Các dấu hiệu chuyển dạ thường gặp:
- Cơn co thắt mạnh ở tử cung: Khi cơn co thắt mạnh mẽ (kéo dài khoảng 30 giây) và thường xuyên 10-15 phút.
- Đau lưng: Đau lưng dưới và xương chậu.
- Xuất hiện dịch nhầy: Màu hồng đỏ.
- Vỡ ối: 10% số ca sẽ vỡ ối sớm hơn hoặc vỡ ối mà không có cơn đau. Nước từ trong cơ thể nhỏ giọt liên tục (rỉ ối) hoặc ào ạt không kiểm soát (vỡ ối).
Các giai đoạn chuyển dạ
Thông thường, một người phụ nữ trải qua 3 giai đoạn chuyển dạ chính:
- Giai đoạn 1: Khi các cơn co thắt làm cho cổ tử cung dần dần mở. Giai đoạn này thường chiếm nhiều thời gian nhất.
- Giai đoạn 2: Là khi cổ tử cung của bạn đã hoàn toàn mở. Đây là thời điểm em bé sẽ chào đời.
- Giai đoạn 3: Sau khi em bé chào đời, các cơn co thắt vẫn tiếp tục để đẩy nhau thai ra khỏi cơ thể mẹ.
Trong quá trình chuyển dạ, một nữ hộ sinh luôn ở bên và bác sĩ sẽ giúp bạn sinh bé. Cơn go tử cung rất đau, sản phụ đừng lo lắng và nên nghỉ ngơi giữa các cơn đau. Bác sĩ sẽ tư vấn cách rặn sinh bé khi cổ tử cung mở hết. Sản phụ cũng không nên rặn sớm vì dễ bị rách cổ tử cung, bướu huyết thanh, sa sinh dục về sau.
Cách thở và rặn sinh
- Dựa theo tính chất chu kỳ của cơn go tử cung, sản phụ sẽ chú ý, tập trung vào hơi thở.
- Mỗi một cơn go tử cung thường có 3 thì: thì co, thì kéo dài và thì nghĩ. Ở thì co, thai phụ thường cảm giác bụng cứng lên, cảm giác đau đớn tăng dần, đau đạt đỉnh điểm. Ở thì kéo dài, cảm giác đau sẻ giảm dần và không cảm thấy đau nữa ở thì nghĩ. Khoảng cách giữa các cơn go tử cung là thì nghĩ, đó là những thời điểm để thai phụ phục hồi sức lực, chuẩn bị tập trung vào thì co và thì kéo dài để chịu đau và rặn có hiệu quả.
- Ở người con so, cuộc rặn sinh như vậy thường kéo dài từ 30 - 40 phút chia thành nhiều đợt rặn, sau đó mới xổ thai được. Ở người con rạ thì cuộc rặn ngắn hơn từ 20 - 30 phút.
Chăm sóc hậu sản
- Giữ sạch vùng sinh dục hậu môn, rửa nhẹ nhàng bằng nước sạch.
- Ăn đủ chất dinh dưỡng và uống nhiều nước để hồi phục cơ thể sau khi sinh và để có đủ sữa cho con bú. Sản phụ không nên ăn uống quá kiêng khem.
- Nên tranh thủ ngủ càng nhiều càng tốt khi bé ngủ và tập thể dục nhẹ nhàng 15 - 20 phút mỗi ngày để hồi phục sức khỏe.
- Khám lại từ 1 tháng sau khi sinh để chắc chắn rằng bạn và con bạn đã hồi phục sau khi sinh và phát hiện những biến chứng nếu có. Ðây cũng là dịp bạn có thể hỏi bác sĩ và nữ hộ sinh bất cứ điều gì bạn còn băn khoăn về cho con bú, quan hệ tình dục, kế hoạch hóa gia đình, tiêm phòng cho bé, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hoặc những câu hỏi khác về sức khỏe của bạn cũng như con bạn.
Sản phụ lưu ý: Cần đến bệnh viện ngay nếu có một trong những dấu hiệu sau:
- Ngất hoặc bất tỉnh.
- Ra máu không giảm đi mà ngày càng tăng lên hoặc màu sản dịch chuyển sang đỏ tươi, hoặc có những cục máu đông.
- Sốt.
- Đau bụng dữ dội hoặc đau tăng dần lên.
- Nôn và tiêu chảy.
- Máu hoặc chất dịch chảy ra từ cửa mình có mùi hôi khó chịu.
- Ðau, sưng, đỏ và có thể có chảy dịch từ vết khâu (nếu bạn bị cắt khâu tầng sinh môn lúc đẻ hoặc phải mổ đẻ).
- Có nước tiểu hoặc phân chảy ra từ âm đạo.
- Nhợt màu ở lợi và mặt trong mí mắt, móng tay trắng nhợt, mệt mỏi, mạch đập nhanh, thở hổn hển và hoa mắt, chóng mặt.
Nuôi con bằng sữa mẹ
- Cho con bú ngay lập tức hoặc trong vòng nửa giờ sau khi sinh.
- Nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 4 - 6 tháng đầu.
- Cho bé bú bất cứ lúc nào khi bé đòi bú.
- Cần được bú mẹ cho đến 18 hoặc 24 tháng.
- Đăng ký tên em bé ở trạm y tế phường, xã sau khi sinh để cháu được tiêm và uống thuốc phòng theo lịch của địa phương.
- Cho bé ăn dặm: từ 4-6 tháng, từ lỏng sau đặc dần, đủ các thành phần như bột gạo, đậu, thịt, cá, tôm, cua, trứng, dầu mè, rau xanh và quả chín.
- Cho bé ra ngoài trời mỗi ngày ít nhất 30 phút, ánh nắng mặt trời sẽ giúp bé chóng lớn.
- Cân em bé hằng tháng để theo dõi xem cháu có phát triển bình thường không.
Ths.Bs NGUYỄN THỊ THANH LOAN
Khoa Sản - Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng