.

Trẻ tiêm phòng bệnh sởi tăng mạnh

.

Ghi nhận tại Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng trong những ngày qua, trẻ đến tiêm phòng bệnh sởi tăng gấp đôi so với trước đây. Trung bình mỗi ngày có 40-50 trẻ tiêm mũi “3 trong 1” (phòng sởi, quai bị, rubella).

Trẻ được tiêm phòng bệnh sởi tại Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng (ảnh chụp sáng 12-2).
Trẻ được tiêm phòng bệnh sởi tại Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng (ảnh chụp sáng 12-2).

Trước tình hình bệnh sởi đang xuất hiện ở một số địa phương, đặc biệt vào thời tiết đông xuân, thuận lợi cho bệnh dễ lây lan và bùng phát, các bác sĩ khuyến cáo tiêm chủng vẫn là cách phòng bệnh đặc hiệu và hiệu quả nhất.

Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, trẻ được tiêm vaccine phòng bệnh sởi của Đà Nẵng đạt tỷ lệ gần như tuyệt đối (98-100%) trong nhiều năm. Cùng với cả nước, Đà Nẵng bắt đầu cho trẻ tiêm vaccine phòng sởi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 1985. Giai đoạn tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đến nay, trên toàn thành phố chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh sởi nào có kết quả xét nghiệm dương tính.

Ngoài hoạt động tiêm chủng mở rộng cho trẻ 9 tháng tuổi (mũi 1) và 18 tháng (mũi 2), trong 10 năm qua, thành phố còn thực hiện các chiến dịch tiêm phòng sởi bổ sung thông qua các đợt tiêm cho trẻ từ 9 tháng đến 10 tuổi, tiêm cho toàn bộ học sinh lớp 1 và tiêm cho trẻ từ 1 - 5 tuổi.

Hiện nay, vaccine sởi được miễn phí cho trẻ. Riêng phòng sởi bằng mũi “3 trong 1” dành cho trẻ từ 1 tuổi trở lên có thể được tiêm dịch vụ với giá cao nhất 137.000 đồng/mũi do Mỹ sản xuất.

Vì Đà Nẵng thuộc khu vực đạt tỷ lệ tiêm phòng sởi cao nên nguy cơ lây lan bệnh từ tỉnh, thành phố có người nhiễm là khó xảy ra. Tuy nhiên, bác sĩ Tôn Thất Thạnh cũng cho rằng, không thể chủ quan trước diễn biến của bệnh lây nhiễm, bởi không có loại vaccine nào đạt hiệu quả phòng bệnh 100%. Trẻ sau khi tiêm mũi 1 được phòng bệnh 80-85%, mũi 2 đạt 90-95%. Do đó, sẽ có 5-10% người sau khi tiêm đủ mũi vẫn không đáp ứng khả năng phòng sởi.

Để phòng bệnh sởi, mọi người cần lưu ý rửa tay, vệ sinh môi trường sống và đeo khẩu trang ở chỗ đông người. Vì bệnh lây qua đường hô hấp, nên bên cạnh các biện pháp trên, tiêm vaccine vẫn là giải pháp tối ưu trong điều kiện mật độ dân số đông, việc di chuyển diễn ra liên tục. Bác sĩ Thạnh cho rằng, trong các vaccine phòng bệnh cho trẻ nhỏ hiện nay, sởi được xem là loại thuốc “lành” nhất khi ít có phản ứng phụ sau tiêm.

Bác sĩ Tôn Thất Thạnh cho biết, mùa đông xuân là thời điểm nhiều bệnh dịch có khả năng bùng phát như: cúm, thủy đậu, rubella, quai bị. Các bệnh này đều đã có vaccine phòng ngừa. Riêng vaccine cúm chỉ mới phòng loại cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B. Trong khi đó, tình hình cúm H5N1, H7N9, H6N1, H10N8 đang diễn biến phức tạp ở khu vực biên giới nước ta hiện vẫn chưa có vaccine đặc hiệu phòng bệnh.

Bài và ảnh: THU HOA

;
.
.
.
.
.