Hiện nay tỷ lệ trẻ em Việt Nam suy dinh dưỡng thấp còi (còi cọc) vẫn quá cao và chúng ta cần một chính sách kịp thời để chiều cao của người Việt xứng tầm với bè bạn năm châu.
Những số đo biết nói
Theo công bố mới nhất của Viện Dinh dưỡng Việt Nam tháng 6-2013, chiều cao của người Việt Nam hiện nay đang ở mức thấp. Trong khi trung bình của thế giới: nam 18 tuổi là 176,8cm và nữ là 163,7cm, thì chiều cao thanh niên Việt Nam nam chỉ đạt 163,7cm, thấp hơn chuẩn 13,1cm và nữ chỉ đạt 153cm, kém hơn chuẩn là 10,7cm. So với thanh niên các nước châu Á như Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, tầm vóc thân thể của thanh niên nước ta đều thấp hơn từ 6 đến 10cm.
Thông tin tại hội thảo “Dinh dưỡng hợp lý cho sự phát triển của trẻ em” tháng 10-2009 tại Hà Nội cho thấy, trẻ em Việt Nam đang được nuôi dưỡng không hợp lý. Trẻ ở tuổi học đường toàn quốc chỉ được cung cấp 90% năng lượng cần thiết cho cơ thể phát triển, ở các thành phố lớn trẻ lại ăn “thừa năng lượng” đến 125% nhu cầu. Chất can-xi, rất cần để cải tạo chiều cao, bị thiếu hụt trầm trọng chỉ được khoảng 60% nhu cầu.
Ngoài ra do thiếu vận động nên tố chất thể lực, đặc biệt là sức bền và sức mạnh của thanh niên Việt Nam được xếp vào mức kém và rất kém so với chuẩn quốc tế.
Các yếu tố ảnh hưởng chiều cao
Các nghiên cứu Nhật Bản cho thấy các yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao của con người gồm: chế độ dinh dưỡng chiếm đến 32%, vận động thể dục thể thao chiếm 20%, môi trường tâm lý và xã hội chiếm 16% và yếu tố chủng tộc di truyền chiếm 23%. Như vậy, có đến hơn 3/4 (77%) của những yếu tố ảnh hưởng lên chiều cao là các yếu tố “có thể cải tạo được” (modifiable factors).
Vào thập niên 40 của thế kỷ trước, chúng ta thấy người Nhật rất thấp, đến mức được ghép thêm tính từ lóng Nhật “lùn”. Thời điểm đó, người Việt chúng ta đã cao hơn người Nhật 2cm, nhưng đến nay người dân xứ sở mặt trời mọc lại cao hơn ta đến 10cm.
Để cải tạo chiều cao của dân tộc mình, nhiều nước đã đề ra chương trình, kế hoạch cải tạo dinh dưỡng cho thế hệ trẻ, cụ thể là cho học sinh. Người Nhật đã đưa ra một quốc sách là chương trình “Bữa ăn trưa học đường”: món ăn buổi trưa tại trường được người ta chăm chút, chọn lựa cẩn thận, theo những tài liệu, hướng dẫn khoa học chính thống. Nước Anh có chương trình bữa ăn trưa đã được quy định trong Luật Giáo dục: trường tiểu học, trung học và cao đẳng có trách nhiệm cung cấp bữa ăn trưa cho học sinh. Tại Hoa Kỳ, năm 2000 chính phủ tài trợ miễn phí 5,56 tỷ đô-la cho ăn trưa và 1,4 tỷ đô-la cho bữa ăn sáng ở các trường tiểu học và trung học. Tại Indonesia có khoảng 600.000 trẻ em tuổi đi học được nhận sữa bò vô trùng miễn phí và khoảng 400.000 trẻ khác được nhận sữa đậu nành. Thái Lan cũng có chương trình phát sữa miễn phí cho học sinh tương tự.
Theo số liệu năm 2007 của Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho đến hiện nay tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi (còi cọc) vẫn quá cao: 33,9% chung cho toàn quốc và vùng sâu vùng xa cao đến 45%. Các nhà dinh dưỡng cũng ước tính có đến một phần ba trẻ em (2,6 triệu) bị còi cọc (suy dinh dưỡng thiếu chiều cao).
Thay lời kết
Rõ ràng đến hơn ba phần tư yếu tố ảnh hưởng chiều cao là có thể cải tạo, điều chỉnh được. Tại sao không cho con em mình cơ hội để “xứng tầm” với bè bạn năm châu bốn biển, đó chính là câu hỏi của chúng ta.
TS, BS TRẦN BÁ THOẠI
BV Hoàn Mỹ Đà Nẵng