.

Không để trẻ tử vong vì không có tiền

.

Tham dự và phát biểu chỉ đạo tại buổi tổng kết thực hiện 10 năm Chương trình chữa tim bẩm sinh cho trẻ em, giai đoạn 2003-2013, của Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh thành phố Đà Nẵng sáng 4-12, ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Chủ tịch Hội nhấn mạnh: “Đừng để bỏ sót bất kỳ một trường hợp tim bẩm sinh nào. Nếu xảy ra điều này thì chúng ta thất bại”.

Can thiệp tim bẩm sinh cho trẻ em dưới 5 tuổi.  Ảnh: VIỆT DŨNG
Can thiệp tim bẩm sinh cho trẻ em dưới 5 tuổi. Ảnh: VIỆT DŨNG

Ông Nguyễn Bá Thanh nói: “Chữa bệnh tim cho trẻ em cần có nhiều tiền. Tiền thì khó kiếm thật, nhưng tôi có niềm tin. Với sự cố gắng của Hội và các tổ chức, các nhà hảo tâm, chúng ta chắc chắn đủ sức hỗ trợ, chí ít là lo được cho trẻ em Quảng Nam và Đà Nẵng. Đừng để bất kỳ một đứa trẻ nào phải tử vong vì bị tim bẩm sinh do không có tiền chữa. Đau lắm!”.

“5 năm sau, kết quả phải hơn 10 năm nay”

10 năm thực hiện Chương trình chữa tim bẩm sinh cho 650 trẻ em, Hội Bảo trợ PN&TENBH thành phố Đà Nẵng đã vận động được 27,5 tỷ đồng, trong đó có 62 em đến từ Quảng Nam được giúp đỡ. Mỗi ca phẫu thuật được hỗ trợ trung bình từ 30 - 50 triệu đồng. Tuy nhiên, có nhiều ca chi phí trên 100 triệu đồng cũng được Hội chi trả 100%.

Nhờ sự giúp sức của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực phẫu thuật tim tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Huế và Đà Nẵng, rất nhiều em tưởng không qua khỏi vì bệnh nặng, nhỏ tháng, nhẹ ký (10kg) đã được cứu chữa thành công, trở thành những sinh viên, học sinh giỏi.

Theo quy định của chương trình, con hộ nghèo, thoát nghèo, cháu nội, ngoại liệt sĩ, thương binh, con nhà có công cách mạng, sĩ quan, chiến sĩ được tài trợ 100% kinh phí phẫu thuật. Tuy nhiên, ông Nguyễn Bá Thanh cũng lưu ý, ngoài những đối tượng này, cán bộ Hội cần kỹ lưỡng xem xét, đánh giá các trường hợp không nghèo nhưng thật sự bế tắc trong việc kiếm tiền điều trị cho con. Mục đích cuối cùng của chương trình vẫn là đồng hành với trẻ em trên hành trình cứu những trái tim khuyết tật.

Những người mang lại sự sống

650 trái tim bé nhỏ đáng thương đã được hòa nhịp cuộc đời. Với các em, điều này chẳng khác nào bản thân mình được sinh ra lần nữa. Đại diện những đứa trẻ được hỗ trợ, Võ Thị Thu Thảo (sinh viên năm 3 Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng) bày tỏ: “Em đã được sinh ra lần thứ hai sau ca mổ tim cách đây 8 năm. Ngày ấy, em nghe nói “chữa tim khó lắm”. Vậy mà các bác sĩ, cô chú ở Hội và nhà tài trợ đã làm được cái việc rất khó ấy là giành lại sự sống cho em”.

Đằng sau những ca phẫu thuật tim thành công cho hàng trăm đứa bé như Thảo là sự đóng góp lớn lao của các mạnh thường quân. Ông Paul Hilton, Giám đốc AOG (tổ chức phi chính phủ của Úc, hoạt động trên lĩnh vực phát triển cộng đồng, y tế, phục hồi chức năng, cứu trợ khẩn cấp) nói cụ thể: “Cái chúng ta cần để giúp trẻ em là tiền và rất nhiều tiền”. Bởi theo ông, từ những đồng tiền quý giá đó, sẽ có không chỉ trẻ em mà còn cha mẹ của các em, ông bà chúng thực hiện được giấc mơ của cuộc đời họ là cứu chữa bệnh tật cho con cháu mình.

Từ suy nghĩ này, Paul Hilton cùng rất nhiều tổ chức, cá nhân trở thành “cánh tay đắc lực” của Hội và y bác sĩ cứu giúp trẻ em không may mắc bệnh tim. Họ thầm lặng vận động kinh phí, đóng góp kinh phí và tài trợ. Giúp thêm được một đứa trẻ, các mạnh thường quân lại có thêm một niềm phấn khởi để tiếp tục làm chỗ dựa cho trẻ em không may.

“Trong ngày tổng kết 15 năm, tức 5 năm sau nữa, những việc đã làm được sẽ nhiều hơn những gì báo cáo hôm nay”, đó là mục tiêu của Hội và cũng là điều các nhà tài trợ từng gắn bó với chương trình muốn hướng tới.

Tại lễ tổng kết, 16 tập thể và cá nhân được nhận bằng khen của UBND thành phố; 5 tập thể và cá nhân được nhận bằng khen của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố về thành tích xuất sắc trong công tác hỗ trợ chữa tim bẩm sinh cho trẻ em nghèo bất hạnh.

Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh thành phố trao 12 tấm lòng vàng cho các nhà tài trợ.

THU HOA

;
.
.
.
.
.