Trước tình trạng bệnh thủy đậu bùng phát như hiện nay, nhiều phụ huynh có con trong độ tuổi đi học tỏ ra rất lo lắng, bởi căn lệnh này lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp, thời gian ủ bệnh lâu nên nguy cơ lây lan trong nhà trường là rất cao.
Bệnh nhân điều trị bệnh thủy đậu ở Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng. |
Nghỉ việc để trông con
Ngày 18-3, tâm sự với chúng tôi, chị Ph., trú đường Nguyễn Chí Thanh, quận Hải Châu, có con học tại Trường mầm non 29-3 kể khổ, vì không có người nên suốt cả tuần nay chị phải xin nghỉ việc để ở nhà trông con do cháu mắc bệnh thủy đậu, nổi nốt phỏng đầy người. Hôm trước chuẩn bị đưa con đi học, thấy con kêu ngứa tay, chị Ph. phát hiện trên tay cháu có nhiều mụn nước và có sốt nhẹ. Nghi ngờ cháu bị bệnh thủy đậu, chị đưa cháu đến bác sĩ khám và đúng vậy. “Trên lớp cháu trước đó cũng có mấy cháu bị thủy đậu, nhưng do hai vợ chồng không có ai giữ, phải “bấm bụng” cho con đi học, nên bây giờ cháu mới lây bệnh.”, chị Ph. buồn bã nói thêm.
Còn tại địa bàn quận Sơn Trà, tình trạng trẻ em mắc bệnh thủy đậu cũng khá nhiều. Bà Nguyễn Thị Thảo, Trưởng phòng GD-ĐT quận này cho biết, tính đến ngày 18-3, toàn quận có 139 học sinh mắc các bệnh thủy đậu, sốt xuất huyết... Cũng theo bà Thảo, với những trường hợp trẻ mắc bệnh, Phòng GD-ĐT chỉ đạo các trường phải cho trẻ em nghỉ học ngay để tránh lây lan sang trẻ khác. Ngoài ra, để tránh dịch bệnh có thể tiếp tục bùng phát, lây lan trên diện rộng, phòng GD-ĐT quận Sơn Trà yêu cầu ban giám hiệu các trường trên địa bàn thường xuyên tổ chức cho cán bộ, giáo viên dọn vệ sinh, sát trùng các vật dụng; đồng thời phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của phụ huynh trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Đến nay, dù ở trường chưa có trẻ mắc bệnh thủy đậu, nhưng trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, hiệu trưởng các trường mầm non ở địa bàn quận Hải Châu vẫn tỏ ra lo lắng, vì vậy, để phong ngừa, Ban giám hiệu nhà trường yêu cầu cán bộ, giáo viên cứ đầu giờ sáng mỗi ngày phải kiểm tra tình hình sức khỏe của học sinh, nếu phát hiện cháu nào sốt dù là nguyên nhân gì đi nữa, thì thông báo ngay cho phụ huynh biết để đưa con em mình đi khám.
Phải cách ly trẻ mắc bệnh
Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng cho biết, chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm, số bệnh nhân mắc thủy đậu đến khám tại bệnh viện tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, tính đến giữa tháng 3, có 182 bệnh nhân đến khám tại phòng khám (tháng 3 năm ngoái có 45 bệnh nhân). Trong đó có 47 bệnh nhân điều trị nội trú (tháng 3 năm ngoái có 12 bệnh nhân) và 135 bệnh nhân thủy đậu điều trị ngoại trú (tháng 3 năm ngoái có 33 bệnh nhân).
Còn theo báo cáo tình hình dịch bệnh của Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã có 521 ca thủy đậu. Gần đây nhất, từ ngày 3-3 đến ngày 9-3, có tổng cộng 66 ca. Trong đó, quận Thanh Khê là địa phương có số ca mắc thủy đậu nhiều nhất với 18 ca, tiếp đến là quận Liên Chiểu với 12 ca. Hiện tại, không chỉ riêng Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng mà tất cả các Trung tâm Y tế dự phòng trên cả nước đều đang “cháy” hàng vaccine thủy đậu, phải chờ đến tháng 4 mới có lại.
Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng khuyến cáo, cách phòng bệnh thủy đậu tốt nhất là tiêm vaccine phòng bệnh ngay từ khi trẻ mới 12 tháng tuổi và tiêm mũi nhắc lại khi 4-6 tuổi. Đối với những trẻ đang mắc thủy đậu, nhà trường nên cho trẻ nghỉ học từ 7-10 ngày và cách ly trẻ với cộng đồng để ngăn ngừa mầm bệnh lây lan. Khi trẻ mắc bệnh, các bậc phụ huynh không nên kiêng nước, gió cho con em khi mắc thủy đậu. Một trong các nguyên tắc điều trị thủy đậu là tránh nhiễm trùng, phải ở trong môi trường thoáng mát, sạch sẽ. Vì thế, kiêng tắm rửa, cơ thể bị bẩn dẫn đến ngứa khiến trẻ gãi nhiều, càng dễ nhiễm trùng. Khi tắm rửa tránh chà xát mạnh vì sẽ làm vỡ các phỏng nước và tuyệt đối không được tắm nước lá, bôi thuốc không rõ nguồn gốc lên vết phỏng. Khi có các dấu hiệu bị bệnh, phụ huynh nên đưa con em đến các cơ sở y tế để được bác sĩ tư vấn cách chăm sóc và kịp thời phát hiện nếu bệnh diễn biến xấu.
Theo bà Huỳnh Thị Tam Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, trước tình hình dịch bệnh thủy đậu diễn biến phức tạp như hiện nay, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các đơn vị, trường học trên địa bàn tăng cường công tác phòng chống dịch. Nhà trường phải phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để sớm phát hiện, cũng như có biện pháp cách ly, cho những trẻ mắc bệnh nghỉ học tránh lây lan mầm bệnh. Ngoài ra, Ban giám hiệu các trường, nhất là những trường mầm non phải thường xuyên thu dọn vệ sinh, sát trùng đồ chơi, tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp để hạn chế dịch bệnh có thể bùng phát mạnh hơn nữa.
Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN - BÌNH AN