.

Cẩn thận bệnh "giời leo"

.

Càng ngày số lượng người mắc zona (giời leo) càng cao với những biến chứng nguy hiểm. Khi mắc bệnh, người dân dễ nhầm tưởng với các loại bệnh viêm da thông thường, chủ quan trong điều trị khiến bệnh càng nặng.

Zona tuy lành tính nhưng nếu không điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng cho người bệnh.
Zona tuy lành tính nhưng nếu không điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng cho người bệnh.

Liệt nửa mặt vì zona

Khoa Da liễu - Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng hơn một tháng nay luôn trong tình trạng quá tải. Bệnh nhân cũ chưa kịp xuất viện thì bệnh nhân mới lại vào. Trước đây, khoa chỉ dành 7 phòng cho bệnh lây thì nay hầu hết các phòng đều chật kín bệnh nhân thuộc các bệnh lây như thủy đậu, zona.

Bệnh nhân Hoàng Phi Quân (sinh năm 1989, quê Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) mắc zona với những biến chứng khá nghiêm trọng đang được điều trị tại khoa Da liễu - Bệnh viện Da liễu. Trước đó, một người bạn chung phòng trọ với anh bị mắc thủy đậu. Những ngày sau, Quân bắt đầu có các triệu chứng đau đầu, nôn mửa và thường sốt cao vào chiều tối. Rồi nửa mặt bên phải của Quân xuất hiện các nốt phát ban từng chùm và cảm thấy đau rát. 10 ngày tiếp theo, Quân bị liệt nửa mặt bên phải, tai ù, miệng méo, cảm thấy đau nhức và mắt phải không nhắm lại được. Các bác sĩ cho biết, Quân phải điều trị châm cứu lâu dài khuôn mặt mới có thể trở lại bình thường.

Tại khoa Da liễu, có đến 70% bệnh nhân là người lớn tuổi. Theo các chuyên gia y tế, zona là bệnh lành tính, trừ vùng mắt. Bệnh nhân Nguyễn Thị Hiền (sinh năm 1945, quê Quảng Ngãi) mắc zona ở cả ba vùng quan trọng là đầu, trán, mắt. Bệnh nhân đã nhập viện điều trị hơn một tháng nay nhưng tình trạng đau nhức vẫn tiếp diễn. “Chỉ cần đụng nhẹ vô tóc cũng đau. Những ngày trước, đau không ăn không ngủ được”, bà Hiền cho hay.

Chủ quan trong điều trị

Bác sĩ Nguyễn Toại - Trưởng khoa Da liễu cho biết, bệnh zona (giời leo) do chủng virus thủy đậu Varicella Zoster gây ra. Biểu hiện thường thấy của zona là mụn nước dính chùm, phân bố dọc thần kinh, ở nửa bên cơ thể và gây cảm giác đau rát cho người bệnh.

Những ai từng mắc chứng thủy đậu lúc nhỏ khi về già có khả năng mắc zona. Bởi lẽ khi mắc thủy đậu (mặc dù đã được điều trị), cơ thể sẽ tồn tại một loại virus “ẩn nấp” trong các tế bào thần kinh. Khi hệ thống miễn dịch bị suy yếu, chính là lúc loại virus này “lộ diện” và gây nên căn bệnh zona. Vì vậy, đối tượng thường mắc căn bệnh này là những người trên 50 tuổi hoặc có hệ thống miễn dịch suy kém.

“Những năm gần đây, số lượng người mắc zona liên tục tăng. Nguyên nhân có thể do thời tiết thay đổi thất thường, khả năng miễn dịch kém. Thêm vào đó là công tác tiêm chủng phòng bệnh của chúng ta chưa được tốt”, bác sĩ Toại nhận định.

Bác sĩ Toại cũng cho biết thêm, hiện nay có rất nhiều bệnh nhân nhập viện khi đã vào giai đoạn bùng phát của bệnh, gây khó khăn cho công tác điều trị và dễ dẫn đến biến chứng về lâu dài. Trong đó, đau thần kinh sau zona là triệu chứng khó nhất không chỉ của riêng bệnh zona mà cả ngành da liễu nói chung. Có rất nhiều bệnh nhân nhìn bề mặt da không có dấu hiệu gì nhưng 1 năm, thậm chí 2-3 năm sau vẫn còn cảm giác đau nhức do zona để lại.

Để phòng bệnh và chữa trị zona hiệu quả nhất, bác sĩ Nguyễn Toại cho biết: “Khi có các dấu hiệu như nổi mụn nước dính chùm kèm cảm giác đau rát, người bệnh nên đến bệnh viện chuyên khoa ngay lập tức để được điều trị kịp thời. Tuyệt đối không nên chủ quan, tự ý mua thuốc bôi. Với zona, thời gian trị liệu cho kết quả tốt nhất trong vòng 48 giờ sau khi có tổn thương da”.

Bài và ảnh: BÌNH AN

;
.
.
.
.
.