Thời gian qua, tỷ lệ nạo phá thai ở nước ta từng bước giảm đáng kể, nhưng tỷ lệ những cặp vợ chồng vô sinh ngày càng cao. Hai vấn đề lớn này liên quan chặt chẽ với nhau trong việc chăm sóc sức khỏe và đặt ra thách thức cho ngành sản khoa hiện nay.
Tỷ lệ các cặp vợ chồng bị hiếm muộn, vô sinh, gặp khó khăn trong thụ thai ngày càng gia tăng. Nguyên nhân không phải chỉ do người phụ nữ mà còn có cả nguyên nhân từ phía người đàn ông. Nếu các cặp đôi có quan hệ tình dục liên tục trong vòng hơn một năm, không dùng bất kỳ biện pháp tránh thai nào mà không mang thai thì bị coi là hiếm muộn và có nguy cơ dẫn đến vô sinh. Vì vậy, việc tìm hiểu nguyên nhân để có biện pháp điều trị thích hợp là rất cần thiết.
Theo một nghiên cứu mới đây của Bệnh viện Phụ sản Trung ương và khoa Sản- Đại học Y Hà Nội, trong hơn 3.000 trường hợp có khoảng 7,7% cặp vợ chồng vô sinh; đặc biệt là vô sinh thứ phát, tức là gặp khó khăn ở lần sau mang thai, chứ không phải lần đầu tiên. Nguyên nhân của tình trạng gia tăng vô sinh này được chỉ ra chính là hậu quả của viêm nhiễm đường sinh sản, của phá thai.
Bác sĩ Nguyễn Thị Xuân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố Đà Nẵng cho biết, trên địa bàn thành phố, thời gian qua, các cặp vợ chồng hiếm muộn đi khám và chữa bệnh sớm đã có hiệu quả tốt. Bên cạnh đó, có một số cặp vợ chồng khó có thai không khám chữa bệnh kịp thời, khi tiếp cận được các dịch vụ hỗ trợ sinh sản, nhiều người tuổi đã cao, vừa tốn kém, vừa khó khăn cho điều trị, mà hiệu quả không như mong muốn.
Vừa qua, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố trực tiếp tư vấn cho các đối tượng là quân nhân hiếm muộn con cái trên địa bàn toàn Quân khu 5. Đại tá Ngô Minh Quận, Chủ nhiệm Quân y Quân khu 5 cho biết, hiện nay Quân khu có 221 gia đình quân nhân hiếm muộn, chiếm tỷ lệ 14,7% so với toàn quân. Quân nhân hiếm muộn phần lớn còn trẻ, gia đình kinh tế khó khăn, có nhiều người công tác xa nhà. Chi phí để điều trị hiếm muộn khá tốn kém nên Quân khu rất quan tâm đến đối tượng này, đã mời bác sĩ chuyên gia tư vấn, chia sẻ cung cấp những kiến thức về các biện pháp can thiệp tình trạng vô sinh cho các trường hợp hiếm muộn.
Việc chữa trị bệnh hiếm muộn của các cặp vợ chồng ở nước ta hiện nay có nhiều tiến bộ. Chương trình thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) tại Bệnh viện Từ Dũ được triển khai từ năm 1997. Đến nay, bệnh viện đã điều trị hàng chục ngàn trường hợp hiếm muộn đạt hiệu quả, đem lại hạnh phúc, niềm vui cho nhiều cặp vợ chồng. Dù TTTON ở Việt Nam được thực hiện sau thế giới gần 20 năm, nhưng TTTON ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu vượt bậc. Trong 1.000 em bé TTTON trên toàn thế giới hiện nay thì có 1 em bé Việt Nam. Bệnh viện Từ Dũ đã trở thành trung tâm TTTON lớn nhất, thực hiện được nhiều kỹ thuật, số chu kỳ thực hiện hằng năm và có tỷ lệ thành công thuộc loại cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Hiện tại Trung tâm công nghệ phôi Học viện Quân y, Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng, Phụ sản Hà Nội, Thanh Hóa, Bệnh viện Hùng Vương (thành phố Hồ Chí Minh)… đã được tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật này từ Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Tỷ lệ thụ tinh trong ống nghiệm thành công từ 50-60%, đặc biệt kỹ thuật nuôi phôi, phôi thoát màng, sinh thiết để chẩn đoán phôi… Các kỹ thuật điều trị vô sinh khác như phẫu thuật tạo hình tử cung, nối vòi tử cung đều phát huy tốt hiệu quả khi chữa trị tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Đó cũng là những tín hiệu vui, niềm hy vọng cho người hiếm muộn.
Theo số liệu của ngành y tế, Việt Nam có từ 7-10% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ có vấn đề về sinh sản. Cả nước có hơn 10.000 trẻ ra đời từ thụ tinh trong ống nghiệm; các cháu đều khỏe mạnh, lanh lợi, trong đó nhiều cháu học rất giỏi. |
MAI KHUÊ