.

Nhân lực ngành Y tế Đà Nẵng: Thiếu chuyên gia giỏi

.

Để hướng đến mục tiêu trở thành một trong 3 trung tâm chăm sóc sức khỏe hiện đại mang tầm khu vực và cả nước đến năm 2020, ngành Y tế Đà Nẵng cần tiếp tục quy hoạch mang tính chiến lược để có sự đầu tư đồng bộ, phát triển đột phá cùng với sự phát triển năng động của thành phố. Ngoài trang thiết bị hiện đại thì công tác đào tạo, thu hút chuyên gia giỏi đóng vai trò quyết định làm nên thương hiệu cho y tế Đà Nẵng.

Để trở thành trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực, việc thu hút, đào tạo chuyên gia đầu ngành là yêu cầu cần thiết. TRONG ẢNH: Phẫu thuật nội soi cắt khối u tại Bệnh viện đa khoa Tâm Trí Đà Nẵng.
Để trở thành trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực, việc thu hút, đào tạo chuyên gia đầu ngành là yêu cầu cần thiết. TRONG ẢNH: Phẫu thuật nội soi cắt khối u tại Bệnh viện đa khoa Tâm Trí Đà Nẵng.

Vừa thu hút, vừa đào tạo

Với chính sách chiêu hiền đãi sĩ, trong giai đoạn 2002-2012, thành phố đã thu hút hàng chục tiến sĩ, thạc sĩ và bác sĩ có tay nghề chuyên môn giỏi từ các nơi khác đến làm việc tại các bệnh viện (BV) lớn. Theo bác sĩ Phạm Hùng Chiến, Giám đốc Sở Y tế, với định hướng chiến lược từ lãnh đạo thành phố và sự đầu tư đúng hướng của ngành và các BV, ngành Y tế Đà Nẵng đã và đang ứng dụng thành công nhiều phương pháp khám, chữa bệnh tiên tiến mang tầm khu vực và cả nước theo mục tiêu phát triển “đa khoa mạnh, chuyên khoa sâu”.

Điều đó khẳng định thông qua số bệnh nhân khám điều trị hằng năm đều tăng cao. Đặc biệt, khoảng 30 đến 40% bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại BV Đà Nẵng và BV Phụ sản-Nhi là người ngoại tỉnh. Việc xuất hiện tình trạng quá tải cục bộ tại một số BV của Đà Nẵng xuất phát từ nguyên nhân cơ sở vật chất khá đồng bộ, máy móc thiết bị hiện đại và đội ngũ y, bác sĩ lành nghề hơn các địa phương trong khu vực.

Cũng chính từ sự đầu tư khá trọng điểm đó mà hiện nay, Đà Nẵng xuất hiện một số chuyên gia giỏi các lĩnh vực như: phẫu thuật và can thiệp tim mạch, hồi sức cấp cứu, nhi khoa, sản khoa, thần kinh, tiêu hóa, chấn thương chỉnh hình… Mới đây nhất, các bác sĩ tại BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng sau một quá trình đưa đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn đã triển khai thành công phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, mang lại hy vọng cho những người mắc bệnh vô sinh.

Với lĩnh vực khá gai góc như ung thư, ngoài thu hút 1 PGS, TS có trình độ chuyên sâu, Đà Nẵng cũng đã có một số bác sĩ đã và đang tiếp cận với những phương pháp điều trị mới trong xạ trị; từng bước bắt nhịp với các BV lớn trên cả nước về khả năng tiếp nhận điều trị ung thư cho người dân trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, hàng chục lượt bác sĩ tốt nghiệp loại khá, giỏi sau khi ra trường được gửi đi đào tạo trong nước và nước ngoài theo đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố. Nếu được bố trí làm việc ở những môi trường thuận lợi, có điều kiện tiếp cận máy móc hiện đại thì trình độ chuyên môn trong thời gian 5 đến 7 năm đến sẽ vững vàng.

Lỗ hổng chuyên gia giỏi

Đến cuối năm 2012, trung bình tại thành phố Đà Nẵng có khoảng 15 bác sĩ/10.000 dân. Đây là tỷ lệ cao hơn 2 lần so với mức trung bình chung của cả nước (khoảng gần 7 bác sĩ/10.000 dân). Mạng lưới cơ sở vật chất, hạ tầng y tế thành phố cơ bản được đầu tư và hoàn thiện dần. Bên cạnh hệ thống BV công lập thì BV tư cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Mặc dù vậy, các chuyên gia quản lý cho rằng, đội ngũ bác sĩ phần lớn được đào tạo đại trà chứ chưa có nhiều người nghiên cứu chuyên sâu ở các lĩnh vực y học. Do vậy, ngành Y tế đang đối mặt với sự thiếu hụt rất lớn những chuyên gia đầu ngành thực thụ.

Theo đánh giá của lãnh đạo các BV lớn thì đội ngũ chuyên gia đầu ngành Y tế trên các lĩnh vực chuyên sâu còn quá ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đó là chưa nói đến một số ngành, lĩnh vực cần có những người giỏi như: công nghệ gene, di truyền, ghép tạng,... thì Đà Nẵng chưa tìm ra. Trên lĩnh vực y tế dự phòng, không những thiếu bác sĩ nói chung, mà Đà Nẵng hiện vẫn chưa có những nhà nghiên cứu lâu năm về dịch tễ học, côn trùng học… Đặc biệt, hiện nay Đà Nẵng vẫn thiếu những chuyên gia thật sự giỏi về lĩnh vực phẫu thuật nội soi các bệnh lý khác nhau. Đó là chưa nói đến xu hướng cần nhân lực giỏi tiếp cận và sử dụng rô-bốt phẫu thuật thay cho con người mà một số bệnh viện hiện đại của Việt Nam đã và đang bắt đầu ứng dụng.

Giám đốc Sở Y tế thành phố Phạm Hùng Chiến thừa nhận, những lĩnh vực đang có xu hướng phát triển, bệnh nhân tăng như: ung thư, răng-hàm-mặt, tai-mũi-họng hầu như chưa có chuyên gia giỏi theo kiểu “cánh chim đầu đàn”. Do vậy, việc thu hút và đào tạo đội ngũ này trong thời gian đến là điều ngành đang tính toán để sớm triển khai. “Theo quy hoạch, từ 3 đến 5 năm đến, Đà Nẵng sẽ có thêm một số BV chuyên khoa mới. Để làm được điều này, vấn đề khó nhất là phải đào tạo và thu hút để có cán bộ quản lý giỏi chuyên môn”, Bác sĩ Chiến tâm sự.

Bài và ảnh: VIỆT DŨNG

;
.
.
.
.
.