Trước thực trạng gần đây xảy ra nhiều vụ bắt cóc trẻ sơ sinh tại một số cơ sở y tế trên cả nước, các bệnh viện tại Đà Nẵng hiện thắt chặt quản lý an ninh để bảo đảm an toàn cho bệnh nhân và y bác sĩ, giảm thiểu sự cố đáng tiếc xảy ra, nhất là khi Tết Nguyên đán đang đến gần.
Các bác sĩ khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đà Nẵng thường đối mặt với khó khăn do phản ứng của một số người nhà bệnh nhân. Ảnh: K.NGÂN |
Đội tự vệ túc trực thường xuyên
Tại Bệnh viện Đà Nẵng luôn có một đội bảo vệ chuyên nghiệp cùng với lực lượng Công an phường, đội tự vệ của bệnh viện túc trực thường xuyên. “Gay cấn” nhất vẫn là khoa Cấp cứu, bởi nơi này thường xuyên phải chịu áp lực của người bệnh, người nhà bệnh nhân.
Bác sĩ Phan Văn Liên (34 tuổi), trực khoa Cấp cứu cho biết, chuyện người nhà nổi nóng vì lo lắng cho người thân, thậm chí dọa đánh bác sĩ là chuyện thường ngày. “Lúc vào đây, hầu hết người nhà bệnh nhân đều lo lắng, thậm chí một số trường hợp hoảng loạn. Dịp Tết, lượng bệnh nhân đông nên chúng tôi đã cố gắng hết sức nhưng ai cũng muốn khám trước. Bởi vậy, không ít người nhà thúc giục, thậm chí đe dọa cả bác sĩ”, bác sĩ Liên cho biết. Tuy nhiên, vì yêu nghề, gắn bó với nghề nên các y, bác sĩ phải nhẫn nhịn chịu đựng, hoàn thành nhiệm vụ, cứu sống người bệnh. Ngoài ra, nếu mâu thuẫn xảy ra thì đội bảo vệ bệnh viện sẽ can thiệp để xoa dịu tình hình, bảo vệ các y, bác sĩ và những người xung quanh.
Lãnh đạo bệnh viện cho biết, ban lãnh đạo thường xuyên nhắc nhở các y, bác sĩ phải đặt vấn đề y đức lên hàng đầu; kiên nhẫn, chịu đựng và luôn có thái độ đúng mực… Ngoài ra, ban lãnh đạo còn thường xuyên kiểm tra đột xuất các phòng, khoa… để giải quyết khó khăn, vướng mắc, qua đó hạn chế những vấn đề không tốt xảy ra để giảm áp lực công việc và phục vụ bệnh nhân tốt hơn. Các bác sĩ ở đây cho biết, có những người thân của bệnh nhân khi đưa người bệnh vào cấp cứu thường xuyên gây áp lực, la lối, chửi bới, đe dọa… các y, bác sĩ khiến tình hình căng thẳng và phức tạp. “Các y, bác sĩ phải giữ một trái tim “nóng” và cái đầu “lạnh” thì mới xử lý được những tình huống gay go nhất”, bác sĩ Liên nói.
Lắp camera theo dõi
Cũng như Bệnh viện Đà Nẵng, việc bảo đảm an ninh, an toàn cho bệnh nhân, người thân và đội ngũ nhân viên y tế ở Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng luôn được giám sát chặt chẽ. Những bất ổn, thiếu sót và cả thành tích trong công tác bảo vệ đều được báo cáo, rút kinh nghiệm hay tuyên dương công khai hằng ngày tại các cuộc họp giao ban.
Theo TS, BS Phạm Nguyễn Cẩm Thạch, Giám đốc điều hành bệnh viện, ngoài đội ngũ bảo vệ an ninh nội bộ, bệnh viện còn thuê một đơn vị bảo vệ để bảo đảm an toàn tối đa cho những cán bộ đang làm việc, hay những ai đang điều trị, chăm nom người nhà tại bệnh viện. Ngoài ra còn có sự hỗ trợ rất lớn của lực lượng Công an, dân phòng phường Thạc Gián (quận Thanh Khê). Nếu có sự cố xảy ra, lực lượng này lập tức có mặt kịp thời để cùng xử lý vụ việc.
Việc trang bị hệ thống camera ngay các cổng ra vào, các điểm thường xuyên tiếp xúc với số đông bệnh nhân, người nhà: sảnh chờ, quầy thu ngân, hành lang, phòng cấp cứu... tại Bệnh viện Hoàn Mỹ cũng góp phần bảo đảm an ninh trật tự. Nhờ có hệ thống camera này, những đối tượng khả nghi, những hành động gây mất trật tự đều được phát hiện ngay lập tức và bị xử lý. Điều này giúp ngăn chặn những sự cố, tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. Ngoài ra, bệnh viện còn trang bị hệ thống chuông báo được kết nối giữa lực lượng bảo vệ và phòng cấp cứu. Mỗi khi có ca cấp cứu, bảo vệ bệnh viện nhấn chuông báo để nhân viên phòng cấp cứu có mặt tại cổng, phối hợp cùng đội ngũ bảo vệ đưa người bệnh vào khu vực cấp cứu. Vì vậy, tại đây ít khi xảy ra sự cố lớn, ngay cả khi vào những thời điểm nhạy cảm như lễ, Tết.
Để giữ gìn an ninh trật tự ở Bệnh viện Hoàn Mỹ nói riêng và các bệnh viện khác nói chung, theo TS, BS Phạm Nguyễn Cẩm Thạch, cần xử lý nghiêm những đối tượng đến các bệnh viện gây rối, chửi bới, đánh đập… các y, bác sĩ và bệnh nhân. Bên cạnh đó, các cơ quan truyền thông cần lên án mạnh mẽ những đối tượng này để cùng ngành y tế ngăn chặn tình trạng quấy phá tại các bệnh viện.
K.NGÂN - N.HÀ