.

BHYT nên thanh toán phí khám dinh dưỡng cho trẻ

.

Các đại biểu dự hội thảo về quyền lợi khám, chữa bệnh của trẻ em dưới 6 tuổi trong dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi, bổ sung do Viện Nghiên cứu lập pháp phối hợp với Quỹ Nhi đồng LHQ tổ chức tại Đà Nẵng ngày 16-4 cho rằng, việc thu tiền khám, tư vấn dinh dưỡng với trẻ dưới 6 tuổi như hiện nay là một trong những nguyên do khiến nhiều trẻ bị suy dinh dưỡng. Vì vậy, Luật BHYT sửa đổi nên thanh toán chi phí này.

10 năm, chưa tăng được 1cm

Theo PGS,TS Nguyễn Thị Lâm - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, muốn cải thiện tầm vóc của trẻ em Việt Nam phải bắt đầu từ việc cải thiện chiều cao. Việt Nam là nước có chiều cao trung bình thấp nhất trong khu vực châu Á. Chiều cao của người Việt Nam chỉ tăng khoảng 1cm trong vòng 10 năm, trong khi các nước khác tăng 2cm. Vì vậy, việc làm cần kíp trước mắt là đầu tư cho công tác khám, tư vấn dinh dưỡng và điều trị suy dinh dưỡng nặng cấp tính cho trẻ dưới 6 tuổi cần được BHYT chi trả.

Bà Lâm dẫn chứng, năm 2011, kết dư quỹ BHYT dành cho các dịch vụ khám, chữa bệnh cho trẻ dưới 6 tuổi của nước ta là 1.243 tỷ đồng. “Mức kết dư này lớn hơn khoản ngân sách cần thiết để triển khai các dịch vụ khám, tư vấn (ước tính từ 36 - 142 tỷ đồng vào năm 2020) và điều trị suy dinh dưỡng cho trẻ em (ước tính 80,9 tỷ vào năm 2020). BHYT có khả năng cân đối khi nhân rộng các dịch vụ điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng trong những năm tới, dù có tăng dân số hay lạm phát”, PGS, TS Nguyễn Thị Lâm nhấn mạnh.

Nói về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) Tống Thị Song Hương cho biết, Luật BHYT hiện hành đã thanh toán cho điều trị suy dinh dưỡng như khám bệnh, thuốc, máu, dịch truyền… Riêng dịch vụ khám, tư vấn và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng, sản phẩm hỗ trợ suy dinh dưỡng nặng vẫn chưa thanh toán. Bà Hương cho rằng, ngày nay vấn đề thiếu ăn không phải là nguyên nhân quyết định gây suy dinh dưỡng mà do phụ huynh thiếu kiến thức, thiếu được tư vấn dinh dưỡng trong việc chăm sóc con cái. Do vậy, Quỹ BHYT cần bổ sung quy định thanh toán dịch vụ khám, tư vấn và điều trị suy dinh dưỡng cho trẻ em để cải thiện tình hình hiện nay.

Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn cao

Việt Nam hiện có hơn 7 triệu trẻ em dưới 5 tuổi. Trong đó, có 2,5 triệu trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi (suy dinh dưỡng mãn tính). Như vậy, trung bình cứ 3 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ suy dinh dưỡng. Việt Nam đứng thứ 13 trên thế giới về gánh nặng do suy dinh dưỡng thấp còi gây ra. Đây là những con số đáng kinh ngạc và đáng báo động do Viện Dinh dưỡng đưa ra tại hội thảo.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên đề cập: “BHYT nên bổ sung quy định cho vấn đề y tế dự phòng vào nguyên tắc BHYT. Bộ Y tế cần kiên định ủng hộ và mở dần dịch vụ y tế dự phòng do BHYT chi trả. Có như vậy, tỷ lệ trẻ mắc suy dinh dưỡng mới có thể thuyên giảm”.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến thừa nhận, Đà Nẵng là thành phố lớn nhưng cũng đang phải đối mặt với gánh nặng kép của suy dinh dưỡng, đó là thấp còi và béo phì. Trong thời gian qua, công tác khám và tư vấn dinh dưỡng đã được tiến hành rộng rãi trên toàn địa bàn thành phố nhằm cải thiện gánh nặng này. Cụ thể, từ tháng 6-2012 đến tháng 2-2014, 70% số trẻ từ 0-2 tuổi được tiếp cận dịch vụ; tính đến tháng 2-2014 có 100.900 lượt tư vấn tại các cơ sở y tế các cấp; số lượt tư vấn trung bình mỗi tháng tại mỗi cơ sở y tế trong tháng 2-2014 là 146 lượt. Bà Ngô Thị Kim Yến bày tỏ lo lắng khi đây là dịch vụ rất quan trọng, song khám, tư vấn dinh dưỡng tại Đà Nẵng mới chỉ đang được Dự án Alive & Thrive tài trợ. Cuối năm nay, dự án sẽ kết thúc và các dịch vụ này sẽ không được duy trì bền vững nếu không được đưa vào một cơ chế chi trả của Nhà nước.

BÌNH AN

;
.
.
.
.
.