.

Sau 1 năm tăng viện phí: Chất lượng khám chữa bệnh tăng

.

(ĐNĐT) - Sau 1 năm điều chỉnh giá dịch vụ y tế, tại hầu hết các bệnh viện từ tuyến thành phố cho tới các trung tâm y tế tuyến quận, huyện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, chất lượng, hiệu quả khám chữa bệnh đã có những thay đổi thực sự đáng kể và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía người dân.

Cải thiện điều kiện phục vụ bệnh nhân

Cách đây hơn một năm, khi giá dịch vụ y tế mới chưa được áp dụng, nhiều người dân khi đến khám bệnh tại Trung tâm Y tế quận Thanh Khê (Đà Nẵng) đều than phiền về điều kiện khám chữa bệnh (KCB) ở đây, bởi các khu vực KCB khá bí bức, chật chội do cơ sở vật chất xuống cấp. Thái độ đón tiếp, hướng dẫn người bệnh chưa được quan tâm đúng mức; quy trình KCB nhiều rắc rối, tốn kém thời gian chờ đợi… khiến người dân bức xúc mỗi lần tới khám bệnh. Tình trạng trên cũng xảy ra ở một số bệnh viện công khác trên địa bàn thành phố. Nhưng từ khi các dịch vụ KCB được điều chỉnh tăng theo Thông tư số 04/2012/TTLT-BYT-BTC về việc “ban hành mức tối đa khung giá một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước”, những hạn chế nêu trên đã được khắc phục.

Ghi nhận của chúng tôi vào buổi sáng cuối cùng của năm 2013, các phòng khám của Trung tâm Y tế quận Thanh Khê đã được trang bị đầy đủ máy điều hoà nhiệt độ và hoạt động đều đặn để phục vụ bệnh nhân. Cơ sở được sửa chữa, cải tạo khang trang hơn; có thêm hệ thống camera giám sát; số giường bệnh cũng được kê tăng lên; công tác đón tiếp, hướng dẫn, chăm sóc người bệnh cũng thay đổi tích cực theo hướng thân thiện, niềm nở hơn; bảng giá KCB được công khai rõ ràng…

Hệ thống camera tại Trung tâm Y tế quận Thanh Khê.
Hệ thống camera tại Trung tâm Y tế quận Thanh Khê được đầu tư hiện đại. Hệ thống này giúp lãnh đạo trung tâm quản lý nhân viên, nhất là về thái độ phục vụ đối với người bệnh.

Đây cũng là chuyển biến chung của các đơn vị KCB bằng BHYT của thành phố khi được giữ lại 15% từ tổng thu từ tiền khám bệnh và giường bệnh theo giá dịch vụ mới. Phần lớn số tiền này được đầu tư mua thêm giường bệnh, máy vi tính, máy điều hoà nhiệt độ, quạt, sửa chữa phòng khám, bàn khám, buồng bệnh, trang bị bình nước uống nóng lạnh… và nhất là tăng thêm lực lượng của Tổ đón tiếp, thường trực tại sảnh bệnh viện để giải thích, hướng dẫn bệnh nhân đến khám.

Bà Trần Thị Em (75 tuổi, trú phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) cho biết: "Tôi bị bệnh mãn tính lâu năm nên thường xuyên tới khám và lấy thuốc tại Trung tâm Y tế quận Thanh Khê. Cứ 20 ngày tôi lại tới lấy thuốc một lần và đều đặn như vậy cả nhiều năm nay rồi. Trước kia, mỗi lần đến khám rồi chờ nhận thuốc là một lần khổ sở vì phải chen chúc, lại tốn thời gian. Gần đây, tôi thấy họ làm nhanh hơn, mà các cô chú ấy (nhân viên Tổ đón tiếp, hướng dẫn - PV) và các bác sĩ ở đây cũng nhiệt tình. Họ hỏi han căn kẽ, cứ như người nhà vậy".

Ghi nhận tại Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Phụ sản-Nhi, hầu hết các ý kiến được hỏi đều tỏ ra khá hài lòng với cách phục vụ chuyên nghiệp, tận tình và họ đều cho biết, có thể cảm nhận được rất rõ sự thay đổi lớn về cơ sở vật chất bởi hầu hết đã được đầu tư, sửa chữa hiện đại hơn. Anh Trần Vũ Phúc (quê Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) đưa cha ra khám bệnh tại Bệnh viện Đà Nẵng và đang điều trị tại đây hơn 1 tuần. Những ngày chăm sóc cha, anh Phúc tiếp xúc thường xuyên với y tá, bác sĩ. “Tôi thấy từ khi giá viện phí tăng, chất lượng KCB cũng đã tốt hơn nhiều. Theo cảm nhận của cá nhân thì tôi đánh giá cao thái độ niềm nở, chu đáo và sự ân cần của các y tá, bác sĩ ở đây. Điều này không chỉ làm cho người bệnh yên tâm hơn mà những người nhà như chúng tôi cũng cảm thấy thoải mái, gần gũi”, anh Phúc nhận xét.

Đang ngồi chờ khám bệnh tại Bệnh viện Đà Nẵng, bà Trần Thị Lụa (56 tuổi, xã Đại Hồng, Đại Lộc, Quảng Nam), cho biết: “Thà vượt tuyến phải trả thêm tiền mà đổi lại được khám, chữa bệnh vừa nhanh, lại vừa hiệu quả. Đó là điều mà người bệnh cần nhất khi bị đau. Như cách đây 4 tuần, tôi bị đau bụng phải đến bệnh viện huyện nhưng bác sĩ cứ cho uống thuốc và theo dõi nhiều ngày mà chẳng thấy bớt đau gì cả. Sốt ruột và lo lắng, tôi đã bảo con cháu đưa ra Đà Nẵng để khám. Thật mừng vì chỉ sau một tuần điều trị ở Bệnh viện Đà Nẵng, bệnh đau bụng của tôi đã khỏi hẳn”. Cũng theo bà Lụa, Bệnh viện Đà Nẵng giờ khác trước nhiều. Ở đây không chỉ có nhiều bác sĩ giỏi, việc KCB nhanh chóng, bệnh nhân không phải chờ lâu mà còn được các nhân viên của bệnh viện hướng dẫn nhiệt tình, chu đáo. Bên cạnh đó, thái độ của các bác sĩ ở đây cũng rất thân thiện, cởi mở và nhiệt tình giúp đỡ bệnh nhân; kể cả việc hướng dẫn lấy thuốc và ăn uống theo chế độ điều trị bệnh.

Chất và lượng đều được nâng cao

Bác sĩ Phan Thanh Phương, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Thanh Khê vui mừng cho biết, điều mang lại hiệu quả lớn nhất kể từ sau một năm viện phí tăng, đó là sự hài lòng của người dân khi tới KCB. Vấn đề này được biểu hiện rõ nét nhất qua việc họ đã tin tưởng hơn đối với một cơ sở y tế hạng 3 như ở đây.

“Số lượng bệnh nhân khám và điều trị nội trú năm 2013 đạt 86,1% so với 73% năm 2012. Công suất sử dụng giường bệnh đạt 85,3% so với 69% của năm trước. Đặc biệt, khoa sản mới chỉ hoạt động lại được 6 tháng nay nhưng đã có hơn 146 ca sinh thường và mổ đẻ được thực hiện thành công. Những con số có vẻ khô khan ấy đã phần nào nói lên nhiều điều và đó là những tín hiệu hết sức đáng mừng”, bác sĩ Phương chia sẻ. Ông cho biết thêm, cũng nhờ có thêm 15% số tiền trích lại từ giá viện phí mới nên trung tâm đã chủ động và mạnh dạn hơn trong việc đầu tư, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất phòng khám, tăng giường, tăng thêm các trang thiết bị, máy móc kỹ thuật… để phục vụ tốt nhất cho người bệnh.

Bệnh nhân được chăm sóc nhiệt tình, thái độ các bác sĩ cũng thân thiện hơn. Đó là
Bệnh nhân được chăm sóc nhiệt tình, thái độ các bác sĩ cũng thân thiện hơn... là mong muốn của hầu hết bệnh nhân. Còn với các bác sĩ, nhân viên y tế, việc tăng viện phí khiến cho yêu cầu của người bệnh cũng khắt khe hơn nên họ cũng cần nâng cao hơn nữa tinh thần phục vụ người bệnh. 

Còn theo bác sĩ Lê Đức Nhân, Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, sau 1 năm tăng viện phí, đến nay, chất lượng và số lượng KCB tại đây đều được cải thiện một cách rõ rệt. Từ việc mở rộng nhiều khu khám bệnh, điều trị, tăng số bàn khám, bàn làm phiếu, bàn hướng dẫn sử dụng thuốc... cho tới quy trình KCB cũng được rút ngắn; nhân viên, bác sĩ thân thiện hơn… khiến cho tỉ lệ người bệnh hài lòng ngày càng tăng.

Khu khám bệnh được triển khai phát số “tự động” nên không còn diễn ra cảnh lộn xộn, chen chúc mà vẫn đảm bảo được cho đối tượng người già và trẻ em được ưu tiên. Các chuyên khoa đều có người trực 24/24 để sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân. Những bệnh nhân bị bệnh mãn tính thì có hẳn một phác đồ điều trị (đã được duyệt) đặt tại phòng khám nên đã tạo thuận lợi rất lớn cho bệnh nhân. Hay như việc trả kết quả xét nghiệm cũng được rút ngắn, thay vì trước kia chỉ trả kết quả 2 lần/ngày thì nay tăng lên 7 lần/ngày...

“Đặc biệt nhất phải kể đến là việc tăng số giường bệnh từ 1.600 giường lên hơn 1.800 giường cùng các trang thiết bị hiện đại nên cơ bản đã hạn chế được tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép vốn gây bức xúc bấy lâu nay”, bác sĩ Nhân cho hay.

Đây cũng là một điều đáng mừng mà bác sĩ Nguyễn Thanh Vân, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp (Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng) nhắc đến khi nói về hiệu quả của việc tăng viện phí. Tất cả các phòng nhân viên ở bệnh viện này đều được thu hẹp lại để kê chỗ nằm cho bệnh nhân trong khu nội trú. Hiện số lượng giường bệnh thực kê ở bệnh viện này đã là hơn 1.400 giường (quy định ban đầu là 600 giường).

Ngoài ra, bệnh viện cũng đã mở rộng thêm khu khám bệnh; tăng ghế ngồi chờ; tăng thêm 5 phòng khám nhi; 4 phòng khám sản; mở rộng phòng đăng ký cấp phiếu khám bệnh; phòng đăng ký BHYT, phòng thu viện phí… và thực hiện khám bệnh theo đúng quy trình nhằm rút ngắn thời gian cho người bệnh. Do đó, trong năm 2013, số lượng bệnh nhân khám và điều trị nội trú đạt 197% so với kế hoạch; số giường thực hiện là 1.216 giường/ngày và triển khai nhiều kỹ thuật lâm sàng và cận lâm sàng mới như: phẫu thuật nội soi trong sản-phụ khoa và cả ngoại nhi; lọc máu liên tục cứu sống nhiều bệnh nhân mắc bệnh tay-chân-miệng ở độ 3-4; nhiễm trùng huyết…

Theo bác sĩ Trần Thị Hoa Ban, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng, mặc dù tới nay chưa có kết quả đánh giá cụ thể về chất lượng của các bệnh viện theo Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện của Bộ Y tế, song về cơ bản, kể từ khi tăng giá viện phí hồi đầu năm 2013 đến nay, 100% các bệnh viện trên địa bàn thành phố đã có những thay đổi đáng kể và từng bước đáp ứng nhu cầu KCB tốt hơn.

Những ưu điểm nổi bật nhất, theo bác sĩ Hoa Ban, đó là tới nay, tất cả các bệnh viện đều có những giải pháp tối ưu nhằm rút ngắn thời gian chờ khám bệnh; các thủ tục hành chính cũng đỡ rườm rà hơn. Bên cạnh đó, các khu khám cấp cứu, khu khám bệnh… cũng được đầu tư, sửa chữa thoáng mát, rộng rãi hơn. Việc ứng dụng công nghệ thông tin được sử dụng có hiệu quả và đặc biệt là các tai biến trong điều trị, các đơn thư khiếu kiện, các điểm nóng về y tế… đã không còn.

“Viện phí tăng thì cũng kéo theo yêu cầu của người dân về chất lượng phục vụ cũng cao hơn. Vì vậy, với kết quả đánh giá sơ bộ, tỉ lệ hài lòng của người bệnh ở Đà Nẵng đạt trên 90% có thể coi là một điều rất đáng mừng. Năm 2014, giá viện phí tiếp tục sẽ tăng theo lộ trình thì chắc chắn các bệnh viện sẽ phải thay đổi nhiều hơn nữa để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của không chỉ người dân trên địa bàn thành phố mà cả người dân các tỉnh, thành lân cận đến khám, điều trị bệnh”, bác sĩ Ban nhấn mạnh.

Được biết, Sở Y tế thành phố Đà Nẵng hiện đang tiến hành xây dựng kế hoạch kiểm tra các bệnh viện trên địa bàn theo Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện do Bộ Y tế quy định nhằm đánh giá sự hài lòng của người bệnh, người dân và nhân viên y tế. Trong đó, 5 tiêu chí đánh giá gồm: Hướng đến người bệnh; phát triển nhân lực; hoạt động chuyên môn; cải tiến chất lượng và tiêu chí về từng chuyên khoa. Dự kiến, ngày 15-1 sẽ có kết quả đánh giá cụ thể.

Bài và ảnh: Đắc Mạnh - Trọng Hùng

 

 

;
.
.
.
.
.