.

Không chủ quan với sốt xuất huyết

.

So với tháng trước, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) đến thời điểm này đã được kiểm soát nhưng số người mắc vẫn cao so với cùng kỳ năm ngoái. Vì vậy, người dân không nên chủ quan với dịch bệnh.

Cán bộ y tế kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại các địa phương.
Cán bộ y tế kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại các địa phương.

So với các năm trước, dịch SXH chỉ thường diễn ra vào thời điểm giao mùa. Hai năm trở lại đây, các chuyên gia y tế cho biết, dịch xảy ra quanh năm, mùa nào cũng có, đỉnh điểm nhất là từ tháng 9 đến tháng 12.

Trung bình 63 ca/tuần

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng, trung bình hiện có khoảng 63 ca/tuần trên toàn địa bàn thành phố. Cụ thể, từ ngày 25-11 đến 1-12 có 94 ca, từ ngày 2-12 đến 8-12 có 77 ca và gần đây nhất từ ngày 9-12 đến 15-12 có 72 ca. Đa số ca nhiễm rơi vào người lớn. Trong đó, quận Thanh Khê và quận Hải Châu vẫn là hai địa phương có số người nhiễm cao nhất. Tình hình dịch bệnh đang trong tầm kiểm soát nhưng theo khuyến cáo của Trung tâm Y tế dự phòng, người dân không nên chủ quan với dịch bệnh.

Tính đến ngày 15-12, tổng cộng 160 bệnh nhân nhiễm SXH đang được điều trị tại khoa Y học nhiệt đới - Bệnh viện Đà Nẵng, trong đó có 18 ca nhiễm nặng với các biến chứng như bị choáng, xuất huyết nhiều... và đã chuyền 34 bọc máu.

Trường hợp nhiễm SXH nặng nhất là bệnh nhân N.T.N (SN 1983, ở thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Chị N. đang có thai 38 tuần tuổi, bác sĩ chỉ định khoảng 10 ngày nữa sẽ sinh. Chị mắc SXH được 7 ngày (3 ngày nằm tại Bệnh viện Thăng Bình và 4 ngày điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng), lượng hồng cầu liên tục suy giảm và đã trải qua 3 lần truyền tiểu cầu. Do bệnh nhân đang mang thai nên diễn biến bệnh rất phức tạp, nguy hiểm.

Không nên chủ quan

Bác sĩ Phạm Ngọc Hàm - Trưởng khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, so với các năm trước, ngoài việc dịch bệnh xảy ra quanh năm, năm nay tình hình dịch SXH diễn biến phức tạp hơn rất nhiều. Bệnh tiến triển nhanh và nguy hiểm hơn với các triệu chứng như bệnh nhân bị choáng nặng, xuất huyết nặng, tổn thương đa cơ quan và thời gian sốt cũng kéo dài hơn (thường chỉ kéo dài 7 ngày). Từ khi dịch bùng phát đến nay, các ca bệnh nặng luôn chiếm từ 10-15% tổng số bệnh nhân SXH.

Thời gian qua, tại những điểm “nóng” về dịch SXH, Trung tâm Y tế dự phòng đã phun thuốc diệt muỗi và tiến hành các biện pháp dịch tễ nhằm ngăn chặn mầm bệnh phát triển. Một trong những nguyên nhân khiến dịch SXH đến thời điểm này vẫn còn do tình hình thời tiết thất thường. Hiện nay chưa có vaccine phòng ngừa bệnh SXH nhưng virus gây bệnh ngày càng biến thể, khó xác định và độc tính cũng cao hơn. Do đó, theo khuyến cáo của các chuyên gia, cách phòng bệnh tốt nhất vẫn là người dân chủ động diệt lăng quăng, bọ gậy, muỗi vằn. Đây là cách diệt mầm bệnh tận gốc và hữu hiệu nhất.  

Bài và ảnh: BÌNH AN

;
.
.
.
.
.