.

10 phần ít được biết trong cơ thể

.

Cơ thể con người đầy rẫy bí ẩn. Mặc dù từ lâu các cơ quan và các hệ trong cơ thể luôn là đề tài phân tích của các nhà nghiên cứu - một vài người trong số họ thậm chí từng lấy trộm các thi hài nhằm nâng cao hiểu biết về những gì thực sự có trong cơ thể người - thì dường như vẫn còn những phần chưa được khám phá.

Vẫn còn nhiều phần trong cơ thể người chưa được biết đến. Ảnh: LiveScience
Vẫn còn nhiều phần trong cơ thể người chưa được biết đến. Ảnh: LiveScience

Đây là 10 phần trong cơ thể mà có lẽ bạn không mấy quan tâm:

Cái gì đó trong đầu gối

Cơ thể con người phức tạp đến nỗi sau nhiều thế kỷ giải phẫu, các nhà khoa học vẫn tiếp tục phát hiện ra những bộ phận mới.

Tháng 11 năm ngoái, các nhà khoa học người Bỉ lần đầu tiên mô tả một loại dây chằng trong đầu gối con người, tên gọi theo thuật ngữ y khoa là dây chằng trước bên, hay All. Một bác sĩ người Pháp là người đầu tiên mặc nhiên công nhận sự tồn tại của loại dây chằng này năm 1879, nhưng nó vẫn chưa được chứng minh cho mãi tới ngày nay.

Các nhà nghiên cứu cho biết, phát hiện này đã làm sáng tỏ một số chấn thương đầu gối: đầu gối của người bệnh bị tổn thương khi di chuyển theo một cách nào đó.

Lớp Dua

Trong một phát hiện đáng ngạc nhiên khác về bộ phận mới của cơ thể, các nhà nghiên cứu tìm ra một lớp mới chưa từng biết trước đó trong mắt người. Cấu trúc mỏng và chắc chắn này sau khi được phát hiện có tên là lớp Dua, có độ dày 15 micron, tức 1/1.000.000m, nằm phía sau giác mạc.

Giới nghiên cứu cho rằng, việc phát hiện lớp này sẽ giúp họ hiểu hơn một số loại bệnh ở mắt do nước mắt hay tổn thương ở lớp này gây ra.

Những xương sườn thêm

Bình thường con người có 12 chiếc xương sườn mỗi bên, nhưng một số người còn có thêm xương sườn khác. Việc này có thể gây rắc rối cho sức khỏe. Xương sườn có thêm đó được gọi là xương sườn cổ, ước tính có khoảng 0,05 - 3% người gặp hiện tượng này. Loại xương này phát triển từ gốc xương cổ, ngay phía trên xương đòn, đôi khi không được hình thành hoàn chỉnh, mà chỉ được tạo ra từ một sợi mô mỏng.

Loại xương thừa này có thể gây rắc rối nếu chèn vào các mạch máu hoặc dây thần kinh gần đó. Điều này dẫn tới tình trạng gọi là hội chứng lối thoát ngực, biểu hiện là những cơn đau ở vai hay cổ, mất cảm giác ở chân tay và máu vón cục.

Các cơ vẫy tai

Mèo, chó và một số người may mắn có khả năng vẫy tai đều sử dụng một nhóm cơ gọi là cơ tai. Nhóm này gồm các cơ tai trước giúp kéo tai về phía trước, các cơ tai trên giúp nâng tai lên và các cơ tai sau giúp kéo nó về phía sau.

Mặc dù tất cả chúng ta đều có loại cơ này, nhưng người ta cho rằng, chỉ có khoảng 15% dân số có thể dùng chúng để vẫy tai. Nó giống như một kỹ năng hữu dụng vào thời người ta cần điều chỉnh tai theo hướng có âm thanh cảnh báo, nhưng ngày nay, phần lớn chỉ được dùng cho mục đích mua vui.

Các lớp biểu bì

Đây là những lớp da cứng ở phần cuối của móng tay, là chỗ mà ngón tay và móng tay gặp nhau. Bên dưới lớp biểu bì, các móng mới được hình thành. Mặc dù không nhìn thấy nhưng những phần nhỏ bé này của cơ thể giúp ngăn ngừa không cho vi khuẩn và bụi bẩn xâm nhập cơ thể chúng ta.

Xương móng lơ lửng

Chỉ được tìm thấy ở loài người, xương móng là loại xương duy nhất trong cơ thể không gắn kết với bất cứ thứ gì, nó là nền tảng của tiếng nói.

Loại xương hình móng ngựa này ở trong cổ họng, nằm giữa cằm và phần xương sụn tuyến giáp. Do vị trí của nó, xương móng sẽ làm việc với thanh quản (hộp âm) và lưỡi để tạo ra các âm độ khác nhau của tiếng nói con người.

Xương cụt

Xương cụt, hay xương cùng, là phần cuối cùng của xương sống, là phần còn lại của cái đuôi mà vẫn còn ở những loài động vật có vú khác. Có nhiều ý kiến rằng, xương cụt giúp neo giữ các phần cơ nhỏ và hỗ trợ các cơ quan vùng chậu. Nhưng đã có nhiều trường hợp sau khi phẫu thuật loại bỏ phần xương cụt vẫn không xảy ra hậu quả tiêu cực nào.

Một vài trường hợp cho thấy có những đứa trẻ sinh ra vẫn chừa ra phần xương cụt. Ngày nay, các trường hợp bất thường như thế đều có thể xử trí qua phẫu thuật. Song, vào thời trung cổ, hiện trạng này được xem là dấu hiệu của ma quỷ; theo đó, cả mẹ và đứa trẻ mới sinh đều bị hành hình.

Các xương biến mất

Hệ xương của con người cũng đầy sự kỳ bí. Hãy xem điều này: Người trưởng thành có số xương ít hơn một đứa trẻ. Chúng ta khởi đầu sự sống với 350 xương, nhưng trong quá trình phát triển, một số xương phát triển hợp nhất với nhau, và khi trưởng thành ta chỉ còn 206 xương.

Dạ dày liên tục tái tạo

Có thể có đôi chút triết lý, nhưng người ta tranh luận rằng, cứ 3 hay 4 ngày, chúng ta lại có một cái dạ dày mới. Đó là vì lớp niêm mạc dạ dày của chúng ta liên tục được thay thế bởi các tế bào mới.

Thực tế, dạ dày liên tục hình thành các lớp niêm mạc mới để cơ quan này không bị tiêu hóa bởi lượng axit của chính nó.

Nhân trung

Nhân trung, còn được gọi là phần rãnh giữa, là khe rãnh nằm dọc ở phần giữa của môi trên. Ở một số động vật, phần này giúp cải thiện khả năng khứu giác bằng cách giữ cho khu vực xung quanh mũi ẩm ướt. Nhưng ở người, nhân trung không có chức năng rõ ràng.

Có lẽ vì con người phụ thuộc vào thị giác nhiều hơn các giác quan khác. Do đó nhân trung mất đi chức năng của nó và chỉ còn là dấu ấn của quá trình tiến hóa.

Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn rất quan tâm tới bộ phận nhỏ này của cơ thể vì nó được hình thành trong các giai đoạn phôi thai cụ thể, và dạng thức bất thường của phần môi trên là manh mối cho thấy sự gián đoạn trong quá trình phát triển của thai nhi. Những dạng thức khác nhau của nhân trung đã được nghiên cứu trong một số bệnh trạng cụ thể, và thậm chí chúng cũng có liên quan tới các rối loạn phổ tự kỷ.

TRẦN ĐẮC LUÂN

Theo LiveScience

;
.
.
.
.
.