.
Tỏa sáng Blouse trắng

Vinh danh một nghề cao cả

.

Hôm nay (26-2) diễn ra lễ trao giải thưởng Tỏa sáng Blouse trắng do UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức. Đây là hoạt động ý nghĩa nhằm tôn vinh những thầy thuốc tại các cơ sở y tế công lập trực thuộc Sở Y tế thành phố tận tụy với nghề. Mỗi cá nhân trong số 20 người được xét tặng giải thưởng là mỗi câu chuyện sống động về tinh thần, thái độ phục vụ bệnh nhân.

Một ca can thiệp tim bẩm sinh tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: THU HOA
Một ca can thiệp tim bẩm sinh tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: THU HOA

Các chị không mặc blouse trắng, nhưng bệnh viện và bệnh nhân không thể thiếu các chị.

Hộ lý là vị trí tưởng khiêm nhường trong một môi trường vốn đòi hỏi nhiều người tài giỏi và kỹ thuật cao như các cơ sở y tế. Thế nên, việc có 2 hộ lý được vinh danh Tỏa sáng Blouse trắng năm nay khiến nhiều đồng nghiệp của các chị giật mình vui sướng và tự hào lây khi cảm thấy công việc lặng lẽ này được ghi nhận và trân trọng.

Người có duyên với “nghề lau chùi”

Chị Nguyễn Thị Hồi (50 tuổi), hộ lý Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu bẽn lẽn với niềm hạnh phúc thật khó tả khi chị không hiểu vì sao có biết bao cán bộ nhiệt tình, giỏi giang mà chị lại được đề xuất nhận giải Tỏa sáng blouse trắng.

13 năm làm hộ lý ở Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu, công việc thường ngày của người phụ nữ nhỏ bé nặng chỉ gần 45kg này là làm xanh, sạch, đẹp từ giường, buồng bệnh đến toàn khuôn viên bệnh viện và phụ giúp chăm sóc bệnh nhân. Có hai điều khiến lãnh đạo bệnh viện và các đồng nghiệp ấn tượng sâu sắc về chị.

Chị Nguyễn Thị Hồi tâm sự: “Được chăm sóc bệnh nhân và làm cho bệnh viện sạch đẹp là niềm vui của hộ lý”.
Chị Nguyễn Thị Hồi tâm sự: “Được chăm sóc bệnh nhân và làm cho bệnh viện sạch đẹp là niềm vui của hộ lý”.

Thứ nhất, ngoài phần việc thường ngày, chị còn “chế” nhiều vật dụng lau chùi từ những đồ dùng đã hư hỏng. Chẳng có cái chổi, miếng lau sàn nào sờn cũ mà chị “tha”. Không ai yêu cầu, nhưng suốt ngày chị lụi hụi đóng đinh, cột, nẹp, gia cố những cái đã bỏ đi để lại tiếp tục sử dụng. Cuộc đời nghèo khổ đã dạy cho chị tính cần kiệm đó. Nói đến đây, chị rưng rưng bật khóc. Chị kể năm 4 tuổi đã mồ côi cha, một mình mẹ nuôi đàn con bằng nghề đi dọn dẹp vệ sinh. Mỗi sáng, Hồi dậy sớm phụ mẹ làm việc kiếm tiền nuôi em, nên có thể nói chị “bén duyên” với nghề lau chùi từ thuở nhỏ. Khi Hồi lên lớp 5, mẹ bị tâm thần, mấy anh chị em chia nhau các hướng tìm kế sinh nhai.

Chị đi ở đợ cho một gia đình ở Hội An. Đến năm 18 tuổi, chị ra Đà Nẵng làm việc tại Công ty Lương thực miền Trung với vị trí chăn nuôi, nấu ăn cho công nhân. Với đức tính chịu thương, chịu khó, chị nhận nhiều sự khen tặng. Tuy nhiên, khi công ty gặp khó khăn buộc phải cắt giảm lao động, chị “được” nghỉ hưu sớm. Thất nghiệp, phải kiếm sống bằng nghề bán vé số, nhưng lúc nào trong chị cũng ao ước được làm tạp vụ cho bệnh viện nào đó. Ước mơ đã thành sự thật khi năm 1999, một người bạn giới thiệu chị vào Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu với công việc hộ lý như ngày nay.

Với bác sĩ Lê Văn Sỹ, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu, thêm một điều để toàn bệnh viện yêu mến chị Hồi đó là chị không ngại tiếp xúc những ca mổ tử thi thâu đêm suốt sáng. Nhiều lúc một mình chị cần mẫn lau dọn nhà xác trong đêm. Lần đầu làm công việc này còn run lẫy bẫy, chỉ cần một tiếng động thoáng qua là tim chị giật thót, nhưng giờ mọi việc đã thành quen, nhiều lúc khuya khoắt, chị một mình ra nhà xác thắp nén nhang hay đốt điếu thuốc để người quá cố ấm lòng.

“Một ngày ngủ chừng 4 tiếng, ước chi ngày dài hơn gấp đôi để làm hết việc”, chị đếm thời gian, công việc bằng 10 đầu ngón tay đen xì, nhăn nhúm vì bị nấm do thường xuyên tiếp xúc với hóa chất và nước. Ngoài giờ ở bệnh viện, chị còn tranh thủ làm đêm, làm sáng (nếu không trùng ngày trực) bằng nghề giúp việc cho các hộ gia đình để có tiền lo cho chồng con và chăm sóc mẹ đang nằm một chỗ.

Giải thưởng “Tỏa sáng Blouse trắng” nhằm tìm kiếm, tôn vinh những cá nhân đang làm việc trong các cơ sở y tế công lập trực thuộc Sở Y tế thành phố, có thành tích xuất sắc, tiêu biểu về tinh thần, thái độ phục vụ bệnh nhân, chăm sóc sức khỏe cộng đồng; qua đó tuyên truyền, nêu gương và phát động phong trào thi đua thực hiện tốt tinh thần thái độ phục vụ bệnh nhân, phục vụ cộng đồng; đồng thời là những thông tin đối trọng với những trường hợp tiêu cực trong y đức và tạo nên nét đặc thù riêng của thành phố trong lĩnh vực thi đua khen thưởng.

Đối tượng khen thưởng là các cá nhân (bao gồm cả viên chức trong thời gian tập sự, nhân viên hợp đồng từ một năm trở lên, người lao động) trực tiếp làm nhiệm vụ phục vụ khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cộng đồng trong các đơn vị y tế công lập trực thuộc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng. Hình thức khen thưởng là Bằng chứng nhận giải thưởng của Chủ tịch UBND thành phố và Biểu tượng giải thưởng. Số lượng khen thưởng tối đa 20 cá nhân/năm; tiền thưởng bằng 5 lần mức lương tối thiểu theo quy định hiện hành từ nguồn Quỹ Thi đua khen thưởng của thành phố.

Hội đồng xét chọn giải thưởng do Chủ tịch UBND thành phố quyết định thành lập, Sở Y tế là cơ quan thường trực của Hội đồng. Thời gian trao giải thưởng vào dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2  hằng năm.

Càng làm càng yêu nghề hơn

Hỏi chị còn muốn chia sẻ điều gì, chị Hồi lấy từ trong túi áo ra tờ giấy cũ viết sẵn vài dòng, ngượng ngùng phân trần mình soạn cả buổi mới ra chừng ni. Trong những dòng ít ỏi đó, chị ghi toàn lời cảm ơn với đủ người đã cho chị cơ hội làm hộ lý. Rồi chị gấp giấy lại: “Còn một mơ ước nữa là con gái đầu học trung cấp kế toán ra mà chưa có việc làm, chỉ mong con có việc đúng chuyên môn để mẹ bớt gánh lo toan”.

Cùng chị Hồi, chị Trần Thị Lợi (54 tuổi), Khoa Phụ sản, Bệnh viện Phụ sản - Nhi là hai hộ lý được vinh danh đợt này. “Tự nhiên có ngày mình được đứng bên cạnh các bác sĩ, điều dưỡng giỏi quá trời để nhận giải thưởng, bất ngờ quá chừng”, chị Lợi cười rạng rỡ. Nếu chị Hồi hay tiếp xúc với tử thi thì chị Lợi gần gũi thường ngày với bệnh nhân HIV, viêm gan… Trả lời câu hỏi có điều gì khác biệt khi chăm sóc bệnh lây nhiễm với bệnh thông thường, chị nói: “Như nhau cả vì mình tỏ ra khác biệt thì người bệnh sẽ tủi thân”. Chính vì suy nghĩ đó, chị Lợi không nề hà bất kỳ việc gì, cốt sao người bệnh được nhận sự chăm sóc chu đáo nhất.

Sau cơn bão lớn vừa qua trên địa bàn thành phố, chị Lợi còn được bạn bè gọi vui là “chiến sĩ chống bão”. “Tôi nghĩ ra cách lấy cả giường chằng cửa nên đã có nhiều cánh cửa thoát bể một phen trông thấy. Mình còn cùng anh em nhanh chóng di chuyển bệnh nhân tới nơi an toàn”, chị chia sẻ. Nhờ tinh thần xông xáo đó, nhắc tới chị Lợi, các bệnh nhân và người nhà chăm bệnh đều hết lời ngợi khen.

21 năm làm hộ lý, chưa bao giờ chị Lợi thấy công việc không vất vả, nhất là trong tình hình bệnh viện quá tải. Tuy nhiên, nghề hộ lý với chị vẫn là tất cả niềm vui và sự yêu mến. “Càng làm càng yêu nghề vì hơn cả một công việc kiếm sống, hộ lý được gần gũi, chăm sóc những người đang cảnh ốm đau, đó là một việc làm thật ý nghĩa”, chị Hồi và chị Lợi cùng chia sẻ.

20 cá nhân được xét tặng giải thưởng “Tỏa sáng Blouse trắng” 2013

1- Huỳnh Mỹ Dung - điều dưỡng, khoa Nhi, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng.

2- Huỳnh Thị Thu Hà - điều dưỡng trưởng, khoa Ngoại tiêu hóa, tổng hợp - Bệnh viện Đà Nẵng.

3- Nguyễn Thị Hồi - hộ lý, Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu.

4- Võ Hữu Hội - bác sĩ, khoa Nhi, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng.

5- Nguyễn Thị Kim Hồng - điều dưỡng, khoa Tổn thương tủy sống, Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng.

6- Nguyễn Thị Kim Huệ - điều dưỡng, khoa Nội tiết tiêu hóa, Bệnh viện Đà Nẵng.

7- Nguyễn Tiến Hưng - bác sĩ, khoa Khám - cấp cứu, Bệnh viện Đà Nẵng.

8- Thái Thị Thanh Hường - điều dưỡng trưởng, khoa Khám bệnh - Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Đà Nẵng.

9- Lê Thị Lai - điều dưỡng trưởng, khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đà Nẵng.

10- Phan Văn Liên - bác sĩ, khoa Khám - cấp cứu, Bệnh viện Đà Nẵng.

11- Trần Thị Lợi - hộ lý, khoa Phụ sản, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng.

12- Nguyễn Thị Thanh Nga - bác sĩ, khoa Khám bệnh, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản thành phố.

13- Nguyễn Thị Ái Nghĩa - bác sĩ, khoa Thăm dò chức năng và Cận lâm sàng, Bệnh viện Mắt.

14- Trần Bảo Ngọc - bác sĩ, khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vaccine sinh phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố.

15- Thái Thị Phương - nữ hộ sinh, khoa Phụ sản, Bệnh viện  Phụ sản - Nhi Đà Nẵng.

16- Nguyễn Thị Thanh - điều dưỡng, khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Đà Nẵng.

17- Nguyễn Đức Tiến - bác sĩ, Phó trưởng khoa Phẫu thuật thẩm mỹ, Bệnh viện Da liễu.

18- Nguyễn Phú Đoan Trinh - bác sĩ, Trưởng cơ sở điều trị Methadone số 2, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS thành phố.

19- Nguyễn Ngọc Tửu - bác sĩ, Đội trưởng Đội Y tế dự phòng, Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang.

20- Huỳnh Thanh Vũ - bác sĩ, khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đà Nẵng.

Bài và ảnh: THU HOA

;
.
.
.
.
.