.
CÂU CHUYỆN DÂN SỐ

Osin thay mẹ

Những ngày này đến công ty, lướt facebook hay trong những cuộc trò chuyện, tụ tập bạn bè cho đến tất niên, đâu đâu tôi cũng nghe mấy chị em than phiền osin về quê ăn Tết sớm. Chuyện là những bà mẹ trẻ ngày nay cứ giao khoán việc chăm con cho người giúp việc nên khi osin vắng nhà thì bỗng dưng trẻ cũng hụt hẫng như xa mẹ.

Osin về quê ăn Tết, nhiều bà mẹ trẻ phải xin nghỉ sớm để ở nhà chăm con, nhưng rốt cuộc họ cứ lóng ngóng. Từ những việc nhỏ nhặt như thay bỉm, cho con ăn đến vui chơi, ru con ngủ mỗi tối cũng là chuyện của osin nốt. Thế nên, không lấy làm lạ khi osin đi vắng, các bà mẹ trở nên lóng ngóng trong chính ngôi nhà của mình. Với các bé quen hơi người giúp việc, osin nghỉ Tết thì các con cũng nghỉ chơi mà thường khóc thét.

Đối diện nhà tôi có cặp vợ chồng khá trẻ, nghề nghiệp ổn định, có chức vụ tại công ty. Từ khi sinh con tới nay, chị chỉ ngủ với con đúng một tháng đầu rồi sau đó bé ngủ với người giúp việc. Chị giải thích làm như vậy để mẹ đỡ khổ. Đêm hôm khuya khoắt không phải lục đục dậy cho con bú, thay bỉm. Kết quả là đứa con 4 tuổi, cha mẹ đều là người Đà Nẵng nhưng nói giọng Huế đặc sệt vì osin là người Huế. Đã vậy, dù có cha mẹ bên cạnh nhưng đứa bé vẫn bu theo chị giúp việc và liên tục gọi chị ấy là mẹ!

Không nói đâu xa, dì tôi cũng thuê người giúp việc từ khi dì mang thai tháng thứ tư. Đứa trẻ ra đời và đến nay đã là học sinh lớp 11. Khoảng thời gian dài gắn bó, người giúp việc chăm cho em tôi từng li từng tí nên nó gần gũi cô còn hơn mẹ ruột. Dì tôi thấy có người giúp việc nên ỷ lại, đi làm về chỉ chăm chăm xem ti-vi hoặc hẹn bạn bè cà-phê tán gẫu. Đến bây giờ, khi đã có tuổi, dì tôi mới thấy khoảng cách giữa hai mẹ con quá lớn. Nhiều lúc dì muốn tâm sự với con về những chuyện giới tính hay hỏi han chuyện bạn bè trên lớp nhưng không thể nào nói được.

Có người giúp việc để đỡ đần việc nhà, phụ chăm con nhỏ là điều tốt nhưng nhiều bậc cha mẹ hiện nay xem ra quá phụ thuộc vào osin nên dẫn đến những tình huống dở khóc dở cười. Con nói giọng địa phương như osin còn có thể chỉnh sửa được, nhưng khoảng cách vô hình giữa cha mẹ và các bé dễ dẫn đến những hậu quả về lâu dài. Không chơi, không trò chuyện, không chứng kiến những đổi thay của con cái dễ khiến sợi dây tình cảm gia đình trở nên lỏng lẻo. Nhiều bậc cha mẹ vẫn cứ nghĩ con nít thì biết gì, chỉ cần làm thật nhiều tiền để sắm cho con nhiều đồ chơi xịn, quần áo đẹp, sữa loại tốt nhất là được. Điều này vô hình trung đẩy con cái ngày càng xa cách với cha mẹ hơn. Muốn hiểu con cái, không cách nào tốt nhất là hãy thường xuyên bên cạnh con và đối xử với con như người bạn thật sự. Tình mẫu tử thiêng liêng theo đó sẽ bền chặt hơn mà không điều gì có thể thay đổi được.

MỘC MIÊN
 

;
.
.
.
.
.