Ngày 7-2, Bộ Y tế đã có công điện số 449/CĐ-BYT về việc chủ động triển khai công tác an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm sau Tết Giáp Ngọ năm 2014 gửi Ban chỉ đạo liên ngành về Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh, thành phố; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị trực thuộc Bộ.
Ảnh minh họa |
Bộ Y tế cho biết sau Tết Nguyên đán là mùa lễ hội. Đây là thời điểm hoạt động chế biến, kinh doanh thực phẩm gia tăng đột biến, đặc biệt đối với các dịch vụ ăn uống phục vụ nhu cầu của thực khách tại các khu lễ hội; đồng thời kinh doanh thức ăn đường phố thường phát triển tự phát và tăng cao. Chính vì vậy, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp lễ hội cần được đặc biệt chú trọng.
Trước thực trạng đó, Bộ Y tế đề nghị Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm túc kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong mùa lễ hội; tập trung vào một số trọng tâm như: kinh doanh thức ăn đường phố, kinh doanh thực phẩm tại các khu vực lễ hội. Đồng thời tập trung thanh tra, kiểm tra phát hiện sớm ca ngộ độc; điều tra, xử lý và khắc phục khi có vụ ngộ độc xảy ra.
Ban chỉ đạo liên ngành về Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai thanh kiểm tra liên ngành việc chấp hành các qui định về an toàn thực phẩm của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ lễ hội; phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Các cơ quan chức năng, Ban quản lý khu lễ hội tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm cho người kinh doanh và người tiêu dùng; tổ chức các đơn vị chuẩn bị các phương tiện, trang thiết bị dụng cụ, nhân lực khi có yêu cầu; trực tiếp đi kiểm tra tại một số điểm nhằm nâng cao tính sẵn sàng của các đơn vị.
Các Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Vệ sinh Y tế Công cộng Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp và hỗ trợ các Sở Y tế thuộc khu vực phụ trách trong việc triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm phòng chống ngộ độc thực phẩm trong mùa lễ hội, kinh doanh thức ăn đường phố.
Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng trang thiết bị dụng cụ, cán bộ chuyên môn lấy mẫu và phối hợp với các Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm địa phương trong việc xét nghiệm mẫu thực phẩm khi có sự cố an toàn thực phẩm và ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn.
Sở Y tế các tỉnh, thành phố làm đầu mối tổng hợp tình hình, kết quả triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm và đề xuất, kiến nghị trên địa bàn quản lý gửi về Bộ Y tế trước 15 giờ thứ sáu hàng tuần. Khi có sự cố về an toàn thực phẩm và ngộ độc thực phẩm xảy ra phải báo cáo ngay về Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế).
TTXVN