Đã có nhiều trường hợp người bị gãy xương, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não… nhưng không được sơ cấp cứu kịp thời tại nhà bởi các y bác sĩ, dẫn đến biến chứng hoặc tử vong.
Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng khám và sơ cấp cứu tại nhà cho một bệnh nhân cao tuổi ở quận Hải Châu. |
Sơ cấp cứu tại nhà luôn là một khâu quan trọng, nhiều khi có tính quyết định đối với tính mạng người bệnh nhưng hầu như chưa được nhiều người quan tâm.
Còn coi nhẹ
Khi đang múa lân trên giàn giáo cao 3m, bất ngờ anh T. bị trượt chân ngã xuống đất. Quá hoảng hốt, anh P. ở gần đó cũng ngã xuống đất. Máu chảy đầm đìa trên người cả hai anh. Những người dân xung quanh liền lập tức gọi 115. Vì quá sốt ruột, một người dân đứng gần đó dùng xe máy chở anh T. đến Bệnh viện Đà Nẵng nhưng không cứu được. “Vì nôn nóng nên người dân đã chở anh T. bằng xe máy. Anh T. bị chấn thương cột sống cổ. Lẽ ra, nếu được nẹp cổ và vận chuyển nhẹ nhàng bằng ván cứng thì có nhiều khả năng bệnh nhân được cứu sống”, bác sĩ Ngô Thị Phương Thảo, Phó Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng cho biết.
Còn anh P., sau khi được các y, bác sĩ ở Trung tâm cấp cứu 115 khám và xác định bị gãy xương đùi, cố định đùi bằng nẹp nên sau khi chuyển về Bệnh viện Đà Nẵng đã được cứu chữa, sau một thời gian thì bình phục.
Cách đây chưa lâu, ông H. (ở quận Thanh Khê) bị nhồi máu cơ tim. Quá hốt hoảng, người nhà đã gọi taxi chở ông H. tới bệnh viện thật nhanh nhưng ông đã không qua khỏi. Về trường hợp này, theo bác sĩ Thảo, cần phải được khám ban đầu tại nhà, nếu xác định được bệnh thì bệnh nhân sẽ được hồi sức chống choáng, giảm đau rồi mới chuyển đến bệnh viện. Đặc biệt, đối với dạng bệnh này thì không nên di chuyển bằng taxi bởi taxi thường chạy nhanh, gây xóc, khiến bệnh nhân rất dễ tử vong. Một thực tế hiện nay, rất ít người có những kiến thức về bệnh cũng như sơ cấp cứu ban đầu đối với những bệnh đơn giản. Bởi vậy, nhiều trường hợp lẽ ra người bệnh có thể được chữa khỏi hoặc hạn chế biến chứng, nhưng do di chuyển vội vàng, chưa kịp sơ cứu nên dẫn đến hệ quả đáng tiếc.
10 phút “vàng”
Với những phương tiện, trang thiết bị hiện đại tại các bệnh viện lớn như: Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C, Bệnh viện Hoàn Mỹ…, nhiều trường hợp tưởng như nguy kịch nhưng lại có khả năng cứu sống và hồi phục cao. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, nếu không được khám, xác định dạng bệnh và di chuyển đúng cách, an toàn thì khi đến bệnh viện, cơ hội cứu sống rất ít. Các trường hợp cần phải cấp cứu tại nhà như: chấn thương do sinh hoạt, tai nạn; các tình trạng đe dọa tính mạng như: hôn mê, co giật, nhồi máu cơ tim, tụt huyết áp; đợt trở nặng của các bệnh lý mãn tính như: tăng huyết áp, suy tim, bệnh phổi, tiểu đường…
Bác sĩ Thảo cho biết, với bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, ngừng thở, ngừng tim, nếu không được hồi sức mà di chuyển liền sẽ dẫn đến tử vong. Đối với các bệnh lý đe dọa tính mạng, “thời gian xử trí vàng” rất quan trọng. Khi bệnh nhân ngưng tim ngưng thở thì sau 5-10 phút não bị tổn thương vĩnh viễn không hồi phục. Khi bệnh nhân bắt đầu có các dấu hiệu rối loạn ý thức, rối loạn hành vi, sốt cao, đau liên tục, nhịp thở bất thường thì cần có sự can thiệp ngay của bác sĩ. Bệnh nhân được xử trí càng sớm thì cơ hội sống sót và hồi phục càng cao.
Một trong những lý do người dân tự chuyển bệnh nhân đến bệnh viện cho nhanh phải chăng là do chờ xe 115 lâu? Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Thảo cho biết: “Khi nhận được thông tin thì chúng tôi đi ngay, không chút chậm trễ. Tuy nhiên, cũng không thể quá vội vàng vì cứu người mà chạy ẩu, dễ dẫn đến tai nạn, nhất là lúc đường đông”. Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng hiện có khoảng 13 đầu xe nhưng có 3 đầu xe phục vụ cho việc cấp cứu. Hoạt động này hoàn toàn miễn phí. Ngoài hoạt động chuyên ngành, Trung tâm còn phải hỗ trợ công tác chuyển viện cấp cứu cho tất cả các bệnh viện trên địa bàn. Đến mùa cao điểm diễn ra các hoạt động văn hóa lớn thì Trung tâm vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Theo bác sĩ Thảo, phải tăng cường thêm khoảng 5-6 xe nữa mới tạm đủ để hoạt động.
Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng cho hay, trong năm 2013, đơn vị đã tổ chức hơn 20 lớp truyền thông kiến thức về sơ cấp cứu ban đầu cho cộng đồng. Hội Chữ thập đỏ Đà Nẵng cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về sơ cấp cứu cho giáo viên của các trường tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, mỗi người dân cần tự trang bị cho mình một số kiến thức sơ cấp cứu nhất định để có thể tự sơ cứu trong những phút “vàng” nếu có thể.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ