ĐNĐT - Do nhu cầu tiêm phòng của người dân Đà Nẵng tăng đột biến nên hiện tại Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng thiếu một số loại vắc xin tiêm chủng theo nhu cầu như: Infanrix Hexa (6 trong 1) của Bỉ; Pentaxim Pháp (5 trong 1) và vắc xin thủy đậu.
Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cho biết, hiện các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng vẫn đầy đủ. Chỉ có một số loại vắc xin tiêm chủng theo nhu cầu như: Infanrix Hexa (6 trong 1) của Bỉ; Pentaxim Pháp (5 trong 1) và vắc xin thủy đậu đã hết.
Nguyên nhân của việc thiếu một số loại vắc xin này, theo bác sĩ Thạnh, là do người dân nghe thông tin qua các phương tiện truyền thông đại chúng về một số sự cố trong việc tiêm chủng, họ lo lắng nên đưa con tới tiêm dịch vụ để yên tâm, khiến nhu cầu tiêm chủng theo dịch vụ của người dân tăng đột biến (số lượng người tới tiêm theo nhu cầu tăng gần gấp đôi so với cùng thời điểm này của năm trước).
Bên cạnh đó, hiện đang trong mùa cao điểm mắc bệnh thủy đậu nên người dân cũng lo lắng nên lượng người đến tiêm cũng tăng cao, khiến thiếu vắc xin này. Ngoài ra, thời điểm này một số trường mầm non bắt đầu nhận học sinh, trong khi đó một số trường yêu cầu trẻ tới lớp nhập học phải có giấy chứng nhận tiêm chủng bệnh thủy đậu nên phụ huynh cũng đổ xô đi tiêm cho con khá đông.
Bác sĩ Thạnh cho biết thêm, hiện Trung tâm đã thông báo tạm ngưng chích các loại vắc xin trên trong thời gian khoảng từ 1-2 tháng và đơn vị đã liên hệ các công ty cung ứng vắc xin để đặt thêm hàng, nhưng vắc xin thủy đậu đến giữa tháng 4 sẽ có lại, còn vắc xin Infanrix Hexa (6 trong 1) và Pentaxim Pháp (5 trong 1) đến đầu tháng 5 mới có.
Bác sĩ Thạnh cũng khuyến cáo, các phụ huynh không cần quá lo lắng mà nên theo dõi trẻ thường xuyên để kịp thời xử lý nếu có sự cố. Đối với bệnh thủy đậu, người dân cần chủ động trong công tác phòng bệnh chung; vệ sinh đường hô hấp; giữ ấm cho trẻ; tránh tập trung nơi đông người; hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân thủy đậu…
Đắc Mạnh