.

Nhọc nhằn ở khoa Khám - cấp cứu

.

Trải qua một ngày ở khoa Khám - cấp cứu - Bệnh viện Đà Nẵng mới cảm nhận rõ sự nhọc nhằn của các y, bác sĩ nơi đây. Vất vả là thế, nhưng nếu được chọn lựa lại thì họ vẫn chọn nghề y.

Bác sĩ Phan Văn Liên khám bệnh tại khoa Khám - cấp cứu - Bệnh viện Đà Nẵng.
Bác sĩ Phan Văn Liên khám bệnh tại khoa Khám - cấp cứu - Bệnh viện Đà Nẵng.

Có mặt tại khoa Khám-cấp cứu - Bệnh viện Đà Nẵng ngày 20-2, chúng tôi thấy người ra vào tấp nập, chốc chốc lại có xe cấp cứu và taxi đỗ ngay bên ngoài cửa, kíp trực nhanh chóng đưa bệnh nhân vào. Bác sĩ Phan Văn Liên, đã làm việc 7 năm ở đây cho biết, khác với những khoa điều trị thông thường, khoa Cấp cứu làm việc liên tục, vì bệnh nhân được đưa đến không kể giờ giấc. Một ca trực chỉ có 3 bác sĩ và 8 điều dưỡng nhưng trung bình một ngày khoa tiếp nhận 200 bệnh nhân, có những hôm lên đến 300 lượt cấp cứu. Trong những ngày lễ, Tết, cường độ công việc ở khoa tăng gấp đôi so với ngày thường.

Tâm lý căng thẳng

Bệnh nhân đến khoa Khám - cấp cứu thuộc nhiều thành phần trong xã hội, đủ độ tuổi, từ thanh niên đến người già, trẻ em, phụ nữ với nhiều loại bệnh khác nhau. “Những khoa, phòng khác nhận bệnh nhân khi đã phân loại bệnh nên công tác điều trị, chẩn đoán và quản lý sẽ dễ dàng hơn. Trong khi đó, khoa Khám - cấp cứu tiếp nhận bệnh nhân lúc đầu, phải tiến hành thăm khám, chẩn đoán và xử trí cấp cứu”, bác sĩ Liên cho biết.

Bên cạnh đó, các y, bác sĩ khoa Khám - cấp cứu phải chịu áp lực cả về chuyên môn lẫn từ người nhà bệnh nhân. Với áp lực chuyên môn, họ không hề e ngại, nhưng vấn đề chính là áp lực từ người bệnh.

Chia sẻ về điều này, bác sĩ Nguyễn Tiến Hưng cho rằng tất cả đều do tâm lý căng thẳng. “Khoa Khám - cấp cứu rất đông bệnh nhân, cường độ làm việc nhiều nên dễ có tâm lý cáu gắt. Còn về phía người nhà, thấy người thân mình đau thì xót, yêu cầu khám nhanh. Nhưng bác sĩ biết phải ưu tiên cấp cứu bệnh nhân nào nặng hơn. Trong khi đó, người nhà không hiểu, cho rằng sao khám người này trước, người này sau, dẫn đến mâu thuẫn… Trước những tình huống này, chúng tôi phải thật sự bình tĩnh, làm công tác tư tưởng với người nhà bệnh nhân, đôi khi chịu nghe họ chửi bới. Việc làm công tác tư tưởng với người nhà bệnh nhân được chúng tôi đề cao không khác gì công tác chuyên môn”, bác sĩ Nguyễn Tiến Hưng nói.

Chỉ mong cứu được bệnh nhân

Công tác tại khoa Khám - cấp cứu 7 năm nay, bác sĩ Liên được biết đến là người tận tụy với công việc, dù đã hết giờ khám bệnh nhưng thường xuyên ở lại để giải quyết cho hết bệnh nhân với thái độ niềm nở, tận tình. Bác sĩ Liên chia sẻ: “Mình cố gắng giúp được bệnh nhân chừng nào thì giúp thôi. Do nhiều lúc tình hình khá căng, lượng bệnh nhân nặng đông nên mình tranh thủ giải quyết để ca trực sau bớt khó khăn. Hơn nữa, mình theo dõi bệnh nhân từ khi tiếp nhận nên nắm rõ bệnh tình, xử trí dễ hơn. Có nhiều trường hợp bệnh nhân ở xa như Quảng Ngãi, Quảng Nam ra đây, cần tranh thủ thời gian khám, nếu không cần thiết phải nhập viện thì họ kịp về trong ngày”.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi: với áp lực công việc như vậy, nếu được chọn lại thì các y, bác sĩ ở đây có chọn ngành y nữa không? Bác sĩ Nguyễn Tiến Hưng thẳng thắn thừa nhận ngành nghề nào cũng có khó khăn, miễn sao chấp nhận, hạnh phúc ở mức độ nào đó là được và anh luôn tin tưởng vào nghề mà mình lựa chọn. “Nghề bác sĩ cấp cứu cũng có niềm vui. Niềm vui của chúng tôi là cứu được người khác thoát khỏi tay tử thần trong gang tấc, là những câu cảm ơn rối rít khi họ ra về, là những câu chào hỏi khi gặp lại trên đường...”, bác sĩ Hưng nói.

Được nhận giải thưởng Tỏa sáng Blouse trắng do UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức trong dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2 năm nay, bác sĩ Phan Văn Liên và bác sĩ Nguyễn Tiến Hưng cảm thấy hạnh phúc, vinh dự, nhưng kèm theo đó là trách nhiệm nặng nề hơn. Giải thưởng là động lực để những người bác sĩ như họ nỗ lực làm tốt hơn nữa nhiệm vụ chăm sóc, cứu chữa bệnh nhân, phục vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.