Trong 9 ngày nghỉ Tết, Trung tâm cấp cứu thành phố xử lý 409 trường hợp, trong đó gần 50% là các vụ tai nạn giao thông (TNGT).
Những ngày này, lực lượng cấp cứu phải tăng cường làm việc. (Ảnh chụp sáng 6-2). |
Dự báo những ngày sau Tết, TNGT sẽ còn tăng, chủ yếu xảy ra ở khu vực ngoại thành.
Chạy ẩu, say xỉn, không mũ bảo hiểm…
Đó là những nguyên nhân chính của các vụ TNGT xảy ra trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014. Theo bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm cấp cứu thành phố, cứ đến hẹn lại lên, trước, trong và sau Tết là thời điểm các vụ tai nạn cấp cứu, nhất là TNGT tăng đột biến. Số lượng cấp cứu tăng gấp đôi ngày thường. Có ngày như mồng 2 Tết, Trung tâm xử lý 63 ca (TNGT 26 ca).
Nhiều thanh niên không đội mũ bảo hiểm do sợ hỏng tóc đẹp hoặc chạy xe bạt mạng vì đang trong “mùa ăn chơi”, dẫn đến các vụ việc nghiêm trọng. “Tết này, ngay trong ca trực của tôi có vụ TNGT làm chết 4 người, bị thương 2 người. Tất cả nạn nhân đều không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông”, bác sĩ Hồng cho biết.
Qua nhiều năm làm công tác cấp cứu, bác sĩ Hồng nhận định những ngày sắp tới, không khí Tết vẫn còn ở nhiều nơi, tình hình TNGT sẽ còn diễn biến phức tạp. Nếu ở nội thành, mọi người đã trở lại guồng máy công việc, thì ở ngoại thành không ít người “chơi Tết” cho hết tháng Giêng. Đó là lý do khiến khu vực này thường xảy ra nhiều vụ TNGT những ngày sau nghỉ Tết.
Trong 17 trường hợp tử vong ghi nhận tại Trung tâm cấp cứu thành phố cho đến hôm nay, có đến 10 trường hợp do TNGT, còn lại là đột tử do uống bia, rượu quá nhiều.
Không nghỉ Tết!
Vì tình hình tai nạn cấp cứu ngày càng nhiều, số ca năm sau luôn tăng hơn năm trước, đặc biệt tăng cao vào thời điểm người dân nghỉ xả hơi trong dịp Tết, nên những cán bộ, nhân viên thuộc Trung tâm cấp cứu thành phố phải tăng cường làm việc hơn ngày thường. Đã làm cấp cứu thì ai cũng thuộc một “luật” bất thành văn là không được nghỉ phép hay về quê ăn Tết trong tháng Giêng.
Hiện Trung tâm có 10 xe cấp cứu, 7 bác sĩ, 30 điều dưỡng và y sĩ. Đây là lực lượng phục vụ cho 6 trạm vệ tinh và 1 trung tâm trên toàn địa bàn thành phố. Và cũng từng này con người phải thay nhau làm việc xuyên ngày xuyên đêm để bảo đảm cứu người nhanh chóng.
Bác sĩ Hồng từ ngày ra trường đến nay chưa biết một cái Tết trọn vẹn. Những đồng nghiệp của chị thậm chí đến tuổi sắp về hưu, qua mấy chục năm làm cấp cứu thì Tết này vẫn không được “tha” túc trực ở trạm. Một số điều dưỡng trẻ, đang có con nhỏ cũng gửi con về quê vui Tết với ông bà để mẹ yên tâm công tác. Chị Loan, điều dưỡng 5 năm làm cấp cứu chia sẻ, có khi chị cùng đồng nghiệp chạy liên tục 10 chuyến/ngày là chuyện bình thường. Chồng, con và gia đình của những nhân viên ở đây đã quen với những ngày “nghỉ Tết” đặc biệt như thế.
“Chưa biết sắp tới lực lượng làm công tác cấp cứu có được tăng cường không, để anh em có thể tận hưởng hương vị Tết, chỉ biết trước mắt chúng tôi vẫn phải cố gắng hết sức vì đang trong… tháng ăn chơi”, một bác sĩ chia sẻ.
Bài và ảnh: THU HOA