.

6 thách thức của ngành y

.

Chiều 27-2, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác y tế năm 2014.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Xuân Anh chủ trì cùng sự tham dự của lãnh đạo các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Xuân Anh phát biểu tại điểm cầu Đà Nẵng.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Xuân Anh phát biểu tại điểm cầu Đà Nẵng.

Đề xuất tăng lương cho bác sĩ

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nêu 6 thách thức và 6 kiến nghị của ngành trong năm 2014. Theo đó, thách thức được toàn ngành đặc biệt tập trung giải quyết trong năm nay là chấn chỉnh y đức. Bộ trưởng nhấn mạnh, không vì quá tải hay khó khăn về mức sống mà cán bộ y tế có cách ứng xử thiếu chuẩn mực đối với người bệnh. Bộ sẽ tăng cường giám sát quy tắc ứng xử của người thầy thuốc thông qua đường dây nóng, các đợt thanh kiểm tra và văn bản quy định, kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cá nhân không xứng đáng. Những thách thức khác bao gồm: ngành y tế phải đối mặt với việc khống chế dịch bệnh mới và tỷ lệ sụt giảm tiêm chủng mở rộng; vấn đề tai biến y khoa, tài chính đầu tư cho việc phát triển ngành y và chính sách tiền lương đối với bác sĩ.

Riêng vấn đề tiền lương và trợ cấp, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng điểm thi đầu vào của ngành y cao hơn, thời gian học dài hơn các ngành khác, do đó bác sĩ xứng đáng được hưởng mức lương cao hơn mặt bằng chung xã hội.

Ngành y tế cũng đề nghị với Chính phủ 6 vấn đề: Chính phủ cần quan tâm bổ sung ngân sách cho dự án tiêm chủng mở rộng; đẩy mạnh chính sách pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân; xem xét và cho phép thực hiện thí điểm đề án khám, chữa bệnh theo nhu cầu bằng kỹ thuật tiên tiến và phát triển một số kỹ thuật chuyên sâu; khẩn trương ban hành tiêu chí mức sống trung bình đối với hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp để có cơ sở hỗ trợ các đối tượng này mua thẻ BHYT với mức hỗ trợ tối thiếu 50% mệnh giá thẻ BHYT. Đề nghị Chính phủ đầu tư cho một số trạm vùng khó khăn và các trạm đạt chuẩn quốc gia; tăng cường tuyên truyền giáo dục sức khỏe, phòng chống dịch bệnh.

Nâng chất lượng khám chữa bệnh BHYT

Tại hội nghị, Sở Y tế Đà Nẵng báo cáo về vấn đề thực hiện BHYT toàn dân với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thành phố. Đà Nẵng đã lồng ghép mục tiêu phát triển BHYT vào chương trình xây dựng nông thôn mới, tặng thẻ BHYT cho người cận nghèo, vùng khó khăn; quyết liệt thanh kiểm tra việc chấp hành chính sách pháp luật về BHYT, BHXH trong các doanh nghiệp và các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế; hỗ trợ trực tiếp cho bệnh nhân nghèo chạy thận nhân tạo...

Đến nay, cơ bản Đà Nẵng đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân năm 2013 đạt độ bao phủ 93,90%, tương ứng trên 929 ngàn người có thẻ BHYT. Song, bên cạnh kết quả đạt được, địa phương còn gặp một số khó khăn như vẫn còn tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHYT; hệ thống cung ứng dịch vụ y tế chưa đáp ứng nhu cầu, nhất là tuyến cơ sở, đôi nơi người dân còn phàn nàn về quy trình thủ tục trong khám chữa bệnh, chuyển tuyến, thanh toán…

Để tăng chất lượng khám chữa bệnh BHYT, Đà Nẵng có 4 kiến nghị: cần quy định bắt buộc tham gia BHYT theo hộ gia đình, quy định cụ thể trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương để đẩy nhanh lộ trình thực hiện BHYT toàn dân; thành lập phòng BHYT thuộc Sở Y tế để tăng cường tham mưu, quản lý; có chính sách đầu tư, đào tạo bác sĩ xã, phường, gia đình; điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị: Ngành y tế tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ và ứng dụng các kỹ thuật, thành tựu y học tiên tiến vào việc khám, chữa bệnh và phát hiện, phòng ngừa nguy cơ xảy ra dịch bệnh. Đối với dịch bệnh cúm A/H5N1 và cúm A/H7N9, tuyệt đối không được chủ quan, phải tăng cường giám sát phát hiện sớm và sẵn sàng xử lý các tình huống, cấp độ cụ thể. Tập trung thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến tỉnh, nhất là những bệnh viện chuyên khoa. Tăng cường nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, luân phiên cán bộ. Cải tiến khu vực khám bệnh, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, giảm số lượt khám/bác sĩ/ngày; từng bước giảm tình trạng quá tải, nằm ghép. Xây dựng và phát triển hệ thống cảnh báo sớm, đáp ứng nhanh; chủ động giám sát dịch tễ để phát hiện sớm các nguy cơ ô nhiễm và bệnh dịch. Thực hiện tốt công tác giáo dục nâng cao đạo đức và trách nhiệm của cán bộ y tế để xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân đối với ngành y.

Bài và ảnh: THU HOA

;
.
.
.
.
.