Chủng ngừa vắc-xin là biện pháp phòng bệnh khoa học, hiệu quả, không thể thiếu để phòng tránh các bệnh lây nhiễm cho con người, đặc biệt đối với trẻ em. Hiện nay, gần như tất cả các quốc gia trên toàn thế giới đều có chương trình tiêm chủng để phòng bệnh lây nhiễm.
Riêng ở các nước nghèo, đang phát triển như nước ta việc tiêm chủng cho trẻ em là một chương trình phòng bệnh quốc gia rất quan trọng: Chương trình tiêm chủng mở rộng (Expanded Programm of Immunization, EPI).
Vắc-xin hoạt động như thế nào?
Khi một vi sinh vật lạ như vi trùng, ký sinh trùng, siêu vi trùng xâm nhập vào cơ thể, hệ thống miễn dịch sẽ được báo động và lưu giữ lại những thông tin về các vi sinh vật lạ này trong “bộ nhớ” của hệ thống phòng vệ miễn dịch rất tinh vi này. Các thông tin về vi sinh vật lạ sẽ kích hoạt những tế bào bạch cầu lympho B sản sinh ra các kháng thể “đặc hiệu” để chống lại đúng chính xác các vi sinh vật lạ đã xâm nhập trước đó. Lượng kháng thể được sinh tổng hợp càng nhiều khi vật lạ vào cơ thể càng lặp lại nhiều lần.
Tiêm chủng là cách tập cho cơ thể nhận biết mầm bệnh để chống lại thông qua việc sản xuất các kháng thể đặc hiệu tương ứng. Có thể ví chủng ngừa như là một cuộc tập trận để cơ thể trẻ nhận biết kẻ thù. Để lượng kháng thể càng nhiều chúng ta cần tiêm nhắc vắc-xin nhiều lần.
Kháng thể có tính đặc hiệu rất cao, ví như vắc-xin bại liệt không phòng được bệnh dại, vắc-xin viêm gan không phòng được ho gà...
Sau vắc-xin đậu mùa do bác sĩ Edward Jenner phát hiện, nhiều vắc-xin phòng bệnh quan trọng khác lần lượt ra đời như: thuốc chủng ngừa bệnh dại và bệnh than của Louis Pasteur, thuốc chủng ngừa bệnh dịch hạch của Alexandre Yersin, thuốc chủng ngừa lao B.C.G do Calmette và Guerin….
Hiện nay, có rất nhiều vắc-xin phòng bệnh được bào chế theo cùng nguyên lý gây miễn dịch, “tập trận”, cho con người như phát hiện của Jenner cách đây đã 200 năm.
Chủng ngừa vắc-xin: phòng bệnh hiệu quả nhất
Với tính phòng vệ thiết thực và đặc hiệu (chọn lọc) cao, có thể nói chủng ngừa vắc-xin là cách phòng bệnh lây nhiễm cực kỳ hiệu quả. Hiện nay, dù có những tiến bộ vũ bão trong y khoa, nhưng rất nhiều bệnh chưa điều trị dứt điểm được thậm chí còn gây tử vong như bệnh dại, bệnh uốn ván, bệnh viêm gan siêu vi B... Do đó, chủng ngừa mở rộng (expanded program of immunization, EPI) vẫn là một khâu rất quan trọng mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo ngành y tế của tất cả các nước trên toàn cầu phải tiến hành.
Trong chủng ngừa, có ba điều cần lưu ý:
- Chất lượng vắc-xin: Hãng bào chế nào, nước nào sản xuất?
- Kỹ thuật tiêm chủng: Thời điểm nào, đường uống hay tiêm...?
- Bảo quản thuốc chủng, đây là khâu vô cùng quan trọng. Vắc-xin là một sinh chất (biological substance) “đặc biệt”, phải được bảo quản tốt trong một “dây chuyền lạnh” chuẩn mới bảo đảm chất lượng theo yêu cầu. Bảo quản không tốt, vắc-xin bị hỏng không đơn giản chỉ là mất giá trị, hiệu quả mà lúc này vắc-xin có thể bị biến đổi thành “chất độc” cho cơ thể con người.
Thời điểm giao mùa (giữa mùa thu và mùa đông) là thời điểm xuất hiện nhiều mặt bệnh, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp. Đây là một căn bệnh phổ biến và có thể gây thành dịch là bệnh cúm, dễ lây truyền trong cộng đồng (trường học, công sở, chung cư, văn phòng), chúng ta nên chủ động tiêm phòng trong suốt mùa cúm, nhất là đối tượng trẻ em, người già và những người có bệnh mạn tính. Theo WHO, việc tiêm phòng vắc-xin đã được chứng minh làm giảm 60% bệnh tật liên quan đến cúm, giảm tử vong do cúm đến 70 - 80%. Ngay cả người khỏe mạnh, việc tiêm phòng cúm làm giảm 70 - 90% nguy cơ mắc bệnh cúm.
TS, BS TRẦN BÁ THOẠI