Hiện nay là thời điểm bùng phát dịch bệnh thủy đậu khiến người dân lo lắng đổ xô đi tiêm vaccine phòng bệnh.
Để phòng bệnh thủy đậu, người dân nên chủ động tiêm ngừa trước mùa dịch. |
Trước nhu cầu gia tăng đột biến này, nhiều trung tâm y tế dự phòng trên cả nước đang rơi vào tình trạng “cháy” hàng, trong đó có Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng.
Đổ xô đi tiêm
So với các năm trước, tình hình dịch bệnh thủy đậu năm nay diễn biến phức tạp với số lượng các ca bệnh tăng, phát triển trên diện rộng và bao gồm nhiều lứa tuổi khác nhau. Trong khi đó, đã hơn tuần nay vaccine thủy đậu trên cả nước đều rơi vào tình trạng “cháy” hàng. Hơn nữa, đây cũng là thời điểm bắt đầu năm học mới của các trường mầm non. Nhiều trường quy định trẻ phải có phiếu tiêm vaccine thủy đậu mới được nhập học khiến cho phụ huynh vô cùng lo lắng.
Có mặt tại Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng vào ngày 28-2, chúng tôi chứng kiến sự lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt các ông bố, bà mẹ khi nghe cán bộ Trung tâm thông báo hết vaccine thủy đậu. Chị Phan Ngọc Minh (25 tuổi, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) bế trên tay đứa con gái 1,5 tuổi than thở: “Con còn nhỏ nên để xin vô được trường là chuyện không dễ. Hai vợ chồng phải chạy đôn chạy đáo tìm trường phù hợp, bây giờ nhà trường quy định phải có phiếu tiêm mà vaccine thì hết. Cả tuần nay tôi cứ chực chờ ở Trung tâm Y tế dự phòng vì sợ có lại vaccine mà mình bỏ qua cơ hội, nhưng nghe đâu còn lâu mới có lại...”.
Chị Cao Thị Thương (20 tuổi), sinh viên năm 3 Trường CĐ Công nghệ (ĐH Đà Nẵng) cho biết: “Vừa rồi bạn chung phòng ký túc xá mắc thủy đậu. Hồi nhỏ tới giờ mình chưa mắc thủy đậu bao giờ nên rất sợ vì nghe đâu mỗi người chỉ mắc thủy đậu một lần trong đời. Biết là để tới mùa dịch mới lo đi tiêm vaccine thì tác dụng phòng ngừa không cao, nhưng cứ tiêm cho an toàn”.
Theo bác sĩ Nguyễn Toại, Trưởng khoa Da liễu - Bệnh viện Da liễu cho biết, không chỉ riêng trẻ nhỏ mà hiện nay lượng bệnh nhân lớn tuổi mắc thủy đậu nhập viện điều trị tại Bệnh viện Da liễu cũng gia tăng đột biến. Nhiều người lầm tưởng chỉ trẻ em mới mắc thủy đậu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, thủy đậu không chừa bất kỳ độ tuổi nào và tuổi càng lớn thì mắc thủy đậu càng nặng.
“Vét kho” 300 liều cuối cùng cũng không đủ
Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, chia sẻ bệnh thủy đậu xảy ra quanh năm, cao điểm nhất là thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán. Tại Trung tâm, vaccine tiêm phòng thủy đậu luôn có sẵn để phục vụ nhu cầu người dân. Tuy nhiên, nhiều khi Trung tâm phải bỏ vaccine này vì quá thời hạn sử dụng (6 tháng) mà không có ai tiêm. “Người dân theo dõi trên các phương tiện truyền thông thấy dịch bệnh bùng phát mới vội đổ xô đi tiêm. So với mọi năm, lượng người đến Trung tâm chích ngừa nhiều hơn nhưng vaccine chỉ trữ được 6 tháng kể từ khi nhập về. Thực tế, vaccine phòng bệnh chỉ có tác dụng khi tiêm trước mùa dịch. Đợi dịch bệnh bùng phát mới tiêm thì khi đó chúng ta đã có nguy cơ bị nhiễm virus rồi”, bác sĩ Thạnh nói.
Ông Thạnh cũng cho biết thêm, tình trạng “cháy” hàng vaccine thủy đậu không chỉ riêng của Đà Nẵng mà nhiều địa phương khác trên cả nước đều đang lâm vào tình trạng tương tự. Ngay từ trước mùa dịch, Trung tâm đã “vét kho” 300 liều cuối cùng của công ty cung ứng nhưng vẫn không đủ. Thậm chí, Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng còn liên hệ các địa phương khác và chấp nhận mua lại nhưng khắp nơi đều chịu vì đều đã hết hàng. Dự tính, vaccine thủy đậu sẽ có lại vào tháng 4 tới.
“Hiện tại, để phòng ngừa bệnh trong thời điểm này, người dân nên giữ gìn vệ sinh cơ thể, tránh xa nơi đông người và các nguồn lây bệnh. Khi có dấu hiệu của bệnh cần đến ngay trung tâm y tế để có hướng điều trị phù hợp”, bác sĩ Thạnh nói.
Bài và ảnh: BÌNH AN