.

Chủ động bảo vệ sức khỏe sinh sản

.

Những năm gần đây, dư luận nói nhiều về sự lệch lạc trong giáo dục giới tính, giáo dục sức khỏe sinh sản (SKSS) vị thành niên.

Xã hội chứng kiến nhiều vụ lạm dụng tình dục đau lòng xảy ra với trẻ em, lo ngại trước sự gia tăng các vụ nạo, phá thai trong học sinh, sinh viên; băn khoăn trước sự xuất hiện ngày càng nhiều việc mang thai ngoài ý muốn ở lứa tuổi học đường. Song, các bậc cha mẹ, thầy cô và nhà trường vẫn cho rằng việc giáo dục giới tính, SKSS là “không nên” và “chưa cần thiết”.

Các nữ sinh Trường THPT Nguyễn Hiền tham gia buổi truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên.
Các nữ sinh Trường THPT Nguyễn Hiền tham gia buổi truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên.

Chưa hiểu đúng về sức khỏe sinh sản

Tình trạng vị thành niên có thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhiễm HIV/AIDS vẫn còn cao. Trong khi đó, các em “ngập” trong các luồng thông tin khác nhau và có nhiều thông tin lệch lạc từ các trang mạng xã hội thì phía gia đình, nhà trường và các cơ quan liên quan vẫn chưa thực sự làm tốt việc giáo dục giới tính. Chúng ta vẫn né tránh khi nói về vấn đề này với các em, hoặc có nói thì nói một cách chung chung, nên các em nắm bắt vấn đề mơ hồ. Theo sự phát triển của tâm sinh lý lứa tuổi, các em tự mày mò tìm hiểu các vấn đề liên quan. Đáng lo là sự tìm hiểu ấy nhiều khi không đúng hướng, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

Giáo dục giới tính đang được lồng ghép giảng dạy ở nhà trường cho thấy, học sinh đang thiếu kiến thức đúng về SKSS và giới tính phù hợp độ tuổi, thiếu kỹ năng sống để có thể đưa ra các quyết định liên quan đến SKSS. Song, cha mẹ tưởng các em đã biết kỹ năng này, chẳng hạn vệ sinh kinh nguyệt, chọn bạn, ăn mặc như thế nào là hở hang, như thế nào là bị lạm dụng tình dục, phòng chống lạm dụng tình dục như thế nào, thế nào là quan hệ tình dục an toàn… Người lớn cho rằng, giáo dục cụ thể những vấn đề này là “vẽ đường cho hươu chạy”. Nhưng thực tế, nếu chúng ta không hướng dẫn chi tiết những thông tin này, các em sẽ rơi vào thế bị động và dẫn đến hậu quả xấu.

Một số học sinh Trường THPT Hòa Vang tâm sự: “Cha mẹ có cái nhìn với con về SKSS và tình dục một cách ác cảm, coi chuyện yêu đương ở lứa tuổi vị thành niên là chuyện không bình thường. Thực tế, lứa tuổi vị thành niên bây giờ rất tò mò muốn biết “chuyện đó”, nên chúng em cần cung cấp thông tin để có thái độ tích cực hơn, có hành trang tốt, tự bảo vệ mình”.

Cần cung cấp kiến thức đầy đủ, phù hợp

Ông Arthur Erken - Trưởng Đại diện Quỹ Dân số LHQ tại Việt Nam- cho rằng để có những chính sách và sự hỗ trợ tốt nhất cho thanh-thiếu niên về lĩnh vực này, việc lắng nghe ý kiến, nhu cầu của chính các bạn trẻ rất quan trọng. Các bậc cha mẹ và những người làm chính sách cho thanh-thiếu niên cần hiểu tình dục không phải là vấn đề cấm đoán mà cần cung cấp kiến thức để các em hiểu biết đầy đủ, phù hợp theo từng giai đoạn và lứa tuổi. Các thầy cô giáo cần được đào tạo cơ bản về vấn đề này, không nên né tránh khi dạy trẻ về SKSS và nên cung cấp đầy đủ thông tin. Điều đáng nói là dạy cho các bạn trẻ quan hệ tình dục muộn hơn và biết bảo vệ mình hơn.

Chúng ta cần phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng hiện nay, trẻ vị thành niên - thanh niên là nguồn nhân lực bổ sung cho nguồn lao động trong tương lai, đòi hỏi phải khỏe về thể chất và tinh thần. Vì vậy, chính sách vĩ mô cần đặc biệt quan tâm đến đối tượng này. Cần dành nhiều hoạt động giáo dục dân số trong nhà trường, địa bàn dân cư. Đội ngũ những người cung cấp dịch vụ này phải có những dịch vụ thân thiện, gần gũi, giúp các em có chỗ dựa tin cậy khi vướng phải các khó khăn về tâm sinh lý. Giáo dục giới tính ở nhà trường phải được triển khai toàn diện, trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết để có thể có một cuộc sống an toàn và lành mạnh. Những kiến thức về giáo dục giới tính sẽ giúp trẻ vị thành niên có quan điểm tích cực về tình dục, đồng thời cung cấp các thông tin và kỹ năng để trẻ vị thành niên có thái độ và hành vi đúng, hiểu biết và có trách nhiệm về những quyết định của mình.

Bên cạnh vai trò giáo dục của nhà trường, về phía gia đình, cha mẹ học sinh cũng phải nhận thức được vấn đề giáo dục giới tính cho con em là rất quan trọng. Cha mẹ nên là tư vấn viên đầu tiên về giáo dục giới tính cho con, đặc biệt là người mẹ. Trước khi con được tiếp xúc với những kiến thức về giới tính ở nhà trường, cha mẹ hãy là người cung cấp cho con mình thông tin về tâm lý, sinh lý, luật pháp... để khi đối mặt với thực tế, các em biết cách tự bảo vệ mình, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm, để có thể phòng tránh được việc bị xâm hại tình dục, hay mang thai ngoài ý muốn.

Bài và ảnh: MINH TUẤN

;
.
.
.
.
.