Ra đường, thỉnh thoảng có người thấy chị mừng rỡ gọi to: “Ơ, cô Đào! Cô đi đâu rứa?”, “Cô Đào có nhớ tui không?”… rồi huyên thuyên nói cho chị nghe chuyện bệnh tình của mình dạo này tiến triển thế nào... Những hình ảnh đó, chồng con hay bạn bè chị thấy hoài thành quen, không cần hỏi cũng biết đó là những bệnh nhân nhiễm HIV hay những đối tượng mại dâm đang được chị giúp đỡ.
Bác sĩ Phạm Thị Đào thăm và tặng quà cho gia đình người nhiễm HIV. |
Nói đến những bệnh nhân đặc biệt này, ai tiếp xúc cũng có phần e ngại. Ấy vậy mà chị coi họ như người nhà, thân thiết và nắm rõ “hộ khẩu” của từng người. Chị là bác sĩ Phạm Thị Đào, Giám đốc Trung tâm truyền thông phòng, chống HIV/AIDS (Sở Y tế).
Phải “thấu cảm” với người bệnh
Chị mở đầu câu chuyện bằng lời tâm sự của một bác sĩ đã và đang từng ngày nếm trải cùng nỗi đau với những bệnh nhân của mình - những người nhiễm HIV. Nếu ở những lĩnh vực y khoa khác, người bệnh tự tìm đến thầy thuốc thì với các bệnh nhân HIV, những người thầy thuốc như chị Đào phải tự tìm đến bệnh nhân, thậm chí là đến từng nhà, xuống tận cơ sở hoạt động nghề nghiệp của họ. Chị cho biết: “Những ngày đầu đi truyền thông tại những tụ điểm nhạy cảm như mại dâm, lúc nào cũng phải có chồng đi theo. Nhưng chỉ cho chồng đứng ở xa xa thôi. Tôi cũng đã từng rơi vào những tình huống nguy hiểm, bị hiểu lầm nhưng thấy mình nhiệt tình rồi họ cũng hiểu”.
Xuất thân là bác sĩ sản - nhi, chị phải mất một thời gian khá dài, ít nhất gần 3 năm để làm quen với lĩnh vực mới. “Mình nghĩ đơn giản là có nhiều người cần giúp đỡ, điều quan trọng là mình thích công việc này…”, chị Đào cười hiền khi nói về lựa chọn của mình. Trong suốt 17 năm theo nghề, lúc nào chị cũng có cảm giác chông chênh khi phải thông báo tình trạng phơi nhiễm cho người bệnh. “Cứ mỗi lần như vậy, tôi chứng kiến sự tuyệt vọng, nỗi hoang mang tột độ của bệnh nhân mà lòng cứ đau đáu. Mình phải tạo dựng lại niềm tin vào cuộc sống nơi họ!”, chị luôn tự dặn lòng mình và lấy đó làm mục đích sống, làm việc của mình. Tấm lòng chân thành cũng được bệnh nhân thấu hiểu nên từ những ngày đầu tính khí thất thường với những đòi hỏi vô cớ thì nay họ lại ngoan ngoãn tuân theo phác đồ điều trị mà chị căn dặn.
Có những bệnh nhân khi về sinh sống tại những tỉnh xa, nhưng khi có thắc mắc gì đều gọi điện cho chị. Từ chuyện bệnh tình cho đến những chuyện buồn vui trong cuộc sống. Trở thành những người bạn, nơi gửi gắm tâm tư tình cảm của những con người không may mắn đó là niềm vui lớn nhất với chị.
Người phụ nữ “hai giỏi”
Năm 2008, từ chỗ chỉ là một phòng chuyên khoa trực thuộc Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng, Trung tâm Truyền thông phòng, chống HIV/AID (gọi tắt là Trung tâm) ra đời. Những ngày đầu, Trung tâm chỉ có vỏn vẹn 3 bác sĩ chuyên môn cùng 15 người được điều động từ các phòng, ban khác sang, chị Đào được bổ nhiệm làm giám đốc. Từ đó đến nay, chặng đường dẫu không quá dài nhưng để có được 57 nhân viên “cứng” với chức năng quản lý, điều phối ở một lĩnh vực đặc thù và đặc biệt như phòng, chống HIV/AIDS không phải là chuyện dễ dàng gì.
Không dừng lại ở vai trò là một bác sĩ chữa bệnh, chị còn chủ động tạo cầu nối với các doanh nghiệp nhằm tạo công ăn việc làm cho các bệnh nhân. Theo chị, đó chính là cách tạo dựng niềm tin, mục đích sống để các bệnh nhân cảm thấy có được điều gì đó để phấn đấu sống có ích trong quãng đời còn lại. Lời tâm sự chân thành, cái nắm tay cảm kích hay những giọt nước mắt vui sướng của những người nhà bệnh nhân chứng kiến sự đổi thay nơi con em mình là bằng chứng sống động nhất cho những gì nữ thầy thuốc này đã làm. “Tất cả mọi người đều có quyền con người. Họ đến với những công việc mang tính nhạy cảm đều có hoàn cảnh riêng. Chúng ta không nên nhìn họ với ánh mắt kỳ thị mà xã hội đã và vẫn đang đối xử với những người nhiễm HIV/AIDS”, chị Đào nói.
Tại Trung tâm truyền thông phòng, chống HIV/AIDS, nếu cán bộ nào đi sớm về trễ nhất thì có lẽ đó là chị. Đảm đương trọng trách nặng nề của một người quản lý, về đến nhà chị nói vui mình cũng chỉ là… osin. Vẫn cơm nước, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa như bao người phụ nữ khác. Chồng con chị hiểu áp lực của một người lãnh đạo nên rất thông cảm. Đó là điểm tựa vững chãi nhất mà chị có thể vượt qua được mọi khó khăn, vất vả mà công việc mang lại. “HIV/AIDS là một lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, đòi hỏi người bác sĩ phải thực sự tâm huyết mới làm được. Nếu không tâm huyết, không thương yêu người bệnh thì không thể làm được. Do vậy, tiêu chí phục vụ của mình cũng khác, tận tâm tận lực với bệnh nhân, giải thích cho bệnh nhân hiểu rõ về bệnh tình của mình và phải hỗ trợ họ hòa nhập cộng đồng”, chị Đào bày tỏ.
Bài và ảnh: BÌNH AN