Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 1995 thế giới có 135 triệu người đái tháo đường (ĐTĐ), chiếm 4% dân số. WHO dự đoán sẽ tăng lên 221 triệu (2010) và 330 triệu (2025); nhưng theo thống kê năm 2011, số người mắc bệnh ĐTĐ đã lên 366 triệu. Do đó, WHO nhận định: “Thế kỷ 21 này là thế kỷ của bệnh nội tiết và chuyển hóa. Những gì đại dịch HIV/AIDS gây ra cuối thế kỷ 20 là những điều bệnh ĐTĐ sẽ gây ra trong thế kỷ 21”.
Tại Việt Nam, năm 2001 mới chỉ 4% dân số nội thành bị ĐTĐ, năm 2008 tăng lên 5,6% và đến nay đã gần 6%. Tuy tỷ lệ ĐTĐ của Việt Nam không thuộc loại cao nhất thế giới, nhưng có ba điểm “xấu” nhất là: tốc độ phát triển ĐTĐ nhanh nhất thế giới, bệnh nhân ĐTĐ đang “trẻ hóa”, nhận thức cộng đồng về căn bệnh thế kỷ này còn khá thấp.
Đáng lưu ý là tiền ĐTĐ, trung gian giữa bình thường và bệnh lý nặng, từ ngữ y học là người “nhiều nguy cơ”, đã tăng từ 7,7% lên đến 12,8%, hạn hữu có địa phương tiền ĐTĐ lên đến 20% dân số.
Tiền ĐTĐ thật sự là “bom nổ chậm”
Ở Việt Nam, theo báo cáo của Viện Nội tiết TW, tỷ lệ bệnh ĐTĐ bị bỏ sót đến 64%, nôm na là trong 10 người bị ĐTĐ thì số người bỏ sót là 7. Và buồn hơn là tỷ lệ do hiểu biết, ý thức về bệnh kém, không tìm hiểu hoặc không biết gì về ĐTĐ chiếm đến 76% người bệnh, nên căn bệnh thường chỉ được phát hiện khi đã nặng hoặc đã có biến chứng phức tạp.
Ai cần và tầm soát ĐTĐ như thế nào?
Giai đoạn tiền ĐTĐ hầu như âm thầm không có triệu chứng. Giai đoạn này chỉ phát hiện được qua các xét nghiệm sàng lọc, kiểm tra sức khỏe định kỳ. Hội ĐTĐ Hoa Kỳ (ADA) và Hội nghiên cứu ĐTĐ châu Âu (EASD) đều đưa ra khuyến cáo những người có nguy cơ cần kiểm tra tầm soát mỗi 6 tháng/lần.
9 lý do cần đi tầm soát ĐTĐ gồm: (1) BMI (chỉ số khối cơ thể) ≥ 23 kg/m2, (2) Ít vận động, già, (3) Gia đình trực hệ (bố, mẹ, anh chị em ruột) bị ĐTĐ, (4) Sinh con nặng ≥ 4kg hay bị ĐTĐ thai kỳ, (5) Tăng huyết áp, (6) Béo phì/ Rối loạn lipid (mỡ) máu, (7) Có vòng eo bụng lớn (nam 90 ≥ cm, nữ 80 ≥ cm), (8) Phụ nữ bị buồng trứng đa nang, (9) Tiền căn có bệnh mạch vành.
Tháo ngòi “bom” tiền ĐTĐ
Giai đoạn tiền ĐTĐ kéo dài âm thầm nhiều năm mới trở thành bệnh ĐTĐ thật sự. Nhiều nghiên cứu cho thấy tiền ĐTĐ nếu được chỉnh lý kịp thời, cơ may trở lại người bình thường rất cao và khả năng kéo dài thời gian trước phát bệnh rất lớn. Một điều khá lý thú là việc tháo ngòi quả “bom” tiền ĐTĐ này lại vô cùng dễ dàng, đơn giản và ai cũng thực hiện được để điều chỉnh lối sống bằng cách theo đúng chế độ ăn và chế độ vận động.
Chế độ ăn gồm 7 quy tắc đơn giản: (1) tỷ lệ 15% chất đạm, 35% chất béo, 50% chất đường bột (tinh bột); (2) ngưng (cấm) thức ăn, nước uống có đường ngọt (sugary carbohydrate); (3) chất bột nên chia nhỏ vào 3 bữa ăn; (4) giảm thức ăn chứa nhiều chất béo động vật; (5) nên ăn cá 2-3 lần trong tuầnl; (6) hạn chế tối đa rượu, bia và (7) ăn thêm các thức ăn có các chất xơ như rau, củ, trái cây “không ngọt”…
Chế độ vận động theo nguyên tắc: (1) luyện tập dần dần và thích hợp, (2) không ráng tập quá sức hoặc tập thể lực khi đang có bệnh cấp tính, (3) chế độ tập luyện khác nhau tùy theo người, (4) cần duy trì nhẹ nhàng, vừa sức nhưng ổn định có thời khóa biểu hợp lý cho công việc và tuổi tác.
Cuối cùng, cũng cần tranh thủ tư vấn thêm bác sĩ chuyên khoa để có được những lời khuyên thích hợp cho từng cá nhân.
(Còn tiếp…)
TS, BS, TRẦN BÁ THOẠI
Khoa Nội tiết - Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng
Ủy viên Ban chấp hành Hội Nội tiết Đái tháo đường Việt Nam