Hiện nay cả nước có 18 trung tâm y tế dự phòng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được Bộ Y tế công nhận đạt chuẩn.
Nhân viên y tế dự phòng tỉnh Yên Bái tuyên truyền về bệnh dại cho người bị phơi nhiễm bệnh dại. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN |
Đó là các trung tâm ở: Thái Nguyên, Yên Bái, Thái Bình, Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Phú Thọ, Bắc Ninh, Nam Định, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Đà Nẵng, Tiền Giang, Cần Thơ và Bến Tre. Riêng năm 2013, Bộ Y tế đã công nhận và trao bằng đạt chuẩn cho 5 trung tâm y tế dự phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết: “Chuẩn quốc gia trung tâm y tế dự phòng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2008 - 2015” là chủ trương của Bộ Y tế nhằm từng bước nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của các trung tâm y tế dự phòng tỉnh, thành phố; đồng thời đáp ứng đòi hỏi mới trong công tác dự phòng nâng cao sức khỏe, kiểm soát dịch bệnh, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Chuẩn quốc gia trung tâm y tế dự phòng tỉnh, thành phố còn là tiêu chí để kiểm tra, đánh giá năng lực, chất lượng hoạt động của các trung tâm trên toàn quốc.
Theo Cục Y tế dự phòng, để đạt được chuẩn quốc gia về y tế dự phòng, các trung tâm phải đáp ứng các tiêu chí của 10 chuẩn, mỗi chuẩn phải đạt 80% số điểm trở lên. Trong số 10 chuẩn thì khó đạt nhất là chuẩn về nhân lực và cơ sở hạ tầng.
Hiện lĩnh vực y tế dự phòng đang phải đối mặt với thiếu hụt nguồn nhân lực nghiêm trọng do chính sách đãi ngộ cán bộ làm công tác này còn hạn chế. Về cơ sở hạ tầng, đa số các trung tâm được xây dựng từ lâu, chật hẹp, trang thiết bị cũ kỹ lạc hậu, đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn, toàn diện từ nguồn ngân sách của địa phương. Chính vì vậy, hiện nay số trung tâm y tế dự phòng đạt chuẩn còn rất ít (18/63 tỉnh, thành phố).
Theo Tin tức