.

Thầm lặng tấm lòng thầy thuốc

.

Thường xuyên tiếp xúc và chữa bệnh cho những bệnh nhân là đối tượng nghiện chích heroin, bệnh nhân mắc các bệnh dễ lây nhiễm... nhưng đã mấy mươi năm qua, họ vẫn âm thầm làm công việc cứu người với mong muốn duy nhất: mang lại niềm vui sống cho bệnh nhân.

Mỗi khi thăm bệnh, bác sĩ Nguyễn Đức Tiến luôn ân cần với bệnh nhân.
Mỗi khi thăm bệnh, bác sĩ Nguyễn Đức Tiến luôn ân cần với bệnh nhân.

Coi bệnh nhân như người thân

24 năm làm việc tại khoa Phẫu thuật thẩm mỹ, Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng, với bác sĩ Nguyễn Đức Tiến, đó là khoảng thời gian anh cảm thấy mãn nguyện và cuộc sống của mình ý nghĩa nhất. Hằng ngày, cùng với các đồng nghiệp trong khoa, anh tham gia chữa trị cho tất cả bệnh nhân, từ những bệnh liên quan về da đến những bệnh nhân HIV. Trong thâm tâm anh luôn nhủ đó là những người cần sự quan tâm, chia sẻ nhất. Hỏi anh có sợ bị lây như cái nhìn mà người đời vẫn đối xử với những người có HIV không, anh chỉ lắc đầu rồi nhẹ nhàng bảo: “Mình là bác sĩ mà!”.

Tiếp chúng tôi dù đã quá giờ làm việc, vừa trò chuyện anh vừa tranh thủ đi thăm mấy bệnh nhân đang điều trị tại khoa. Dừng bên giường bệnh của một cụ ông mắc bệnh zona, bác sĩ Tiến hỏi: “Ông thấy đỡ rát hơn không? Ông sợ thuốc vô mắt nên làm thế này đúng không? Nhưng ông phải cố giữ vết thương, ráng chịu đau tí nhé!”. Đáp lại anh là cái cúi đầu cảm ơn của ông cụ.

Ngoài việc tư vấn, hỗ trợ người bệnh hiểu cặn kẽ bệnh tình, bác sĩ Tiến còn hỏi thăm hoàn cảnh của từng người, đồng cảm, chia sẻ và động viên họ như người trong nhà. “Mỗi khi bệnh tình bệnh nhân chuyển biến không tốt hoặc lâu khỏi, tôi luôn tìm mọi cách chữa trị để người ta mau lành bệnh. Là bác sĩ, mình phải xem bệnh nhân như người nhà của mình vậy. Đó mới thực sự là y đức”, bác sĩ Tiến bộc bạch.

Cùng được nhận giải thưởng Tỏa sáng Blouse trắng đợt này có bác sĩ Nguyễn Phú Đoan Trinh, bác sĩ chuyên khoa I - Trưởng cơ sở điều trị Methadone số 2 (Trung tâm phòng chống HIV/AIDS). Nói về công việc của chị, người ngoài vừa ái ngại, vừa nể phục. Do đặc thù công việc nên chị phải thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân là những đối tượng nghiện chích heroin có nhiều bệnh nguy hiểm kèm theo như HIV; lao; viêm gan B, C… với tính tình hung hăng, tính khí thất thường. Chị kể, không ít lần khám bệnh, chị phát hiện bệnh nhân nhét dao, hung khí theo bên mình. Rồi chuyện trực tiếp chứng kiến những bệnh nhân “vả” thuốc không kiềm chế được hành động dẫn đến gây gổ, đánh nhau, lớn tiếng uy hiếp bác sĩ, cán bộ của cơ sở đã trở nên quá quen thuộc với chị. Những lúc ấy chị đều nhẹ nhàng xưng “con”, dùng lời ngon tiếng ngọt nhỏ nhẹ với những con người mà ai tiếp xúc cũng có phần sợ sệt... Bác sĩ Trinh cho hay: “Với những bệnh nhân như thế, mình phải luôn chịu thua họ một nước thì mới làm được việc. Ngó vậy chứ lúc tỉnh ra, họ hiền lắm, đến xin lỗi và hứa không tái phạm nữa, bác sĩ dặn dò gì cũng nghe theo. Những bệnh nhân ấy trạc tuổi con cháu mình, vì một phút nông nổi mà sa vào con đường nghiện chích. Mình thương và giúp người ta thì làm cho trót”.

“Chúng tôi ở đây là để cứu người!”

Mấy chục năm công tác, có những bệnh nhân tưởng chừng không qua khỏi nhưng được sự cứu chữa tận tình, quan tâm và yêu thương của bác sĩ Tiến, rất nhiều bệnh nhân đã dần hồi phục. Anh kể, có những bệnh nhân khi đến với anh chỉ còn da bọc xương nhưng đến giờ, họ mập mạp, khỏe mạnh không khác gì người bình thường. Với anh, đó là niềm vui lớn nhất trong cuộc đời làm bác sĩ của mình. Trong cuộc trò chuyện, bác sĩ Tiến tâm sự rằng: “Nhiều người bảo bác sĩ nuôi bệnh. Tôi không biết có ai làm như vậy không. Riêng tôi, tôi nhất quyết không bao giờ làm điều trái với lương tâm, với đạo đức như vậy”. Anh còn cho hay, rất nhiều lần phụ huynh mang tiền tới nhà để cảm ơn anh đã cứu sống con họ nhưng anh đều nhẹ nhàng từ chối.

Với bác sĩ Đoan Trinh, tiếp chúng tôi vào một buổi chiều muộn, chị cho biết vẫn còn hai bệnh nhân nữa hẹn 19 giờ mới tới uống thuốc được nên chị phải ở lại đợi. Với chị, việc phải đến cơ quan từ lúc trời tờ mờ sáng và ra về khi trời đã tối mịt không còn là chuyện lạ. “Ngay cả bản thân mình ở nhà uống thuốc thôi cũng đã ngán, huống gì bệnh nhân phải đến đây uống thuốc từ năm này qua tháng nọ. Do vậy, mình cũng nên thông cảm cho bệnh nhân, ở lại đợi tí cũng không sao!”, chị Trinh bộc bạch.

Những bệnh nhân rơi vào con đường nghiện chích hầu hết đều có những nỗi khổ riêng, gia đình bỏ bê, ít quan tâm. Để hiểu hơn tâm tư của người bệnh, hằng tháng chị đứng ra tổ chức 2 buổi gặp mặt CLB người nhà và CLB bệnh nhân. Nhiều bậc phụ huynh cho biết, chính nhờ sự giúp đỡ, cứu chữa của chị cùng anh chị em ở cơ sở mà con họ đang dần thay đổi, không còn phá phách, trộm cắp như xưa. Chị nghe mà vui trong lòng vì mình đã làm được việc đúng với y đức, sứ mệnh của bác sĩ. Với 127 bệnh nhân đang điều trị tại cơ sở, chị nắm rõ từng hoàn cảnh gia đình, tính cách của từng người. Hôm nay ai đã uống thuốc, ai chưa, ai có việc bận báo đến trễ chị đều ghi nhớ mà không cần sổ sách gì. “Chúng tôi ở đây là để cứu người!”, bác sĩ Trinh nói.

Bài và ảnh: BÌNH AN

;
.
.
.
.
.