.

Người già đi bệnh viện

1. Phòng đo điện tim được ngăn đôi bằng một tấm rèm nhỏ. Phía trong là phần dành cho một bệnh nhân nằm khám, phía ngoài là những người ngồi chờ tới lượt. Phía trong, bác sĩ vừa làm vừa luôn miệng nói vọng ra: “Ngồi ghế xắn ống quần, tay áo lên!”. Câu nói ngắn gọn, nhưng mọi người đều hiểu: “Các bệnh nhân trong lúc ngồi chờ thì xắn ống quần và tay áo lên cao, sẵn sàng tư thế, như vậy lúc vào đo sẽ thực hiện nhanh chóng, tiết kiệm thời gian”.

Một bệnh nhân ước chừng ngoài 80 tuổi lọm khọm bước vào, ngơ ngác cầm mấy tờ giấy trên tay, không biết phải đặt úp hay để ngửa trên bàn. Nghe cái đoạn “y lệnh”, cụ lại càng không hiểu mô tê chi cả, áo quần cứ chỉnh tề như thường. Tới lượt cụ vào khám, cụ ngoan ngoãn nằm xuống mà đâu hề hay biết phải theo dõi bắt chước bệnh nhân trước mình vén áo cao khỏi ngực khi nằm lên giường. “Sao cụ nằm đơ rứa cụ”, bác sĩ “nhắc nhở”. Cụ vẫn nằm ngoan vì chẳng hiểu mô tê chi cả.

2. Bác sĩ rọi trực tiếp đèn pin vào mắt bệnh nhân và hỏi: “Ông có thấy sáng không?”. Câu hỏi lặp lại đến lần thứ 10 mà bệnh nhân cứ ú ớ không trả lời đúng trọng tâm. Mắt mờ lắm rồi nên cụ thấy sáng mà hình như là không sáng, chắc là vậy nên cụ không biết phải trả lời ra sao. Cuối cùng thì cô bác sĩ hết kiên nhẫn và nói như quát: “Ông nói cho con là có hay không thôi”. “Không biết”, cụ nói. Bác sĩ thả đèn pin tỏ vẻ bất lực. Mấy cụ trẻ hơn đang đứng bên ngoài thấy vậy nhủ lòng: “Kiểu ni phải lo mổ mắt sớm cho rồi, khi tai còn nghe rõ, mắt còn thấy đường, chứ để già như rứa, đi khám khổ quá!”.

3. Bệnh viện lão khoa bao giờ mới được hình thành trên địa bàn thành phố Đà Nẵng? Đó không chỉ là câu hỏi của người già mà còn của nhiều người sắp già và chưa già, bởi ai rồi cũng đến tuổi lão. Trong phần trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8, HĐND thành phố khóa VIII của Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng vào sáng 13-12 có nhắc đến việc xây dựng bệnh viện lão khoa. Tình hình là bệnh viện này đã hoàn thiện phần… đề án với dự kiến quy mô 100 giường. Phần tiếp theo là kêu gọi đầu tư, kế hoạch xây dựng thì chưa thấy thành hình, chỉ biết là theo phê duyệt tổng thể cơ sở y tế trên địa bàn thành phố, đến năm 2020, bệnh viện sẽ được thành lập. Nghĩa là người già còn chịu khó đợi ít nhất 7 năm nữa (nếu triển khai đúng kế hoạch) sẽ được khám và điều trị trong môi trường dành cho mình, nơi bác sĩ sẵn sàng tâm thế phục vụ cho đối tượng đặc biệt - người già, chứ không phải trẻ - già như nhau, nhanh - chậm như nhau.

Theo thống kê từ Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình - Bộ Y tế, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam ngày càng tăng nhưng tuổi thọ khỏe mạnh lại chưa cao. 95% người già có bệnh, chủ yếu là bệnh mãn tính. Mỗi cụ mắc trung bình 2,69 bệnh. Như số liệu này thì người già nào mà không có bệnh, người già nào mà không thường xuyên đi “thăm” bác sĩ. Trong khi đó, cả nước mới chỉ có duy nhất một bệnh viện lão khoa tuyến Trung ương. Còn tại Đà Nẵng, bệnh viện lão khoa vẫn đang là điều ở “thì tương lai”.

THU HOA

;
.
.
.
.
.