.

10 vấn đề ưu tiên trong phòng chống dịch bệnh

.

* Khó quản thức ăn đường phố

Trong quý 1-2014, hoạt động trọng tâm của ngành Y tế cả nước là ưu tiên phòng chống dịch bệnh. Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác phòng chống dịch bệnh sáng 2-1. Tại điểm cầu Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Xuân Anh chủ trì, cùng sự tham dự của các sở, ban, ngành liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2013, Việt Nam ghi nhận 2 trường hợp mắc cúm A (H5N1) tại Đồng Tháp và Long An, trong đó một ca tại Đồng Tháp tử vong. Cả hai trường hợp này đều có tiền sử tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh. Tích lũy từ đầu năm 2003 đến nay, Việt Nam có 125 người mắc, 62 tử vong. Với bệnh tay chân miệng, năm 2013 ghi nhận 78.141 ca mắc thuộc 63 địa phương, trong đó 21 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2012, số ca mắc cả nước giảm 49,1%, tử vong giảm 53,3%, song bệnh vẫn lưu hành ở mức độ cao và rộng khắp. Với sốt xuất huyết, cả nước ghi nhận 69.869 trường hợp mắc, 40 người tử vong, tỷ lệ mắc 75,03/100.000 dân. So với cùng kỳ 2012, số mắc giảm 23,7%, tử vong giảm 46,7%. Tuy nhiên, năm 2014 nguy cơ ca mắc tăng vì theo chu kỳ dịch bệnh, khối cảm nhiễm gia tăng (những trẻ chưa mắc bệnh)…

Kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan liên quan về các công tác phòng, chống dịch, Bộ Y tế nêu 10 vấn đề chính: Thành lập Ban chỉ đạo liên ngành quốc gia do Phó Thủ tướng làm trưởng ban; có chế độ đãi ngộ cho cán bộ y tế dự phòng; hỗ trợ các địa phương khó khăn về tiêm vaccine phòng bệnh chó dại và miễn phí vaccine tiêm cho người phòng bệnh dại, qua đó giải quyết triệt để sự lưu hành bệnh này; đầu tư cơ sở vật chất cho các trung tâm y tế tuyến huyện và các phòng xét nghiệm đạt chuẩn an toàn sinh học cấp 3; tổ chức tốt theo dõi, giám sát, chủ động giải quyết các vấn đề về dịch bệnh trên động vật, đặc biệt là kiểm dịch động vật qua biên giới; bổ sung kinh phí cho hoạt động phòng chống dịch bệnh; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nhất là lợi ích của công tác tiêm chủng; đào tạo nhân lực có tính đặc thù, phù hợp với nhu cầu phòng chống dịch bệnh; các địa phương phát hiện sớm và kiểm soát tốt ổ dịch; huy động sự tham gia của các cấp chính quyền và ban, ngành, địa phương nhằm đáp ứng phòng chống dịch thường xuyên và khẩn cấp.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì buổi giao ban trực tuyến toàn quốc công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP).

Trong 10 tháng đầu năm 2013, cả nước có 29.964 đoàn thanh tra, kiểm tra 457.556 cơ sở thực phẩm, qua đó phát hiện 95.216 cơ sở vi phạm, với số tiền xử phạt gần 12,7 tỷ đồng. Việc vi phạm về kiến thức ATTP chiếm tỷ lệ cao nhất với 20,8% số cơ sở được kiểm tra.

Đối với công tác kiểm nghiệm, hiện có 24 tỉnh, thành có phòng kiểm nghiệm được công nhận ISO/IEC/17025. Qua lấy 39.475 mẫu thực phẩm để xét nghiệm tại phòng thí nghiệm về các chỉ tiêu lý, hóa, cơ quan chức năng phát hiệu có 4.402 mẫu không đạt yêu cầu, chiếm 11,2%. Ngoài ra, các đoàn kiểm tra còn test nhanh 329.185 mẫu, trong đó 37.197 mẫu không đạt.

Tại Đà Nẵng, công tác quản lý thức ăn đường phố hiện gặp thách thức vì số cơ sở tăng, giảm ngoài sự quản lý của cơ quan chức năng; đồng thời chủ cơ sở kinh doanh có đời sống kinh tế khó khăn nên việc xử phạt hành chính bằng tiền chưa được thực hiện nghiêm túc. Năm 2013, toàn thành phố có 3.196 cơ sở thức ăn đường phố được quản lý. Trong đó, 2.341 cơ sở được kiểm tra, đạt 73,2%. 509 cơ sở được phát hiện vi phạm, chiếm 21,74%.

Đà Nẵng ghi nhận 4/4 tuýp virus gây bệnh sốt xuất huyết

Tại Đà Nẵng, năm 2013 ghi nhận 2.668 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, không có tử vong. So với 2012, số bệnh giảm 16,69%. Bên cạnh đó, toàn thành phố có 2.089 ca sốt xuất huyết (SXH) tại 56 xã, phường, có 264 ổ dịch nhỏ, không có tử vong.

Điều đáng nói, hiện nay, trên địa bàn thành phố đã phát hiện thêm loài muỗi truyền bệnh SXH là Aedes albopictus có đặc điểm sinh thái sống ngoài nhà và có khả năng truyền virus qua trứng (trực hệ). Kết quả xét nghiệm cho thấy có 4/4 virus gây bệnh SXH xuất hiện trên địa bàn.

THU HOA

;
.
.
.
.
.