Quý I hằng năm là cao điểm của nhiều bệnh dịch. Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính dẫn đến sự bùng phát dịch sởi nghiêm trọng như hiện nay bắt nguồn từ việc nhiều phụ huynh đã không cho con tiêm vaccine phòng sởi. Phóng viên đã trao đổi với TS.BS Trần Thanh Tú, Trưởng khoa Điều trị tự nguyện A, Bệnh viện Nhi Trung ương xung quanh vấn đề phòng tránh và điều trị bệnh sởi đối với trẻ em.
PV: Thưa tiến sĩ, bà có thể cho biết những biểu hiện của bệnh sởi đối với bệnh nhi?
TS.BS Trần Thanh Tú, Trưởng khoa Điều trị tự nguyện A |
TS.BS Trần Thanh Tú: Sởi là một bệnh nhiễm virus cấp tính đặc trưng giai đoạn cuối bằng ban dạng dát - sẩn xuất hiện tuần tự từ cổ, mặt, ngực, thân, chân tay kèm theo sốt cao.
Sởi là một bệnh cực kỳ dễ lây lan: trong gia đình nếu có một người bị bệnh thì có đến 90% những người chưa có miễn dịch sẽ bị nhiễm bệnh. Người bệnh phát tán virus mạnh nhất là vào giai đoạn tiền triệu (giai đoạn xuất tiết) thông qua các hạt nhỏ bắn ra khi ho, khi nói chuyện hoặc khi tiếp xúc. Giai đoạn tiền triệu với dấu hiệu nội ban (còn gọi là hạt koplik).
Giai đoạn đầu tiên của bệnh sởi gọi là giai đoạn ủ bệnh có thể kéo dài 10-12 ngày. Trong giai đoạn này, trẻ không biểu hiện triệu chứng gì của bệnh. Khi đến giai đoạn tiền triệu (trong vòng 3-5 ngày), bệnh sởi sẽ biểu hiện những đặc trưng bên ngoài từ sốt nhẹ đến vừa, ho khan, chảy mũi nước và đặc biệt là viêm kết mạc mắt (mắt trẻ đặc biệt nhiều dử). Kết mạc mắt có thể viêm đỏ, dấu hiệu sợ ánh sáng. Người bệnh thường có ho khan (ho không có đàm). Một số ít trường hợp bệnh nhi giai đoạn tiền triệu biểu hiện bằng những triệu chứng nặng nề như sốt cao, co giật hoặc thậm chí viêm phổi.
Giai đoạn phát ban là giai đoạn điển hình nhất của bệnh sởi với triệu chứng phát ban tuần tự trên da. Ban thường xuất hiện đầu tiên ở vùng chân tóc phía sau tai, tiếp đến xuất hiện ở mặt và lan dần xuống phía dưới trong vòng 24-48 giờ. Ban sởi là những ban dạng dát - sẩn nổi lên trên bề mặt da, sờ mịn như nhung và không đau, không hoặc ít ngứa, không sinh mủ. Cần phân biệt nổi ban do các bệnh khác như rubella (sởi Đức), đào ban ấu nhi…
PV: Từ khi sởi phát bệnh đến khỏi hẳn, các biến chứng thường gặp của bệnh như thế nào, thưa bà?
TS.BS Trần Thanh Tú: Từ giai đoạn tiền triệu, giai đoạn bắt đầu có những triệu chứng biểu hiện của bệnh sởi, đến khi khỏi hẳn có thể kéo dài từ 7 đến 10 ngày. Khi các đốm ban sởi biến mất, trẻ hết sốt có nghĩa là trẻ đã chính thức khỏi bệnh.
Các biến chứng thường gặp của sởi là viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy và nguy hiểm nhất là viêm não. Các biến chứng này là nguyên nhân chính dẫn đến việc phải kéo dài thời gian điều trị bệnh, ảnh hưởng lớn đến dinh dưỡng của trẻ. Suy dinh dưỡng lại là tiền đề cho các bệnh nhiễm trùng phát sinh. Có thể nói đây chính là vòng luẩn quẩn bệnh lý thường gặp khi mắc bệnh sởi.
PV: Trong các biến chứng của bệnh sởi, theo bà biến chứng nào là nguy hiểm nhất?
TS.BS Trần Thanh Tú: Bệnh sởi dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm có thể dẫn đến tàn phế và tử vong. Biến chứng thường gặp nhất là viêm phổi, gây ra do chính bản thân virus sởi (viêm phổi tế bào khổng lồ). Các vi khuẩn thường gặp là phế cầu, liên cầu nhóm A, tụ cầu và hemophiluc influenxae tuýp B. Tiêu chảy cũng là biến chứng thường gặp sau sởi, dân gian gọi là sởi “chạy” vào bụng, đặc biệt thường gặp ở trẻ suy dinh dưỡng và thiếu vitamin A. Trẻ dễ bị mắc lỵ trực trùng và tiêu chảy kéo dài. Đôi khi do cơ địa suy kiệt, bệnh nhi dễ có nguy cơ nhiễm trùng huyết tiêu điểm từ ruột.
Viêm loét giác mạc là biến chứng kinh điển và đáng sợ nhất của bệnh sởi. Trẻ suy dinh dưỡng và thiếu vitamin A là những đối tượng có nguy cơ cao nhất, khi biến chứng nặng có thể dẫn đến mù lòa. Viêm tai giữa là biến chứng luôn phải nghĩ đến ở trẻ mắc sởi. Nếu không phát hiện kịp thờ, viêm tai giữa có thể gây thủng màng nhĩ, ảnh hưởng đến thính lực của trẻ.
Hai biến chứng hiếm gặp nhưng đặc biệt nguy hiểm là viêm cơ tim và viêm não, ước tính tỷ lệ bệnh sởi bị biến chứng này vào khoảng từ 1-2/1.000 trường hợp.
PV: Thưa bà, nhiều người thắc mắc, khi đã tiêm phòng sởi cho trẻ có chắc chắn 100% không mắc bệnh hay không?
TS.BS Trần Thanh Tú: Hiện nay các nước có y học tiên tiến thường tiêm ngừa sởi bằng vaccine tam liên sởi - quai bị - rubella (sởi Đức). Ở các nước có tỷ lệ lưu hành bệnh sởi khá cao thì có thể tiêm mũi đầu tiên ngay lúc trẻ được 6 tháng tuổi. Chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam thực hiện mũi tiêm sởi lúc trẻ 9 tháng tuổi. Mũi tiêm này chỉ chứa vaccine sởi. Tại các thành phố lớn hiện có vaccine tam liên như trên nhưng không miễn phí. Các gia đình có điều kiện nên tiêm loại vaccine này.
Vaccine sởi là loại vaccine sống giảm độc lực nên không được khuyến cáo ở phụ nữ có thai, trẻ suy giảm miễn dịch tiên phát, trẻ bị bệnh lao không được điều trị, bệnh nhân ung thư, ghép tạng, bệnh nhân đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc trẻ bị bệnh AIDS giai đoạn nặng. Trẻ tiêm phòng sởi đến 4-5 tuổi phải tiêm mũi nhắc lại, khi đó trẻ mới đủ khả năng miễn dịch bền vững, nếu có mắc bệnh thì khả năng kháng bệnh cao, ít biến chứng nguy hiểm.
PV: Nhưng trong trường hợp trẻ vì một lý do nào đó như sinh non chẳng hạn hoặc thể trạng quá yếu, không thể tiêm phòng thì khả năng mắc bệnh sởi có cao hay không thưa bác sĩ?
TS.BS Trần Thanh Tú: Trẻ không được tiêm phòng chắc chắn khả năng mắc bệnh sởi sẽ cao hơn nhiều trẻ được tiêm phòng đầy đủ. Hơn nữa, khả năng trẻ không tiêm phòng gặp các biến chứng nguy hiểm cũng rất cao. Trẻ sinh thiếu tháng, thể trạng yếu vẫn nên tiêm phòng sởi. Theo chúng tôi, trẻ sinh non sẽ hoàn toàn phát triển như đứa trẻ bình thường sau 1-2 tháng. Chính vì vậy tiêm phòng cho trẻ nên chậm hơn trẻ thông thường theo thời gian tương ứng.
Trường hợp trẻ dưới 6 tháng tuổi cũng có khả năng mắc bệnh sởi nếu người mẹ không được tiêm phòng sởi. Bởi người mẹ không có kháng thể, không thể truyền cho trẻ theo đường sữa nên trẻ cũng có thể lây nhiễm bệnh sởi.
PV: Bác sĩ có thể cho biết cách phòng tránh bệnh sởi cho trẻ em, những lưu ý đối với các phụ huynh khi có con mắc bệnh sởi?
TS.BS Trần Thanh Tú: Có hai cách phòng và tránh bệnh sởi là phòng bệnh chủ động và phòng bệnh bị động. Phòng bệnh chủ động là phải cho trẻ tiêm phòng theo hướng dẫn của bác sĩ, tiêm nhắc lại đầy đủ vaccine bệnh sởi. Người mẹ cần tiêm phòng bệnh sởi trước khi mang thai để có thể tạo ra kháng thể sởi khi nuôi con.
Khi dịch sởi bùng phát cần áp dụng những biện pháp khẩn cấp phòng bệnh (thụ động) như luôn trang bị khẩu trang cho trẻ và cả người lớn khi ra đường, tiếp xúc với các môi trường dễ lây bệnh (bệnh viện, trường học, nơi tập trung đông người…). Hằng ngày, phụ huynh phải làm vệ sinh mũi, họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý để đường hô hấp của trẻ luôn sạch sẽ, khỏe mạnh. Lưu ý cho trẻ ăn uống đủ chất, tăng sức đề kháng với môi trường.
PV: Xin chân thành cảm ơn tiến sĩ.
Để phòng chống bệnh sởi, Bộ Y tế khuyến cáo các bà mẹ cách tốt nhất là nên đưa trẻ đi tiêm chủng vaccine sởi đầy đủ, đúng lịch. Sởi vẫn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch và là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ dưới năm tuổi. Tất cả những người chưa có miễn dịch với sởi đều có nguy cơ mắc bệnh. Bệnh nhân dễ bị biến chứng dẫn đến mù lòa, tiêu chảy cấp, viêm phổi, viêm não, có thể dẫn đến tàn phế, tử vong đặc biệt ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng, mắc HIV/AIDS hoặc các bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh. |
Petrotimes