.

Bệnh thủy đậu bùng phát mạnh

.

Bệnh thủy đậu thường xảy ra quanh năm, nhưng thời điểm hiện tại được xem là mùa của dịch bệnh thủy đậu. So với những năm trước, tình hình dịch bệnh thủy đậu năm nay bùng phát nhanh, mạnh với số lượng bệnh nhân tăng cao đột biến.

Bệnh thủy đậu nếu không được điều trị và chăm sóc đúng cách dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
Bệnh thủy đậu nếu không được điều trị và chăm sóc đúng cách dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.

Tăng hơn 4 lần

Theo thống kê của Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng, chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm, số bệnh nhân mắc thủy đậu đến khám tại bệnh viện tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, tính đến ngày 25-2, có 244 bệnh nhân đến khám tại phòng khám (tháng 2 năm ngoái có 56 bệnh nhân), trong đó 69 bệnh nhân điều trị nội trú (tháng 2 năm ngoái có 23 bệnh nhân) và 175 bệnh nhân thủy đậu điều trị ngoại trú (tháng 2 năm ngoái có 33 bệnh nhân). Hiện tại, 80 giường bệnh tại khoa Da liễu đều đông kín với hơn 100 bệnh nhân điều trị nội trú, trong đó bệnh nhân thủy đậu chiếm 30-40%. Các bác sĩ tại khoa cho biết, ngày nào cũng có bệnh nhân nhập viện, 50% là các ca thủy đậu.

Bác sĩ Nguyễn Toại, Trưởng khoa Da liễu cho hay, thủy đậu (trái rạ) là bệnh truyền nhiễm do virus Varicella Zoster gây nên. Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp nên dễ bùng phát thành dịch. Ngoài lây qua hô hấp, thủy đậu còn lây nhiễm qua các tiếp xúc trực tiếp với các nốt phỏng, quần áo của người bệnh.

Bệnh thủy đậu thường xảy ra quanh năm nhưng phát triển mạnh nhất vào thời điểm chuyển mùa đông xuân, tiết trời nóng ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho virus thủy đậu phát triển mạnh. Những biểu hiện đầu tiên của bệnh là sốt, chán ăn, mệt mỏi và 1-2 ngày sau bắt đầu xuất hiện các nốt phát ban dạng phỏng nước. Các nốt phỏng nước ban đầu nhỏ như các loại ban thông thường ở vùng ngực, bụng, lưng, mặt, chân và nhất là ở vùng da đầu. Đặc biệt, các nốt ban gây ngứa, làm bệnh nhân gãi nhiều, làm vỡ các nốt phỏng, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng, khi lành sẽ để lại sẹo lõm, dẫn đến mặt rỗ, ảnh hưởng xấu đến thẩm mỹ. Nặng hơn, các mụn nước của bệnh thủy đậu gây ra còn là nơi mà vi khuẩn dễ xâm nhập, gây nhiễm trùng máu rất nguy hiểm.

Chủ động phòng bệnh

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, cách phòng bệnh thủy đậu hữu hiệu nhất là tiêm vaccine phòng bệnh ngay từ khi trẻ mới 12 tháng tuổi và tiêm mũi nhắc lại khi 4-6 tuổi. “90% người đã được tiêm vaccine sẽ miễn dịch suốt đời với thủy đậu. 10% còn lại rơi vào những người có thể trạng yếu. Nếu có mắc thì bệnh cũng nhẹ, không xảy ra biến chứng nặng”, bác sĩ Toại khẳng định.

Cũng theo bác sĩ Toại, tuổi càng lớn nguy cơ mắc thủy đậu càng cao và bệnh càng nặng hơn. Thủy đậu tuy lành tính nhưng với những bệnh nhân thể trạng yếu, có thể xảy ra những biến chứng nặng như suy hô hấp, viêm phổi, viêm não, nhiễm trùng huyết… Vì vậy, khi mắc thủy đậu cần đến các cơ sở y tế để được bác sĩ tư vấn cách chăm sóc và kịp thời phát hiện nếu bệnh diễn biến xấu.

“Nhiều người sai lầm khi kiêng nước, gió khi mắc thủy đậu. Một trong các nguyên tắc điều trị thủy đậu là tránh nhiễm trùng, phải ở trong môi trường thoáng mát, sạch sẽ. Vì thế, kiêng tắm rửa, cơ thể bị bẩn dẫn đến ngứa khiến người bệnh gãi nhiều, càng dễ nhiễm trùng. Khi tắm rửa tránh chà xát mạnh vì sẽ làm vỡ các phỏng nước và tuyệt đối không được tắm nước lá, bôi thuốc không rõ nguồn gốc lên vết phỏng. Tốt nhất người bệnh cần được cách ly để tránh lây lan cho cộng đồng”, bác sĩ Toại cho biết.

Thai phụ mắc bệnh có nguy cơ truyền cho con

Chị N.T.Y.P (23 tuổi, trú phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) vô cùng lo lắng khi đang mang thai tháng thứ 3 thì mắc thủy đậu. Chị đang được điều trị tại khoa Da liễu - Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng. Chị P. nhập viện trong tình trạng sốt cao 39 độ, người mệt mỏi, chán ăn. Hiện tại, khắp mặt và người chị nổi chi chít các nốt đậu và đã trải qua 7 ngày điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Toại cho biết, người mẹ mắc bệnh thủy đậu khi mang thai trong 3 tháng đầu, sinh con ra sẽ có một tỷ lệ nhỏ bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh. Các biểu hiện của hội chứng này có thể là: sẹo da, nhẹ cân, các bệnh về mắt (đục thủy tinh thể, tổn thương võng mạc...), tay chân ngắn, đầu bé, chậm phát triển tâm thần...

Với những người mẹ bị thủy đậu trong khoảng thời gian trước sinh 5 ngày đến sau sinh 2 ngày, trẻ sinh ra dễ mắc bệnh thủy đậu chu sinh và có tỷ lệ tử vong cao (khoảng 30%).

Bài và ảnh: BÌNH AN

;
.
.
.
.
.