.

Không chủ quan với bệnh glaucoma

.

Glaucoma là nguyên nhân gây mù lòa đứng thứ 2 trên thế giới (sau bệnh thoái hóa hoàng điểm tuổi già). Tại Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng, số ca mắc glaucoma trong những năm qua liên tục tăng.

Bệnh nhân được đo nhãn áp để kiểm soát tình hình bệnh.
Bệnh nhân được đo nhãn áp để kiểm soát tình hình bệnh.

Điều đáng nói là rất nhiều người mắc glaucoma nhưng không biết. Đến khi nhập viện thì thị lực rất thấp, nguy cơ mù lòa cao.  

Tăng hơn 3,5 lần

Theo thống kê của Bệnh viện Mắt Đà Nẵng, chỉ trong 2 tháng đầu năm, số lượng bệnh nhân mắc glaucoma đến khám tại Bệnh viện Mắt tăng hơn 3,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm nay có 728 lượt khám và 99 ca glaucoma điều trị nội trú (2 tháng năm ngoái có 203 lượt khám và 33 ca điều trị nội trú. Cả năm ngoái có 4.533 lượt khám và 926 ca điều trị nội trú). Chỉ riêng từ ngày 1 đến 12-3 có 203 lượt khám và 33 ca điều trị nội trú.

Theo các bác sĩ chuyên khoa khoa Glaucoma, rất nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mắt gần như mù lòa, không thể cứu vãn được nữa. Nguyên nhân chính do người bệnh chủ quan, nhập viện trễ, tự ý mua thuốc nhỏ mắt dùng trong thời gian dài.    

Chẳng hạn như trường hợp của bệnh nhân N.V.P (SN 1961, quê huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). Anh P. có các dấu hiệu bệnh glaucoma kéo dài đến nay đã hơn 10 năm và tự ý mua thuốc nhỏ mắt kèm thuốc uống mà không hề có sự chỉ định của bác sĩ. Bệnh nhân P. nhập viện điều trị tại khoa Glaucoma đã 10 ngày, trải qua một đợt phẫu thuật. Đến nay, bệnh tình đã có dấu hiệu thuyên giảm, mắt đỡ đau nhức hơn. Tuy nhiên, các bác sĩ nhận định mắt của anh P. không thể trở lại trạng thái bình thường được và phải theo dõi bệnh suốt đời.

Một trường hợp khác là anh L.T.T (SN 1973, quê thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam). Anh T. bắt đầu phát hiện mắt phải thường xuyên đỏ kèm cảm giác đau đầu khó chịu vào những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014. Bác sĩ cho biết, khi nhập viện, mắt phải của anh gần như mất khả năng thị giác. Đến nay, mắt đã hồi phục hơn so với ban đầu. Tuy nhiên, đối với glaucoma, tất cả bệnh nhân đều phải được điều trị và theo dõi suốt đời để kiểm soát sự tiến triển của bệnh.  

Chủ động bảo tồn thị lực

Các chuyên gia y tế cho hay, so với các năm trước, người dân hiện nay đã có hiểu biết hơn về căn bệnh glaucoma. Tuy vậy, tình trạng người dân chủ quan trong bảo vệ thị lực và tự ý dùng thuốc khi chưa có sự hướng dẫn của bác sĩ vẫn còn nhiều.

Bác sĩ Lưu Thị Thanh Tâm, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt, cho biết glaucoma là bệnh lý của thị thần kinh, thường liên quan đến tăng nhãn áp trong nhãn cầu, tổn thương thần kinh thị giác và tổn hại thị trường. Bệnh không thể tự khỏi, tiến triển liên tục theo một chiều, gây mất thị giác không hồi phục. Hậu quả cuối cùng là lõm teo dây thần kinh thị giác và dẫn đến mù.

Đối với bệnh glaucoma, bệnh nhân thường không biết mình đang bị bệnh và dần bị mù. Thường không có dấu hiệu cảnh báo trước cho đến giai đoạn tiến triển của bệnh. Điều này khiến người bệnh dễ bỏ qua, chủ yếu gặp ở dạng glaucoma góc mở và glaucoma góc đóng nhãn. Đây là dạng đặc biệt nguy hiểm.

“Ngoài các nguyên nhân khiến bệnh nặng hơn đã nêu trên, hiện nay, rất nhiều bệnh nhân mắc glaucoma có nguyên do bắt nguồn từ việc sử dụng corticoid kéo dài. Khi có dấu hiệu bị bệnh, người bệnh nên đến ngay các trung tâm y tế chuyên khoa để được bác sĩ theo dõi và có hướng điều trị kịp thời để hạn chế sự tiến triển của bệnh, bảo tồn thị lực, tránh trường hợp mù lòa đáng tiếc xảy ra. Vì là bệnh có yếu tố di truyền nên người bệnh và người thân cần có kiến thức để phát hiện bệnh sớm”, bác sĩ Lưu Thị Thanh Tâm nói.

Theo báo cáo của Hiệp hội glaucoma thế giới, ở các nước phát triển có khoảng 50% và các nước đang phát triển có hơn 90% số người bị ảnh hưởng do tổn hại của bệnh glaucoma. Thậm chí, đại đa số trong số đó không biết mình mắc glaucoma. Tỷ lệ mắc bệnh trong nhân dân chiếm khoảng 0,35%, khoảng 2% ở người hơn 40 tuổi. Tuổi càng cao thì nguy cơ bị bệnh glaucoma càng lớn (người ở lứa tuổi 70 nguy cơ bị bệnh cao gấp 3-8 lần so với lứa tuổi 40) và nữ mắc bệnh nhiều hơn nam gấp 4 lần.

Bộ Y tế cho biết, ước tính sẽ có 80 triệu người mắc bệnh glaucoma vào năm 2020, chiếm tỷ lệ 2,86% số dân số trên 40 tuổi.

Bài và ảnh: BÌNH AN

;
.
.
.
.
.