.

Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP)

ERCP là từ viết tắt của Endoscopic Retrograde. Cholangio Pancreatography, nghĩa là nội soi chụp mật tụy ngược dòng. ERCP là một thủ thuật cho phép bác sĩ kiểm tra các bệnh lý đường  mật, tụy để chẩn đoán và can thiệp.

Chỉ định ERCP

ERCP được thực hiện phổ biến nhất là để khảo sát và điều trị những bệnh lý đường mật, tụy khi có kết quả bất thường từ các xét nghiệm máu hoặc những xét nghiệm hình ảnh như: siêu âm, CT Scanner, MRI.

Các chỉ định  để làm ERCP bao gồm:

- Sỏi trong ống mật chủ

- Viêm chít hẹp oddi

- Giun chui ống mật

- Viêm tụy cấp do sỏi mật

- Ung thư đường mật nguyên phát

- U quanh nhú vater: U đầu tụy, u đoạn cuối ống mật chủ, u nhú vater

- Ngoài ra ERCP còn đặt nòng giải áp đường mật trong các tình huống: rò mật sau mổ, tắc mật do bệnh lý ác tính,...

ERCP được thực hiện như thế nào?

Trang thiết bị gồm hệ thống máy nội soi làm ERCP, máy X-Quang có màn hình tăng sáng (C- Arm).

Thủ thuật được thực hiện tại phòng mổ, bệnh nhân được tiền mê hoặc gây mê. Bác sĩ đưa ống soi nhẹ nhàng qua miệng xuống thực quản, dạ dày và vào tá tràng, D2 tá tràng có nhú vater, đó là nơi ống mật chủ và ống tụy đổ chung vào ruột qua lỗ nhú.

Qua nhú vater thực hiện các kỹ thuật đưa dụng cụ nội soi, bơm thuốc cản quang chiếu tia X-Quang để quan sát ống mật và tụy.

Nếu thấy bất thường, bác sĩ thực hiện sinh thiết, chải tế bào, hút dịch mật để làm xét nghiệm tìm tế bào ác tính, vi trùng…

Thấy sỏi ống mật chủ mật thì bác sĩ sẽ cắt rộng cơ vòng Oddi lấy sỏi, trường hợp sỏi lớn thì dùng dụng cụ tán sỏi, sau đó lấy sỏi khỏi ống mật chủ. Khi ống mật bị hẹp gây tắc mật có thể dùng bóng nong để làm rộng chỗ hẹp, hoặc đặt stent trong ống mật để dẫn lưu đường mật. Thủ thuật có thể kéo dài từ 30 - 60 phút.

Các tai biến và biến chứng ERCP

Nhìn chung, ERCP là một thủ thuật an toàn nếu bác sĩ nội soi được đào tạo tốt và có kinh nghiệm. Biến chứng do ERCP thường gặp:

● Thủng ruột: tỷ lệ thủng ruột chung khoảng 0,1%, nếu do cắt cơ vòng tỷ lệ thủng 1%, thủng ruột sẽ được điều trị kháng sinh và hoặc phẫu thuật.

● Chảy máu: tỷ lệ khoảng 1% thường là nhẹ, nếu chảy máu nặng cần phải truyền máu hoặc phẫu thuật.

● Viêm tụy cấp: tỷ lệ khoảng 7%  thường nhẹ và tự hết sau vài ngày điều trị.

● Nhiễm trùng: nhiễm trùng đường mật, nhiễm trùng máu xảy ra tỷ lệ khoảng 14%  đặc biệt nếu  có sỏi hay nghẽn mật.

● Các biến chứng khác: viêm phổi do hít, xảy ra khi dạ dày còn thức ăn, phản ứng thuốc, gãy răng, trầy niêm mạc miệng,...

Nếu biến chứng nghiêm trọng xảy ra thì điều trị phẫu thuật cấp cứu có thể là cần thiết, nguy cơ tử vong có thể xảy ra ở bệnh nhân có biến chứng nghiêm trọng.

Lợi ích của ERCP

ERCP sẽ cung cấp thông tin chính xác hơn những phương tiện chẩn đoán hình ảnh khác giúp chẩn đoán bệnh lý mật tụy, ERCP cũng là phương tiện điều trị sỏi ống mật chủ ít biến chứng, ít gây tác động mạnh lên cơ thể bệnh nhân so với phẫu thuật.

BS, CKI ĐẶNG PHỤC

Phòng Nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng

;
.
.
.
.
.