng giường bệnh để giảm tải

.

Tăng chỉ tiêu giường bệnh để giải quyết quá tải bệnh viện, tìm giải pháp thu hút bác sĩ về Bệnh viện Hòa Vang và trạm y tế xã, phường, rà soát hoạt động của các cơ sở y tế tư nhân là một số nội dung chính được thảo luận tại buổi làm việc của Ban Văn hóa - Xã hội (VHXH), HĐND thành phố với Sở Y tế Đà Nẵng.

Quá tải là vấn đề nóng của ngành y tế Đà Nẵng, diễn ra hầu khắp các bệnh viện tuyến thành phố và trung tâm y tế quận. Một số nơi công suất sử dụng giường trên 200%. Chỉ tính riêng các bệnh viện và trung tâm trực thuộc Sở Y tế Đà Nẵng, năm 2013, quy mô giường bệnh kế hoạch tăng 870 giường so với năm 2010. Tuy nhiên, số thực kê lớn hơn nhiều lần mới bảo đảm bệnh nhân không nằm ghép.

Các ý kiến của Ban VHXH đều thống nhất tăng chỉ tiêu giường bệnh thêm gần 900 giường (phân bổ cho Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Phụ sản - Nhi) theo đề xuất của Sở Y tế. Tuy nhiên, việc tăng giường bệnh sẽ đi kèm với tăng ngân sách, thiết bị, nhân lực nên cần giãn lộ trình và có phương án cụ thể như ngân sách chịu 50% và bệnh viện chịu 50% đầu tư chi phí trên số giường kế hoạch được tăng thêm là một gợi ý.

Bệnh viện Hòa Vang sau 2 tháng đi vào hoạt động đã có 6.418 bệnh nhân đến khám (trong đó 5.608 BHYT), tiếp nhận 708 ca cấp cứu và chuyển viện 23% số đó. Khó khăn hiện nay tại đơn vị này là việc khuyến khích, thu hút bác sĩ về công tác. Theo Ban VHXH, cần có giải pháp cụ thể tạo sức hút như xây dựng nhà ở, tạo điều kiện mua đất, mua nhà giá rẻ tại địa phương nơi bác sĩ công tác hoặc tăng lương phù hợp v.v…

Đối với tình trạng thiếu bác sĩ ở trạm y tế xã, phường như hiện nay chỉ có 21 bác sĩ/56 trạm, nhiều ý kiến đề nghị cần giải quyết dứt điểm hạn chế này thay vì cứ lặp đi lặp lại điệp khúc thiếu nhân lực suốt hàng chục năm qua. Cũng như việc nâng cấp, sửa chữa các trạm y tế, thực trạng được nêu nhiều năm nhưng thực tế chưa cải thiện đáng kể.

Đà Nẵng hiện có 1.654 cơ sở hành nghề y tế ngoài công lập bao gồm y tư nhân, y học cổ truyền, dược, kinh doanh mỹ phẩm, kinh doanh trang thiết bị y tế, vaccine và sinh phẩm y tế. Từ đầu năm đến nay, Sở Y tế đã kiểm tra 165 cơ sở, phát hiện 65 cơ sở vi phạm. Theo Ban VHXH, mới kiểm tra 10% cơ sở hành nghề y tế ngoài công lập đã phát hiện 65 nơi vi phạm. Vậy nếu kiểm tra tất cả các cơ sở thì con số vi phạm có khả năng sẽ rất lớn. Đây là điều Sở Y tế cần lưu ý rà soát, chấn chỉnh.

Tại buổi làm việc, Sở Y tế thành phố còn báo cáo tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Đặc biệt, sốt xuất huyết ghi nhận 1.560 trường hợp, riêng tháng 10 tăng cao với 302 ca. Tay-chân-miệng ghi nhận 2.443 trường hợp, trung bình mỗi tuần có 55-60 người mắc. Bệnh đau mắt đỏ có 7.479 người với trung bình mỗi tuần 250-260 ca. Trong 10 tháng đầu năm, toàn thành phố có 6 vụ ngộ độc thực phẩm nhỏ với 97 người mắc và 1 vụ tại bếp ăn gia đình với 3 người mắc, trong đó 1 người tử vong.

Theo báo cáo của Sở Y tế, tỷ lệ tham gia BHYT toàn dân tại Đà Nẵng đạt tỷ lệ cao 93,3%. Vì đã có tình trạng cấp trùng thẻ BHYT, tập trung ở đối tượng trẻ em và người nghèo, gây ảnh hưởng ngân sách hàng tỷ đồng nên Ban VHXH cũng đề nghị Sở Y tế thẩm định lại chính xác tỷ lệ người dân tham gia BHYT khi đã trừ đi số thẻ cấp trùng.

THU HOA

;
.
.
.
.
.