.

Sàng lọc sơ sinh, cải thiện chất lượng dân số

.

“Nhìn thấy một đứa trẻ mới lọt lòng, còn đỏ hỏn thế kia mà mình chọc kim vào lấy cái này, cái nọ đi xét nghiệm thì nhiều bà mẹ không đồng tình, bởi xã hội nói chung còn chưa hiểu hết ý nghĩa của sàng lọc sơ sinh”, TS Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số kế hoạch hóa gia đình nói.

Phát hiện và phòng ngừa sớm bệnh ở trẻ sơ sinh góp phần cải thiện chất lượng dân số.
Phát hiện và phòng ngừa sớm bệnh ở trẻ sơ sinh góp phần cải thiện chất lượng dân số.

Suy giáp trạng bị đoán nhầm bệnh “ngu đần”

Sàng lọc sơ sinh (SLSS) là một chương trình được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) triển khai từ thập niên 70. Hiện nay, đã có 40 loại bệnh rối loạn chuyển hóa, di truyền, v.v... được phát hiện và sàng lọc từ chương trình này. Đây được xem là chiến lược sức khỏe cộng đồng của thế kỷ.

Tại Việt Nam, từ năm 2007 đến nay đã có các địa phương như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Huế thành lập trung tâm sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh. Đà Nẵng là thành phố trọng điểm của miền Trung không chỉ trên lĩnh vực kinh tế, xã hội mà cả y tế. Tuy nhiên, công tác SLSS vẫn còn hạn chế.

Việc SLSS có ý nghĩa vô cùng lớn lao. Ông Dương Quốc Trọng dẫn chứng, Việt Nam hiện tập trung sàng lọc hai mặt bệnh là thiếu men G6PD và suy giáp trạng bẩm sinh. Với một đứa trẻ suy giáp trạng bẩm sinh, nếu không được phát hiện đúng bệnh sẽ dễ bị đoán nhầm mắc chứng ngu đần. Thực tế, bệnh này có thể can thiệp được sớm để giúp trẻ phát triển bình thường, trở thành một công dân lành lặn, sức khỏe tốt.

Cũng theo ông Dương Quốc Trọng, để làm tốt việc SLSS, khâu chẩn đoán trước sinh cực kỳ quan trọng. Phát hiện bệnh ngay từ trong bào thai sẽ giúp phòng ngừa nhiều bệnh trẻ có nguy cơ mắc phải. Do đó, chẩn đoán trước sinh và SLSS phải đi song đôi với nhau. Lấy ví dụ bệnh HIV, TS Trọng khẳng định nếu người mẹ mang thai bị HIV thì nguy cơ 30 - 40% trẻ bị truyền bệnh từ mẹ. Tuy nhiên, nếu phòng ngừa sớm ngay trong thai kỳ thì nguy cơ này chỉ còn lại 2 - 3%, và Việt Nam đang tích cực tiến tới mốc 0% trẻ sơ sinh bị lây nhiễm HIV từ mẹ.

Sẽ xây dựng Trung tâm sàng lọc sơ sinh

Dự kiến Trung tâm SLSS tại Đà Nẵng được vận hành vào năm 2015 với kinh phí 35 tỷ đồng. Đây sẽ là nơi phát hiện bệnh lý nội tiết và chuyển hóa sơ sinh để tham vấn, điều trị sớm nhằm giảm số trẻ chậm phát triển thể chất, trí tuệ.

Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ của Đà Nẵng chiếm 25,8% dân số (trên tổng số dân 977.225 người năm 2012), tỷ lệ sinh thô 15,47‰. Trong đó, số trẻ khuyết tật tại Đà Nẵng được đánh giá là cao so với cả nước. Kết quả điều tra năm 2009-2011 cho thấy thành phố có 1.599 trẻ khuyết tật dưới 5 tuổi. Tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi năm 2011, tỷ lệ trẻ sơ sinh khuyết tật là 5,4%. Trong 556 ca sàng lọc có 18 ca thiếu men G6PD và 2 ca thiểu năng giáp bẩm sinh.

Khó khăn hiện nay tại Đà Nẵng là số mẫu được triển khai và thời gian triển khai sàng lọc chưa có tính liên tục, toàn diện vì thiếu cơ sở vật chất tại chỗ thực hiện việc sàng lọc và theo dõi sau SLSS. Nói theo TS Trương Quốc Trọng, sàng lọc xong nhưng không duy trì theo dõi, điều trị thì cũng không hiệu quả.

Có được điều kiện SLSS tại chỗ, Đà Nẵng sẽ nâng việc sàng lọc từ 2 bệnh như đã nêu trên lên 5 bệnh (gồm thêm tăng sản lượng thận, tim bẩm sinh và điếc bẩm sinh), qua đó can thiệp điều trị kịp thời góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Bài và ảnh: TOÀN VÂN

;
.
.
.
.
.