.
HƯỞNG ỨNG THÁNG HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA VỀ DÂN SỐ VÀ NGÀY DÂN SỐ VIỆT NAM 26-12-2013

Chăm sóc, phát huy thế mạnh của người cao tuổi

.

Chủ đề chính của Tháng hành động quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam 26-12 năm nay là “Già hóa dân số - những thách thức trong chăm sóc người cao tuổi (NCT)”.

Xe cổ động tuyên truyền về dân số - kế hoạch hóa gia đình.
Xe cổ động tuyên truyền về dân số - kế hoạch hóa gia đình.

Sau tổng điều tra dân số năm 2009, các nhà khoa học dự báo đến năm 2017, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn già hóa dân số. Nhưng năm 2011, với tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên 7%, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn “già hóa dân số” sớm hơn 6 năm so với dự báo và là nước có “dân số già” ngắn nhất so với các nước khác trên thế giới.

Thách thức của “già hóa dân số”

Lúc 2 giờ 45 ngày 1-11-2013, cả nước hân hoan đón mừng công dân thứ 90 triệu chào đời, cũng là thời điểm CLB NCT “kết nạp” thành viên thứ 9 triệu, để Việt Nam trở thành quốc gia thứ hai sau Thái Lan có tốc độ già hóa cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Với tỷ suất tăng dân số khoảng 1%/năm, đến năm 2050, số NCT của Việt Nam (từ 60 trở lên) sẽ tăng gấp đôi, chiếm 22% dân số (khoảng 27 triệu người), tương đương với số dân nước ta vào năm 1957. Điều đó đặt ra nhiều thách thức cho những nhà hoạch định chính sách và vấn đề an sinh xã hội của NCT.

Dân số đang biến đổi theo hướng già hóa nhanh, trong khi các chính sách, chương trình chăm sóc NCT về sức khỏe, kinh tế thay đổi chậm, chưa thực sự thích ứng. Yếu tố “già hóa dân số” chưa được chú ý, lồng ghép trong hoạch định chính sách kinh tế - xã hội. Thực tế, khi NCT tăng lên thì chi phí cho hệ thống an sinh xã hội cũng tăng theo (chi phí cho quỹ lương hưu, chi phí cho bảo hiểm y tế, chi phí  cho xây dựng hệ thống lão khoa...).

Hiện có hơn 70% NCT sống ở nông thôn, làm nông nghiệp với thu nhập thấp và không ổn định. Mới chỉ có khoảng 25% NCT đang hưởng lương hưu và 20% NCT hưởng trợ cấp xã hội, còn phần lớn không hưởng bất kỳ khoản trợ cấp nào.

Nước ta đang ở thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”. Thách thức chủ yếu trong giai đoạn “cơ cấu dân số vàng” hiện nay là việc sử dụng hợp lý lực lượng lao động là NCT. Chúng ta chưa có chiến lược tổng thể trong việc sử dụng lao động và tạo việc làm cho NCT. Do tỷ suất sinh giảm mạnh, tuổi thọ tăng đáng kể và xu hướng di cư của nhóm người tuổi trẻ từ nông thôn ra thành thị diễn ra mạnh mẽ, nên mô hình gia đình Việt Nam đang thay đổi từ gia đình truyền thống nhiều thế hệ sang “gia đình hạt nhân”, con cái ngày càng có xu hướng sống độc lập với cha mẹ, dẫn đến việc số người có thể chăm sóc NCT trong hộ gia đình ngày càng giảm.

Phát huy vai trò người cao tuổi

NCT là kho báu về kinh nghiệm, họ tham gia truyền thụ văn hóa, là tấm gương chăm lo giáo dục cho các thế hệ. Năm 2011, có hơn 4,5 triệu NCT (52%) được chính quyền địa phương tham khảo ý kiến trong quá trình xây dựng chính sách của địa phương; 10% NCT tham gia công tác ở thôn, tổ dân phố, tổ hòa giải; 86% NCT tham gia các tổ chức xã hội.

Với vốn sống, trí tuệ, NCT có vai trò quan trọng trong việc kết nối các giá trị truyền thống về đạo đức, lịch sử và văn hóa với thế giới hiện đại. NCT là một trong những lực lượng nòng cốt ở cơ sở và trong mỗi gia đình, nêu gương, hướng dẫn, động viên con cháu chấp hành nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước, giữ gìn an ninh chính trị,  trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy dân chủ ở cơ sở, bảo vệ môi trường sống, đóng góp để kinh tế ngày càng phát triển, xã hội ngày càng văn minh. Phát huy sự cống hiến của NCT cần dựa trên cơ sở nhận thức, nhu cầu của xã hội với nhu cầu, điều kiện tham gia của NCT.

Tuổi thọ là ước mong lớn của con người. Già hóa dân số là thành quả của sự phát triển kinh tế - xã hội, khẳng định tính ưu việt của chế độ, của sự phát triển kinh tế - xã hội, mà trực tiếp là công tác chăm sóc sức khỏe người dân. Do đó, việc tuyên truyền về già hóa dân số cần mạnh mẽ hơn nữa để nâng cao nhận thức của xã hội, để người dân chủ động hơn trong việc chuẩn bị cho tuổi già và giữ vững, ổn định quy mô dân số.

Bài và ảnh: MINH PHÚC

;
.
.
.
.
.