Trước tình hình dịch sởi đang diễn biến bất thường tại 61/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, ngày 17-4, UBND thành phố đã có văn bản chỉ đạo khẩn cấp Sở Y tế và các cơ quan thông tin truyền thông về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch sởi.
Một trong 7 ca mắc sởi nặng đang được điều trị tích cực tại phòng Hồi sức cấp cứu, khoa Hồi sức nhi, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. |
Theo Sở Y tế Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay trên địa bàn thành phố có 104 ca nghi sởi. Trong đó, 81 trường hợp là người dân Đà Nẵng, 23 trường hợp ở các tỉnh, thành phố lân cận chuyển đến Đà Nẵng, 10 ca bệnh nặng, không có trường hợp nào tử vong. Có 34 mẫu dương tính với sởi, 12 mẫu âm tính và 30 mẫu chưa có kết quả xét nghiệm. Quận Thanh Khê có số trẻ mắc sởi cao nhất trên địa bàn thành phố với 18 ca, tiếp đến là quận Liên Chiểu với 16 ca.
Tính đến ngày 18-4, ghi nhận của phóng viên tại khoa Hồi sức nhi, Bệnh viện Phụ sản-Nhi hiện có 44 ca mắc sởi đang được điều trị nội trú. Trong đó có 7 ca nặng với các biến chứng như viêm phổi, suy hô hấp độ 1, 2. Trung bình mỗi ngày có 6-7 trẻ đến khám sởi, cao có ngày lên đến 14 trường hợp, chủ yếu dưới 5 tuổi.
Thực hiện công văn chỉ đạo của UBND thành phố, các cơ sở y tế đang gấp rút đẩy mạnh mọi biện pháp nhằm ngăn chặn bệnh lây lan. Tại khoa Y học nhiệt đới (Bệnh viện Phụ sản - Nhi) hiện có 100 giường bệnh được đặt tách biệt trong một khu riêng dành cho sởi. Tuy nhiên, do sởi là bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp nên khả năng lây chéo giữa các bệnh nhân khi đến khám, điều trị tại bệnh viện hoàn toàn có thể xảy ra.
Trường hợp của cháu Tr. (7,5 tháng tuổi) có mẹ là chị Nguyễn Thị M. L (31 tuổi, trú tổ 44, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) là một ví dụ. Nhập viện từ sáng 14-4, mãi đến sáng 17-4, sau 4 ngày được điều trị tích cực phải thở oxy, cháu đã qua cơn nguy kịch. Chị L cho biết, trước khi bệnh khởi phát 10 ngày, cháu đã có 20 ngày điều trị nội trú viêm đường ruột cũng tại bệnh viện này. Nhìn đứa con gái bé bỏng đang say giấc, chị L nghẹn ngào: “Khi cháu sốt 40 độ liên tục không hạ, tôi đã đưa cháu đi khám nhưng khi đó chưa có dấu hiệu gì nên bác sĩ chẩn đoán không phải mắc sởi. Hóa ra khi nằm điều trị viêm đường ruột, trong phòng có cháu mắc sởi mà chúng tôi không hay biết. Không chỉ riêng con tôi mà con một chị khác cũng bị”.
Theo bác sĩ Lê Văn Đoan, Phó khoa Nhi, Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng, khả năng lây chéo hoặc vô tình mắc sởi trong quá trình đến khám, điều trị tại bệnh viện là điều khó tránh khỏi. Bởi bệnh sởi có tốc độ lan rất nhanh, khoảng 90% số trẻ tiếp xúc với trẻ mắc sởi sẽ bị lây bệnh. Những trẻ có nguy cơ mắc sởi cao là những trẻ có thể trạng yếu, trẻ sinh non, không được tiêm phòng vaccine đầy đủ. Trong 34 ca dương tính tại Đà Nẵng, có 6 ca đã tiêm vaccine sởi mũi 1; hai ca đã tiêm vaccine sởi mũi 2 và 26 trường hợp chưa tiêm hoặc không rõ.
Ông Phạm Hùng Chiến, Giám đốc Sở Y tế thành phố, cho biết: “So với các năm trước, tình hình bệnh sởi năm nay trên địa bàn thành phố tăng nhưng không nhiều. Kết quả tiêm chủng mở rộng vaccine sởi hằng năm tại Đà Nẵng luôn đạt trên 95%, nên tình hình mắc bệnh sởi trong các năm qua thấp và tương đối ổn định. Sở dĩ năm nay sởi lại bùng phát với tốc độ lây lan mạnh như vậy là do năm 2014 nằm trong chu kỳ bùng phát từ 3-5 năm của dịch sởi. Hiện tại, tất cả các trung tâm y tế trên địa bàn thành phố đang thực hiện mọi biện pháp để ngăn bệnh phát triển”.
Bài và ảnh: BÌNH AN