.

Người đồng hành cùng những trái tim

.

ĐNĐT - Không chỉ cùng đồng nghiệp liên tục triển khai thành công các kỹ thuật điều trị tiên tiến trong can thiệp bệnh tim bẩm sinh, với đam mê cùng nỗ lực, anh đã cải tiến, làm chủ các kỹ thuật mới và sử dụng sáng tạo các dụng cụ can thiệp để đưa vào điều trị. Nhờ đó, hàng ngàn bệnh nhi không may mắc phải bệnh tim đã được cứu sống kịp thời.

Bác sĩ Nguyễn Bá Triệu khám sức khỏe cho bệnh nhi bị tim đang điều trị tại bệnh viện Đà Nẵng.
Bác sĩ Nguyễn Bá Triệu khám cho bệnh nhi bị tim đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Anh chính là Thạc sĩ - bác sĩ (Th.s-Bs) Nguyễn Bá Triệu, Phó trưởng khoa Phẫu thuật và can thiệp tim mạch (Chuyên ngành can thiệp tim mạch), Bệnh viện Đà Nẵng.

Nỗ lực vì những trái tim hồng

Sinh năm 1973 tại Phú Yên trong gia đình có truyền thống ngành y (ba và 8 anh chị em đều theo nghề y), nên từ nhỏ, Bs Triệu đã yêu thích và xác định sẽ tiếp bước ngành này. Sau khi tốt nghiệp với tấm bằng thạc sỹ Y khoa loại ưu năm 2004, anh về công tác tại khoa Nhi, Bệnh viện Đà Nẵng theo chương trình thu hút nhân tài của UBND thành phố. Khoảng cuối năm 2006, sau một thời gian dài chuẩn bị cả về nhân lực và trang thiết bị, đơn vị tim mạch thuộc Bệnh viện Đà Nẵng đã chính thức được thành lập và đi vào hoạt động (hiện nay đổi tên thành khoa Can thiệp và phẫu thuật tim mạch) và anh chính là một trong những người đầu tiên góp phần xây dựng nền tảng của khoa.

Những năm qua, Bs Triệu luôn tận dụng những cơ hội trong quá trình công tác để học hỏi kinh nghiệm quý báu từ đồng nghiệp ở các trung tâm tim mạch trong nước và các giáo sư, Bs đồng nghiệp đến từ các quốc gia khác trên thế giới. Để từ đó, một mặt nâng cao tay nghề, mặt khác là tiếp thu những kỹ thuật mới nhất nhằm ứng dụng vào việc chữa trị bệnh nhân tại đơn vị.

Bên cạnh những kỹ thuật chuyên môn vẫn được tiến hành hằng ngày đối với các bệnh về tim mạch, anh đã cùng đồng nghiệp triển khai thành công các kỹ thuật điều trị tiên tiến trong can thiệp bệnh tim bẩm sinh như: Phá vách liên nhĩ ở trẻ sơ sinh, nong hẹp các van tim, bít các lỗ thông bất thường trong tim bằng dụng cụ…, góp phần cứu sống các bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhi mới sinh, chưa có đủ điều kiện để phẫu thuật ngay.

Không dừng lại ở đó, nhận thấy những thiếu thốn về trang thiết bị và đặc thù của bệnh nhân mắc bệnh tim ở khu vực miền Trung, nhất là các bệnh nhân lớn tuổi, suy tim nặng, Bs Triệu lại tiếp tục nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật, sử dụng sáng tạo các dụng cụ can thiệp như: dùng dụng cụ chuyên dụng bít các lỗ thông trong tim để bít mạch máu lớn bất thường gây suy tim mà các dụng cụ bít mạch máu thông thường khác không thể làm được… Từ năm 2010, với sự chuyển giao kỹ thuật bít lỗ thông liên thất bằng dụng cụ của các chuyên gia, Bs Triệu cùng đồng nghiệp đã nỗ lực học hỏi và hoàn toàn làm chủ được kỹ thuật mới này.

Đặc biệt, năm 2013, anh đã hoàn thiện kỹ thuật mới trong can thiệp về tim mạch như: bít lỗ thông liên thất bằng dụng cụ qua đường ống thông; bít vỡ phình xoang Valsalva bằng dụng cụ; can thiệp cho trẻ nhỏ bị mắc tim bẩm sinh…

Bs Triệu cho biết, trước kia, các bệnh nhi mắc bệnh tim này muốn được chữa bệnh phải thực hiện phẫu thuật tim mở, mỗi ngày chỉ tiến hành 1-2 ca. Bệnh nhân khi mổ cũng phải chịu nhiều đau đớn và nằm hậu phẫu nhiều thời gian, chưa kể là vết sẹo mổ sẽ theo bệnh nhân suốt đời, ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ em trong đời sống sau này. Từ khi có phương pháp can thiệp mới, các bệnh nhi không phải chịu đựng một cuộc phẫu thuật phức tạp mà chỉ cần đưa dụng cụ theo đường máu, sau đó đi vào tim và thực hiện can thiệp. Do đó, sau khi được can thiệp, bệnh nhân sẽ hồi phục sức khỏe nhanh, không để lại sẹo lớn và nhất là tạo được tâm lý thoải mái cho cả bệnh nhân và người nhà.

“Áp dụng kỹ thuật can thiệp này, ê kíp can thiệp tim mạch một ngày có thể can thiệp cả chục ca. Hơn nữa, thực hiện mổ như thông thường, bệnh nhân mất 7-10 ngày sau mới có thể xuất viện, còn can thiệp thì chỉ mất 3-5 ngày được xuất viện và sau khi can thiệp 24 giờ, bệnh nhân có thể tự đi lại được”, Bs Triệu nói.

Bác sĩ của bệnh nhân nghèo

Không chỉ giỏi chuyên môn, Bs Triệu còn là người hết lòng với công tác tình nguyện. Anh chia sẻ, từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, anh luôn quan niệm trách nhiệm của một người thầy thuốc là san sẻ nỗi khó khăn với cộng đồng. Vì vậy, dù thường xuyên phải xoay như chong chóng với công tác chuyên môn, nghiên cứu khoa học, đào tạo các Bs trẻ... nhưng Bs Triệu vẫn luôn cố gắng sắp xếp thời gian để tham gia các hoạt động tình nguyện.

Trải qua hàng trăm chuyến đi tới các vùng núi, vùng sâu, vùng xa… ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, anh càng thấu hiểu cuộc sống khốn khó của người dân nghèo khi nhiều bệnh nhân trong tình trạng mắc bệnh nhưng không hay biết hoặc biết bị bệnh tim bẩm sinh nhưng không có điều kiện chữa trị do thiếu thông tin, kinh phí.

“Khi tầm soát mà phát hiện là chúng tôi sẽ tư vấn ngay để bệnh nhân được hỗ trợ và can thiệp sớm. Nếu hoàn cảnh thực sự khó khăn, chúng tôi sẽ liên hệ ngay với những tổ chức từ thiện để hỗ trợ toàn bộ chi phí cho họ", Bs Triệu tâm sự.

Với trăn trở làm thế nào có thể triển khai các kỹ thuật về chẩn đoán cũng như điều trị cho các bệnh viện bạn nhằm góp phần giúp bệnh nhân (đặc biệt là bệnh nhân nghèo) có cơ hội được chẩn đoán và điều trị bệnh tim kịp thời, anh còn tích cực tham gia đào tạo siêu âm tim tại Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện đa khoa Bắc Quảng Nam; triển khai và chuyển giao kỹ thuật cho các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa, Bệnh viện nhi tỉnh Thanh Hóa trong công tác chẩn đoán và can thiệp bệnh tim bẩm sinh...

Từ năm 2006 đến nay, anh cùng đồng nghiệp trong khoa đã tham gia phẫu thuật cho hơn 2.500 ca và can thiệp hơn 1.300 ca. Ngoài ra, bản thân anh cũng tiến hành tầm soát cho hàng chục ngàn trẻ em ở các xã vùng sâu, vùng xa, nghèo khó của các tỉnh: Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai…

Nói về Bs Triệu, Bs Trần Ngọc Thạnh, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng tự hào cho biết, không chỉ lãnh đạo mà hầu hết cán bộ, nhân viên của bệnh viện đều đánh giá cao vị Bs này cả về chuyên môn lẫn y đức.

“Không chỉ là người đầu tiên góp công xây dựng nền tảng của khoa, tâm huyết với công việc chuyên môn, Bs Triệu còn là người khiêm tốn, ham học hỏi. Chúng tôi tự hào khi có một Bs giỏi như thế. Điều đáng nói nhất ở anh ấy chính là sự xuất sắc trong chuyên môn. Có rất nhiều trường hợp trẻ sơ sinh mắc bệnh về tim tưởng chừng khó qua khỏi, song khi được Bs Triệu xử lý thì hầu hết đều thành công. Điều đó không chỉ đem lại hạnh phúc cho người bệnh, cho người nhà bệnh nhân, mà còn góp phần khẳng định uy tín của cá nhân anh ấy và cũng nâng cao uy tín cho bệnh viện. Vì thế, tôi tin Bs Triệu sẽ còn có những bước tiến dài trong sự nghiệp của mình”, Bs Thạnh khẳng định.

Bài và ảnh: Đắc Mạnh

;
.
.
.
.
.