.

ATVSTP hàng nông sản dịp Tết: Còn nhiều nỗi lo

.

(ĐNĐT) - Tại chợ đầu mối Hòa Cường (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, Đà Nẵng), lượng hàng hóa nông sản (rau, củ, quả…) dịp cận Tết Nguyên đán từ các nơi đổ về chợ tăng gấp đôi so với ngày thường. Mặc dù cơ quan chức năng đã nỗ lực giám sát, kiểm tra về tình trạng an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), song đây vẫn đang là mối bận tâm rất lớn của người tiêu dùng dịp Tết.

Sức tiêu thụ đối với mặt hàng trái cây trong dịp Tết thường tăng cao gấp đôi, gấp ba so với ngày thường.loại được tiêu thụ
Sức tiêu thụ đối với mặt hàng trái cây trong dịp Tết thường tăng cao gấp đôi, gấp ba ngày thường.

Lượng hàng cận Tết tăng mạnh

Từ khoảng 1 đến 2 giờ sáng hằng ngày, khu vực chợ đầu mối Hòa Cường nhộn nhịp, tật bật với từng đoàn xe tải lớn, nhỏ chở đủ các loại hàng nông sản từ khắp nơi đưa về tập kết tại đây. Đặc biệt, trong thời điểm Tết Nguyên đán cận kề, lượng hàng hóa được đưa về tăng mạnh.

Các loại nông sản ở đây được nhập từ khắp các vùng phía Nam như: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Lạt (Lâm Đồng)…, một số tỉnh, thành phía Bắc như Nam Định, Hà Nam… và cả hàng nhập từ nước ngoài (Thái Lan, Trung Quốc…). Sau đó hàng sẽ được phân phối đến các chợ lớn tại Đà Nẵng và mở rộng cả thị trường tiêu thụ ra tới tận tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo Ban Quản lý (BQL) chợ đầu mối Hòa Cường, hiện trong khu nhà lồng của chợ có 264 hộ tiểu thương đang kinh doanh mặt hàng rau-quả (chưa kể còn hơn 300 hộ kinh doanh phía ngoài). Bình quân, ngày thường, lượng hàng rau-quả các loại nhập về đây khoảng 300-400tấn/đêm. Tuy nhiên, khoảng từ ngày 25-12 âm lịch trở đi là đợt cao điểm kinh doanh các loại hàng nông sản phục vụ thị trường tết nên lượng hàng nhập về chợ tăng mạnh.

Những ngày cận Tết, lượng hàng nông sản về chợ là hơn 440 tấn (trong đó, trái cây 221 tấn; rau, hành-laghim 224 tấn). Lúc cao điểm, lượng hàng dịp Tết nhập về chợ có thể đạt 700-900tấn/đêm (tăng gấp đôi ngày thường), trong đó riêng các loại trái cây tươi chiếm khoảng một nửa.

“Hiện tại, các loại rau, hành-laghim đang vào mùa nên lượng hàng về nhiều và giá cả vẫn đang ở mức thấp. Chỉ với mặt hàng trái cây như vú sữa, mãng cầu hiện giá đã tăng lên, còn các loại trái cây khác vẫn cơ bản ổn định. Ngày 27 và 28 tháng Chạp, có thể các mặt hàng trái cây sẽ tăng giá do nhu cầu tiêu thụ tăng cao”, đại diện BQL chợ cho hay.

Lo chất lượng ATVSTP

Theo đánh giá của Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV), Sở NN&PTNN thành phố Đà Nẵng, qua 6 tháng thực hiện thí điểm mô hình “Quản lý, giám sát ATVSTP tại chợ đầu mối Hòa Cường”, cơ bản các hộ kinh doanh tại đây đã thực hiện đầy đủ việc ghi chép hàng hóa hằng ngày để truy xuất nguồn gốc khi có sự cố xảy ra; cơ bản các hộ có ba lết, có kệ kê hàng lên cao; các dụng cụ chứa hàng hóa cơ bản đảm bảo ATVSTP…

Chi Cục cũng đã tiến hành lấy 46 mẫu rau-quả các loại để kiểm tra chất lượng sản phẩm, kiểm tra giám sát ô nhiễm sinh học và dư lượng thuốc BVTV. Đặc biệt, trước thông tin gừng và khoai tây Trung Quốc có nhiễm chất độc hại, Chi Cục cũng đã lấy 8 mẫu gừng và 7 mẫu khoai tây tại chợ này để kiểm tra và kết quả cho thấy, tất cả các mẫu này đều không phát hiện dư lượng của hoạt chất Aldicarb (ở gừng) và chlorpyrifos (ở khoai tây).

Ngoài ra, các mẫu rau ăn lá (cải cay, cải ngọt, rau muống); rau ăn quả (cà tím, dưa leo, dưa hồng); giá đỗ; quả (lê, xoài Trung Quốc, táo nhỏ)… cũng được Chi Cục này tiến hành lấy mẫu và xét nghiệm. Kết quả phân tích cho thấy, hầu hết mẫu rau còn tồn dư hàm lượng nitrat, nhiễm vi khuẩn E.coli. Trong đó, các mẫu rau có dư lượng nitrat khá cao song chưa có quy định giới hạn tối đa cho phép; một mẫu giá đỗ và một mẫu rau mầm nhiễm vi khuẩn E.coli vượt mức tối đa cho phép từ 1,9 đến 2,2 lần; các mẫu rau khác chưa có quy định giới hạn tối đa cho phép…

Theo ông Lê Thanh Hạ, Chánh Thanh tra Chi Cục TT&BVTV, qua mỗi lần lấy mẫu kiểm tra, lực lượng chức năng đều có trao đổi với BQL chợ để nhắc nhở các hộ tiểu thương có hướng khắc phục. Tuy nhiên, ông Hạ thừa nhận, đây cũng chỉ mới là cách làm phần “ngọn” nên vấn đề đảm bảo ATVSTP của mặt hàng nông sản vẫn còn là mối lo.

“Giáp Tết, lượng hàng về chợ nhiều hơn ngày thường. Chúng tôi tiến hành kiểm tra sát sao hơn và kết hợp tuyên truyền nhắc nhở các hộ tiểu thương về vấn đề ATVSTP. Còn việc lấy mẫu để xét nghiệm thì  rất tốt nhưng dịp này sẽ khó có thể tiến hành được vì thiếu kinh phí”, ông Hạ cho biết và nói thêm, về giải pháp lâu dài, cần phải tạo ra một sự liên kết giữa nơi tiêu thụ với nơi sản xuất để kiểm tra, nắm bắt việc sử dụng thuốc BVTV trước khi đưa đi thị trường thì vấn đề ATVSTP sẽ được đảm bảo hơn, tất nhiên nguồn kinh phí cho việc này là không nhỏ.

Việc sử dụng các loại rau-quả trong cuộc sống là nhu cầu thiết yếu hằng ngày, và đặc biệt tăng nhiều vào dịp Tết. Thế nhưng, việc kiểm tra, phát hiện sớm để cảnh báo vấn đề ATVSTP của cơ quan chức năng vẫn còn đang gặp khó khăn, đồng nghĩa với việc người tiêu dùng sẽ vẫn còn không ít những lo lắng.

Theo báo cáo của Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NN&PTNN thành phố Đà Nẵng, tính từ tháng 6-10/2013, tổng lượng hàng nông sản (rau-quả) nhập về chợ đầu mối Hòa Cường hơn 35.800 tấn. Trong đó, hàng trái cây hơn 21.400 tấn (trung bình 140 tấn/ngày) và hàng nhập từ Trung Quốc chiếm 10%. Hàng rau hơn 14.300 tấn, trung bình hơn 93 tấn/ngày; hàng từ Trung Quốc chiếm 7%.

Bên cạnh đó, hàng hóa (rau, củ, quả các loại) của nông dân sản xuất tại vùng ngoại thành Đà Nẵng và các huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên (Quảng Nam) buôn bán ngoài chợ lồng, ước khoảng 25-30 tấn mỗi ngày.

Bài và ảnh: Đắc Mạnh

 

 

;
.
.
.
.
.