.
TRUNG TÂM HUYẾT HỌC - TRUYỀN MÁU

Bao giờ khởi động?

.

Với 30 bệnh viện đa khoa và chuyên khoa, nhu cầu máu cho cấp cứu, điều trị tại Đà Nẵng hiện rất lớn. Nhu cầu này ngày càng gia tăng cùng sự tăng dân số và lượng bệnh nhân ngoại tỉnh đổ về Đà Nẵng. Tuy nhiên, “nhà máy” thu gom, phân loại, sản xuất chế phẩm, lưu trữ, phân phối máu... trên toàn địa bàn thành phố hiện nay chỉ tập trung trong quy mô một khoa của Bệnh viện Đà Nẵng.

Chiếc máy li tâm lạnh độc nhất này là “con cưng” của khoa Huyết học - Truyền máu Bệnh viện Đà Nẵng.
Chiếc máy li tâm lạnh độc nhất này là “con cưng” của khoa Huyết học - Truyền máu Bệnh viện Đà Nẵng.

Đà Nẵng cần sớm được hình thành trung tâm huyết học truyền máu để việc cung cấp máu cho cấp cứu, điều trị trở nên chuyên nghiệp hơn và phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Đó là mong mỏi của các chuyên gia trong lĩnh vực huyết học truyền máu, nhưng điều này chưa biết khi nào mới thành hình vì đề án thành lập trung tâm sau bao nhiêu năm vẫn chưa thể khởi động.

Một khoa “cõng” 30 bệnh viện

Anh Phạm Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện Đà Nẵng cho biết, dù Trung tâm huyết học truyền máu Huế là nơi phụ trách phục vụ máu cho khu vực Đà Nẵng, cùng với các tỉnh Bình-Trị-Thiên. Tuy nhiên, trên thực tế, có thể nói nhiều năm qua Đà Nẵng đã tự lập hoàn toàn trong việc tự cung - tự cấp máu cho cấp cứu và điều trị. Năm 2012, lượng máu cung cấp cho các bệnh viện trên địa bàn thành phố là 28.000 đơn vị.

Điều đáng nói, toàn bộ khối lượng công việc từ thu gom đến sản xuất và phân phối máu trên địa bàn Đà Nẵng hiện nay chỉ nằm ở khoa Huyết học - truyền máu của Bệnh viện Đà Nẵng.

Theo bác sĩ Trần Thị Thúy Hồng, Phó khoa Huyết học - Truyền máu, Bệnh viện Đà Nẵng, trừ một số ít bệnh viện lớn tự lo được máu nóng cho cấp cứu, ngoài ra tất cả bệnh viện tại thành phố đều dựa vào ngân hàng máu Bệnh viện Đà Nẵng. Dù đảm nhiệm khối lượng công việc như một trung tâm thực thụ, nhưng khoa hiện chỉ có 4 bác sĩ, trong đó 2 người đang được cử đi đào tạo nên có thể nói nhân lực rất mỏng, trong khi một trung tâm trung bình cần từ 15-20 bác sĩ.

Bác sĩ Hồng cho biết thêm: “Được sự quan tâm của thành phố và các tổ chức quốc tế nên khoa được trang bị một số thiết bị hiện đại. Tuy nhiên, máy móc vẫn không đủ so với nhu cầu thực tế nên không chỉ con người mà máy cũng “cày” hết công suất”. Chỉ vào chiếc máy li tâm lạnh được gọi là “con cưng” của khoa, bác sĩ Hồng nói: “Nhu cầu từ thực tế cần khoảng trên 5 cái thế này, hoặc tối thiểu là 2 cái để tách các tế bào máu. Vì mình chỉ có 1 máy nên vừa làm vừa hồi hộp sợ máy hỏng sẽ không thể sản xuất các chế phẩm. Không thể để bệnh nhân quay lại thời dùng máu toàn phần nên phải “cưng” chiếc máy li tâm lạnh này hết sức”.

“Quá tải cũng phải làm việc”, đó là câu cửa miệng của đội ngũ y, bác sĩ tại khoa Huyết học - Truyền máu khi gần như họ không có ngày thứ bảy, chủ nhật. Nhưng vì “lỡ” đóng vai trò “trung tâm” nên cả nhân lực và thiết bị tại khoa này chỉ còn biết sống chung với quá tải.

Chờ đến bao giờ?

Trước nhu cầu về máu tại 30 bệnh viện gồm tuyến Trung ương, bộ, ngành, thành phố…, Sở Y tế Đà Nẵng đã xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Huyết học - Truyền máu Đà Nẵng, đóng tại khuôn viên Bệnh viện Đà Nẵng, với kinh phí trên 36 tỷ đồng và được thực hiện từ năm 2012.

Theo kế hoạch, năm 2012, Khoa Huyết học-Truyền máu Bệnh viện Đà Nẵng được sửa chữa cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị bổ sung và đi vào hoạt động Trung tâm vào năm 2013. Đến 2018, tùy theo tình hình thực tế, Trung tâm có thể tách ra trực thuộc Sở Y tế.

Tuy nhiên, tới thời điểm này, khoa Huyết học - Truyền máu vẫn chỉ là… khoa như lâu nay và chưa biết đến khi nào mới được phát triển thành trung tâm như lộ trình của đề án.

Giải thích về sự “đứng im” của đề án này, bác sĩ Trần Thị Hoa Ban, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố, cho biết do Bộ Y tế chưa phê duyệt mạng lưới trung tâm huyết học truyền máu - lộ trình đến năm 2015- nên việc thành lập trung tâm tại Đà Nẵng cũng bị chững lại.

Dân số không ngừng tăng, bệnh nhân ngoại tỉnh hiện nay lại chiếm 30% tại các bệnh viện lớn trên địa bàn thành phố, công tác an toàn truyền máu gặp nhiều thách thức như tình hình nhiễm HIV gia tăng, tỷ lệ người lành mang virus viêm gan B, C khá cao trong cộng đồng; thêm vào đó, các cơ sở y tế đã triển khai nhiều kỹ thuật cao trong điều trị như lọc máu liên tục, lọc gan, thận nhân tạo, mổ tim hở, ghép thận, ghép tủy xương, điều trị ung thư v.v… là những lý do khiến việc bảo đảm đủ “thuốc” máu an toàn trở nên vô cùng bức thiết.

Với các cán bộ vận động hiến máu tình nguyện, việc ra đời Trung tâm sẽ giúp công tác vận động, tiếp nhận máu được chuyên nghiệp, liên tục hơn. “Như hiện nay, hiến máu tình nguyện là một hoạt động mang tính phong trào. Mình phải đợi chừng 100 người hiến một lúc mới mở một đợt, còn những cơ quan, công ty báo có khoảng 40-50 người muốn hiến cũng hẹn họ đợi cho đủ người”, một cán bộ Hội Chữ thập đỏ thành phố chia sẻ.

Bài và ảnh: THU HOA

;
.
.
.
.
.