Trong quá trình mang thai, người mẹ nên tìm đọc thêm nhiều tư liệu cũng như hỏi thăm bác sĩ chuyên khoa để có được phương pháp chăm sóc tốt cho thai nhi và sức khỏe của mình.
Khám thai định kỳ
Trung bình, mỗi bà mẹ mang thai chỉ nên đi khám khoảng 7 lần trong suốt thai kỳ.
Khám thai định kỳ giúp bạn: Phát hiện bệnh tật của mẹ khi mang thai, phát hiện dị tật, bất thường của thai nhi, theo dõi sự phát triển của thai nhi, xác định cơ thể của mẹ và thai nhi có thích nghi với nhau hay không, điều chỉnh chế độ ăn uống của thai phụ, xác định khoảng thời gian sinh con.
- Đi khám lần đầu tiên: Sau khi chậm kinh khoảng 1 tháng để biết bạn mang thai hay chưa, xác định tuổi thai và ngày dự kiến sẽ sinh.
- Lần khám thứ 2 (Tuần thai thứ 11 – 13): Đo độ mờ da gáy, xem bé có nguy cơ mắc bệnh bất thường nhiễm sắc thể hay không, có thể xét nghiệm Double test.
- Lần khám thứ 3 (Tuần thai thứ 15 – 17): Kiểm tra Triple Test
- Lần khám thứ 4 (Tuần thai thứ 22 – 24): Nhằm xác định các dị tật bẩm sinh của em bé, chủ yếu là về tim, xương và giới tính của thai nhi.
- Lần khám thứ 5 (Vào tuần thứ 26): Khám thông thường và tiêm ngừa uốn ván .
- Lần khám thứ 6 (Tuần thai thứ 30 – 32): Kiểm tra tình trạng bánh rau và nước ối, xét nghiệm nước tiểu và tiêm ngừa uốn ván mũi thứ hai. Từ tuần thai thứ 36: Là lúc bà mẹ mang thai nên chọn bệnh viện để sinh, đăng ký hồ sơ và thực hiện các xét nghiệm theo yêu cầu để sẵn sàng lúc sinh. Sản phụ cũng nên khám thai thường xuyên hơn trong thời gian này (mỗi tuần 1 lần cho tới khi sinh).
Dinh dưỡng trong thai kỳ
- Điều chỉnh chế độ ăn uống - cho dù bạn vẫn ăn tốt: tăng lên khoảng 430 kcal 1 ngày. Cân nặng sẽ tăng khoảng 10 - 12,5kg trong suốt thai kỳ.
- Bữa ăn của bà mẹ cần có đủ 4 nhóm thực phẩm:
Nhóm chất bột gồm: gạo, mì, ngô, khoai, sắn...
Nhóm chất đạm gồm: thịt, cá, trứng, tôm cua, đậu đỗ...
Nhóm chất béo gồm: dầu, mỡ, vừng, lạc...
Nhóm vitamin chất khoáng và chất xơ gồm: rau xanh và quả chín.
- Bổ sung cân đối chất bột, chất đạm và chất béo:
Đối với những người khỏe mạnh và đủ chất, có thể tăng khẩu phần ăn so với thông thường, nhưng chưa cần tăng quá nhiều.
Đối với những người gầy yếu, cần phải cố gắng ăn nhiều các chất bổ dưỡng, giàu đạm và protein để bù lại sự thiếu hụt của cơ thể.
Ăn những thực phẩm giàu chất xơ. (Trong trường hợp táo bón và nóng)
Uống nhiều nước, lượng nước cần thiết tối thiểu hằng ngày khoảng 2,5 lít.
Chia nhỏ khẩu phần ăn trong ngày thành nhiều bữa (6-8 bữa) để tránh hiện tượng nôn và buồn nôn do ốm nghén.
Bổ sung nhiều vitamin cần thiết cho cơ thể thông qua thức ăn hoặc thuốc bổ:
Canxi: bà bầu cần thêm 1.000mg canxi mỗi ngày, cần chọn những thực phẩm giàu canxi như sữa, trứng, váng sữa, sữa chua...
Axit folic: có vai trò rất quan trọng đối với hệ thần kinh của trẻ, có nhiều trong gan động vật, rau xanh thẫm, hoa lơ, đậu quả...
Sắt: tham gia quá trình tạo máu, vận chuyển oxy. Sắt có nhiều trong gan lợn, gà, lòng đỏ trứng gà, thịt bò (hoặc các loại thịt đỏ), các loại rau củ quả như đậu đỗ...
Các vitamin: Vitamin A, C, D, K... đều rất cần thiết cho thai phụ và thai nhi. Cần bổ sung thông qua các loại thực phẩm tự nhiên mỗi ngày.
Bảo đảm lượng muối trong thức ăn vừa đủ trong thời kỳ mang thai.
Thực hiện và duy trì các bài tập thể dục thể thao nhẹ nhàng.
Nên tránh những gì?
Rượu, bia, cà-phê, chè… chứa chất cồn, caffein đều được khuyến cáo không nên sử dụng khi mang thai 3 tháng đầu.
Các loại thức ăn, đồ uống ngọt, chứa nhiều đường dễ làm tăng nguy cơ tiểu đường
Giảm bớt các loại gia vị như ớt, hạt tiêu, tỏi, giấm… đặc biệt là các loại gia vị cay.
Không ăn thức ăn sống, thức ăn gỏi hay đã để lâu
Không ăn các loại thực phẩm có thủy ngân như cá mập, cá kiếm, cá ngừ…
Hạn chế các thực phẩm quá nhiều chất béo và cholesterol.
Tránh đu đủ xanh, lô hội, nhãn, nhân sâm, dưa hấu ướp lạnh... hay một số loại thức ăn được khuyến cáo ít sử dụng.
Tránh uống nước lạnh, ăn nhiều kem khi mang thai bởi dễ gây co thắt huyết mạch.
THS, BS NGUYỄN THỊ THANH LOAN
Khoa Sản - BV Hoàn Mỹ Đà Nẵng