* Bảo đảm nguồn cung vắc-xin bệnh dại
Mùa hè luôn là thời điểm nhạy cảm của bệnh dại ở thú nuôi như chó, mèo… Tuy mới bước vào mùa nắng nóng nhưng lượng người bị chó, mèo cắn liên tục tăng trong những ngày gần đây.
Gia tăng lượng người tiêm phòng
Theo Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, trong năm 2013, có tổng cộng 4.008 người tiêm phòng bệnh dại do bị chó, mèo cắn, cào cấu. Tính đến cuối tháng 2-2014, có 665 trường hợp đi tiêm phòng bệnh dại, tăng 46 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái. Kể từ khi bước vào thời điểm nắng nóng, số lượng người tới tiêm vắc-xin dại Verorab tại Trung tâm Y tế dự phòng cũng tăng nhanh hơn so với các thời điểm khác trong năm. Trong đó, trẻ em chiếm tỷ lệ cao hơn so với người lớn tuổi.
Hiện nay, nguồn vắc-xin dại Verorab tại Trung tâm Y tế dự phòng luôn dồi dào, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường, nhất là vào thời điểm nắng nóng hiện nay. Ngoài Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, hiện nay Đội y tế dự phòng của 4 quận, huyện là quận Ngũ Hành Sơn, quận Liên Chiểu, quận Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang đều có chương trình tiêm chủng phòng ngừa virus bệnh dại do chó, mèo… cắn.
Bác sĩ Nguyễn Tam Lãm, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc-xin sinh phẩm (Trung tâm Y tế dự phòng) cho biết, trong vòng 10 năm trở lại đây, chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong bởi bệnh dại do chó, mèo cắn trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, không vì vậy mà người dân chủ quan với công tác phòng ngừa. Bác sĩ Lãm khuyến cáo: “Khi bị chó, mèo… cắn hoặc liếm trên vết da trầy xước cần phải rửa ngay bằng xà phòng đậm đặc dưới vòi nước nhiều lần. Rửa lại bằng nước muối, và bôi các chất sát khuẩn như: cồn, cồn I-ốt đậm đặc hay Betadine, nhằm làm giảm tối thiểu lượng virus xâm nhập tại chỗ. Sau đó cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn và chỉ định có tiêm phòng hay không”.
Chủ động phòng dại từ chó, mèo…
Hằng năm, cứ vào thời điểm đầu mùa hè Chi cục Thú y (Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn) đều tổ chức đợt tiêm chủng tập trung phòng bệnh dại cho chó, mèo tại 54 xã, phường trên toàn địa bàn thành phố. Đây là loại vắc-xin phòng ngừa bệnh dại được nhập từ Pháp với thời gian miễn dịch 1 năm. Hiện nay, ước tính trên toàn địa bàn thành phố có khoảng 25.000 - 30.000 chó, mèo được nuôi. Vào mỗi đợt tiêm phòng, có khoảng 22.000 - 25.000 chó, mèo được tiêm. Năm nay, đợt tiêm chủng đã bắt đầu khởi động từ ngày 21-3 và dự kiến sẽ kéo dài đến cuối tháng 5. Mỗi ngày tiêm 1 xã, phường. Tính đến thời điểm hiện tại, đã hoàn tất tiêm chủng trên toàn quận Hải Châu với khoảng 6.000 vật nuôi và công tác tiêm phòng bệnh dại vẫn đang được tiếp tục tại quận Thanh Khê. Ngoài ra, đối với những gia đình có chó, mèo chưa được tiêm phòng trong đợt tiêm phòng tập trung có thể trực tiếp đem vật nuôi đến Chi cục Thú y để tiêm ngừa.
Ông Cao Xuân Thái - Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: “Trong thời gian qua, việc tiêm ngừa bệnh dại cho chó, mèo luôn được chú trọng từ công tác chuẩn bị cho đến tuyên truyền, tiêm phòng nên chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh dại chết do chó, mèo cắn. Tỷ lệ tiêm mỗi năm luôn đạt 98%”. Ông Thái cũng cho biết, công tác tiêm ngừa bệnh dại cho chó, mèo hiện nay tại vùng ngoại thành như quận Ngũ Hành Sơn, quận Liên Chiểu, quận Cẩm Lệ… còn khó khăn. Tỷ lệ tiêm phòng ở huyện Hòa Vang không cao, thậm chí không đạt yêu cầu. Nguyên nhân là do người nuôi ít quan tâm tới vật nuôi, thường thả rông chó, mèo so với vùng nội thành.
BÌNH AN