.

Bỏng, hãy cảnh giác!

.

Ghi nhận qua nhiều năm cho thấy, trước Tết là thời điểm số trẻ bị bỏng tăng lên. Bệnh nhi bỏng chủ yếu dưới 3 tuổi và 60% bỏng nước sôi. Lý do trẻ bị tai nạn xuất phát từ sự bất cẩn của người lớn.

Một cháu bé bỏng 60% đang được thay băng tại Khoa Hồi sức nhi, Bệnh viện Phụ sản – Nhi. (Ảnh chụp sáng 26-12)
Một cháu bé bỏng 60% đang được thay băng tại Khoa Hồi sức nhi, Bệnh viện Phụ sản – Nhi. (Ảnh chụp sáng 26-12)

Số lượng ca bỏng ngày càng tăng

Từ cuối năm 2011 đến nay, Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng tiếp nhận 300 ca bỏng trẻ em, trong đó có 45 ca nặng. Theo các bác sĩ điều trị, số ca bệnh ngày càng tăng. Trong năm 2013, mỗi tháng bệnh viện khám và thu dung khoảng 30 trường hợp, và hầu như ngày nào cũng có 3-4 bệnh nhi nặng đang nằm điều trị hồi sức tích cực.

Độ tuổi bị bỏng thường gặp ở trẻ em là từ 8 tháng đến 3 tuổi. Đó là giai đoạn trẻ thích tò mò khám phá các vật dụng xung quanh, trong khi người lớn lại bất cẩn nên để xảy ra hậu quả đau lòng. Trước, trong Tết và mùa hè là hai thời điểm nổi cộm về số lượng trẻ bị bỏng. Lý do là trẻ có thời gian nghỉ học ở nhà và gia đình thường tổ chức nấu nướng nhiều vào thời điểm này.

Đối với trẻ em, diện tích bỏng trên 10% được cho là nặng. Ở mức độ này, trẻ có nguy cơ bị sốc bỏng và gặp các biến chứng như suy thở, choáng. Việc điều trị vì thế cũng gặp khó khăn, nhất là với trẻ nhỏ, cơ thể còn non yếu.

Ghi nhận tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi, nhiều tình huống dẫn đến bỏng như phụ huynh pha sữa lỡ tay làm đổ nước nóng vào người con, hoặc trẻ đụng phải nồi cháo, lẫu, thức ăn trong gia đình. Hiện tại Khoa Hồi sức nhi của bệnh viện này có 4 trẻ bỏng nặng đang điều trị. Tất cả đều ở mức trên 30% đến trên 60%. Nặng nhất là một cháu bé 17 tháng tuổi, dân tộc Mơ Nông, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam bị bỏng xăng 70% đã nằm điều trị hơn 30 ngày.

Hoảng với đắp kem đánh răng, đổ nước mắm lên vết bỏng

Sơ cấp cứu ngay sau bị bỏng là vấn đề cực kỳ quan trọng, tác động nhiều tới hiệu quả điều trị. Tuy nhiên, nhiều người còn sơ cứu theo cách dân gian truyền miệng, đáng tiếc những cách này không giúp cứu bệnh nhân mà khiến người bị bỏng nguy kịch hơn.

Một bác sĩ điều trị bỏng cho biết, có bệnh nhân 2 tuổi tại Đà Nẵng bị bỏng 25%. Sau khi bị bỏng, cháu được người nhà đổ nước mắm lên da rồi mới đưa vào bệnh viện. Ngoài ra, không ít bệnh nhân được bôi kem đánh răng lên vết thương như một cách làm mát da. Thực tế, tất cả các việc bôi, đắp này đều sai nguyên tắc sơ cấp cứu và có thể làm vết bỏng tổn thương, nhiễm trùng nặng hay dẫn đến các biến chứng khác.

Bác sĩ Võ Hữu Hội, Khoa Hồi sức nhi, Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng khuyến cáo một số cách cơ bản sơ cấp cứu. Theo đó, đối với vết bỏng diện tích nhỏ, vị trí bỏng cần được ngâm vào nước mát và sạch. Ngược lại, đối với trẻ bị diện tích bỏng lớn, tuyệt đối không ngâm trẻ vào nước, như vậy có thể gây sốc vì lạnh. Trong trường hợp này, nên đắp trẻ bằng khăn mát, sạch. Điều quan trọng, cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được tiếp tục cấp cứu và điều trị.

Bài và ảnh: THU HOA

;
.
.
.
.
.